Sau loạt bài đăng trên báo Lao Động, thi hài bà Trần Thị Bình (sinh năm 1963, xã Hưng Lộc, TP.Vinh, Nghệ An) mang tên giả là Vương Thị Hoài Thu (sinh năm 1977, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đi xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia rồi tử vong đã được Cty đưa về nước sau gần 1 năm phải nằm ở nhà lạnh xứ người. Trong khi những sai phạm của doanh nghiệp, cá nhân liên quan trong vụ này chưa được các cơ quan chức năng làm rõ thì đêm 24.3, phóng viên Báo Lao Động lại nhận được lời kêu cứu từ con gái của một lao động bị tử vong tại Saudi Arabia, nửa năm chưa đưa được thi hài về nước.
Đơn kêu cứu của con người lao động gửi tới Báo Lao Động. Ảnh: P.V
Kỳ 1: Lời kêu cứu trong đêm
Đêm 24.3, chị Nguyễn Thị Ánh M (hộ khẩu thường trú Mỹ Quý, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, tạm trú tại Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) gửi lời kêu cứu, nhờ Báo Lao Động trợ giúp. Chị M cho biết mẹ chị là bà Trương Thị Ánh, đi làm giúp việc gia đình bên Saudi Arabia qua Cty cổ phần cung ứng nhân lực Việt Nhật, bị tử vong từ tháng 10.2017 nhưng đến nay thi hài bà Ánh chưa được đưa về Việt Nam.
Tin tưởng Báo Lao Động
Trao đổi với PV, chị M nói: “Qua thông tin Báo Lao Động giúp anh Đinh Văn Chính đưa được thi hài mẹ là bà Trần Thị Bình về nước vào đêm 13.3, nên tôi rất tin tưởng và hy vọng Báo Lao Động cũng sẽ trợ giúp được gia đình tôi”. Trong đơn cầu cứu gửi Báo Lao Động, chị M viết: “Kính thưa Báo Lao Động, tôi nhờ quý Báo làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) đưa mẹ tôi là bà Trương Thị Ánh, đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Saudi Arabia và tử vong? Do nguyên nhân gì? Phía Cty cứ lần lượt nhẹ nhàng hẹn hết lần này đến lần khác là đưa thi hài mẹ tôi về nước, trong khi thi hài mẹ tôi bị cái lạnh hành hạ từng ngày, trong tình trạng như thế hương hồn mẹ tôi có siêu thoát được chăng? Mẹ tôi làm việc và tử vong thì có được hưởng quyền lợi gì không? Chúng tôi người dân chân chất, không biết nhiều luật pháp và tôi rất mong Báo Lao Động nhanh chóng vào cuộc để lên tiếng, hỗ trợ đưa thi hài mẹ tôi về với quê hương, để gia đình con cháu thắp nhang phụng thờ”.
Theo đơn đơn cầu cứu của chị M, ngày 11.7.2017, mẹ chị nhắn tối bay sang Australia để thăm người thân. Tuy nhiên khoảng cuối tháng 10.2017, qua Facebook, chị M đọc được thông tin về vụ tai nạn xảy ra ở Saudi Arabia, trong đó những thông tin về người bị nạn rất giống thông tin cá nhân của mẹ chị. Chị M và gia đình rất hoang mang. Chị đã làm đơn gửi Sở Ngoại vụ tỉnh An Giang nhờ xác minh thông tin trường hợp của mẹ. Ngày 16.11.2017, Sở Ngoại vụ tỉnh An Giang mời chị đến sở nhận công điện xác nhận do Đại sứ quán Việt Nam tại Saudia Arabia gửi về. Khi đó chị M cùng gia đình mới biết mẹ là bà Trương Thị Ánh đã tử vong ngày 6.10.2017, nguyên nhân tử vong do ngã từ lầu 2 xuống.
Chị M cho biết thêm: “Người trực tiếp vận động mẹ tôi đi XKLĐ là ông Cù Cao Cường (Cty Tân Hoàng Minh, TPHCM), nhưng Cty ký hợp đồng với mẹ tôi lại là Cty cổ phần cung ứng nhân lực Việt Nhật - Vitech (số 7, đường Đào Duy Anh, quận Đống Đa, TP.Hà Nội; văn phòng giao dịch số 5A, ngõ 2 Phương Mai, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) do bà Nguyễn Thúy Nga làm Tổng Giám đốc (TGĐ); ông Nguyễn Văn Khuyến là Phó TGĐ. Ngày 8.1.2018, ông Cù Cao Cường tự xưng là cán bộ Cty Việt Nhật - Vitech, được Cty cử đi tìm người thân của bà Trương Thị Ánh đến gặp tôi. Tôi yêu cầu ông Cường làm giấy cam kết Cty phải đảm bảo quyền lợi cho gia đình, nhưng phía ông Cường không đồng ý làm bản cam kết. Sau đó, ông Nguyễn Văn Khuyến - Phó TGĐ Cty - đã gọi điện cho tôi và thề dùng cả uy tín 15 năm Cty ra đảm bảo và cam kết lo hết tất cả sự việc cho mẹ tôi, từ kinh tế, thủ tục” .
Ngày 19.1.2018, chị M đã gửi chuyển phát nhanh “Giấy ủy quyền” và “Giấy chấp nhận tiếp nhận thi hài” cho ông Khuyến.
Cty liên tục khất lần
“Ông Khuyến hẹn gia đình tôi trong vòng 20 ngày (trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất) sẽ nhận được thi hài mẹ. Tôi chờ đợi đúng 20 ngày nhưng vẫn chưa có hồi âm từ phía ông Khuyến. Tôi gọi điện hỏi thì ông hẹn tôi đến 30 tháng chạp. Đúng ngày, tôi gọi thì ông hẹn tôi qua mùng 10 âm lịch (tức ngày 25.2.2018). Đến 27.2.2018, tôi liên hệ, ông Khuyến hẹn tôi qua tuần sau (5.3.2018). Chờ đợi những lần ông hẹn quá lâu, nên ngày 6.3.2018 tôi làm đơn cầu cứu gửi Bộ LĐTBXH, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở LĐTBXH và Sở Ngoại vụ tỉnh An Giang. Trong đó chỉ có Sở LĐTBXH và Sở Ngoại vụ có hồi âm với gia đình, còn Bộ LĐTBXH và Cục Quản lý lao động ngoài nước vẫn im lặng”.
Cũng theo chị M, đến ngày 15.3.2018, ông Khuyến lại gọi điện thông báo là trong tháng 3.2018 sẽ đưa thi hài bà Ánh về Việt Nam. “Gia đình từ lo âu, đến thấp thỏm chờ mong ngày nhận thi hài người thân, tuy nhiên tôi tiếp tục nhận được thông tin từ ông Khuyến là chưa biết cụ thể ngày thi hài mẹ tôi về nước. Đặc biệt, là sự im lặng khó hiểu từ phía Cục Quản lý lao động ngoài nước, mặc dù tôi đã có đơn kêu cứu. Do đó, tôi chỉ tin tưởng Báo Lao Động và mong quý Báo lên tiếng để giúp tôi nhận được thi hài mẹ và làm sáng tỏ sự việc của mẹ tôi là người quá tuổi, tại sao lại đi được XKLĐ làm nghề giúp việc gia đình, để rồi thiệt mạng?” - chị M trình bày.
Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến mới nhất của vụ việc tới bạn đọc.
Ba người Việt trốn trên xe tải chuyển nhà của gia đình Anh Sau hành trình chuyển nhà từ Thụy Sĩ qua Pháp để về Anh, một gia đình kinh ngạc khi phát hiện ba người Việt Nam ... |
Hai lao động Việt mất tích trên biển Hàn Quốc Đầu tháng 3, tàu cá Hàn Quốc bị lật trên biển vì thời tiết xấu, trên tàu có 11 thuyền viên và hiện hai người ... |