Trên “New England Journal of Medicine”, các nhà khoa học Quảng Đông, Trung Quốc (TQ) thông báo, đã phát hiện những khác biệt giữa virus SARS-CoV-2 trên 18 bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với SARS-CoV.
1. Tuy đều gây tổn thương mô đường hô hấp dưới (vùng sâu: Tiểu phế quản, tiểu phế quản tận, phế nang) nhưng SARS-CoV-2 “cư trú” ở cả đường hô hấp dưới và trên, trong khi SARS-CoV tập trung ở đường hô hấp dưới. Đặc điểm cư trú này giúp SARS-CoV-2 lây lan dễ dàng và nhanh như cúm mùa (hơn hẳn SARS-CoV) vì virus từ mũi, họng ra ngoài dễ và nhiều hơn. 17/18 người khi xuất hiện triệu chứng viêm nhiễm đường hô hấp đều có mật độ virus tăng vọt, ở mũi dày đặc hơn ở họng - một mô hình phân bố giống cúm mùa hơn là SARS-CoV.
Thêm vào đó, do đột biến (so với SARS-CoV) chính là protein spike hay protein S ở các “gai”, nên SARS-CoV-2 dễ bám dính vào niêm mạc đường hô hấp 100-1.000 lần hơn SARS-CoV - yếu tố tăng mạnh lây nhiễm. 1/18 người không có triệu chứng viêm nhiễm, mật độ virus không tăng ở cả mũi và họng. Phát hiện này cho thấy, SARS-CoV-2 dù về di truyền cơ bản giống SARS-CoV, nhưng khả năng lây lan hơn hẳn.
Nhà miễn dịch học Kristian Andersen, ở Viện nghiên cứu Scripps (California, Mỹ) - một chuyên gia - đã giải trình tự gene SARS-CoV-2, nói rằng: “COVID-19 rõ ràng lây lan giữa người với người nhanh hơn mọi loại Coronavirus khác mà chúng tôi từng thấy. Tốc độ lây lan này gần giống tốc độ lây lan của bệnh cúm”.
Phát hiện ở Quảng Đông có lẽ là bằng chứng cho nhiều nhận định trước đây rằng Coronavirus mới có thể lây lan sớm từ những người chưa biểu hiện triệu chứng bệnh (ủ bệnh), từ đó cho thấy việc ngăn chặn lây lan sẽ khó khăn hơn nhiều so với SARS-CoV. Mặt khác, khác biệt là bệnh nhân mắc SARS nhìn chung có các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với bệnh do SARS-CoV-2 nên thường đến viện sớm và nhiều hơn, dễ phân lập hơn.
Ngày 3.3, Tạp chí National Science Review đăng tải nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học (ĐH) Bắc Kinh, phân tích 103 bộ gene SARS-CoV-2 thu mẫu ở các bệnh nhân viêm phổi cấp từ đầu vụ dịch đến nay, đã phát hiện 149 đột biến ở nhiều vị trí trong hệ gene. Họ chia những virus đột biến này thành hai tiểu loại L và S, trong đó L khoảng 70%, S 30%. S gần giống SARS-CoV-2 gốc (phát hiện đầu tiên), nghĩa là ít tiến hóa hơn và độc lực không mạnh, ít “gây hấn” hơn.
L có độc lực mạnh hơn nên khả năng xâm nhiễm cũng mạnh hơn COVID-19 gốc rất nhiều, đồng nghĩa với L dễ lây lan hơn S. Nhà khoa học nhận thấy tiểu loại L đã tiến hóa từ tiểu loại S và L phổ biến hơn trong giai đoạn đầu dịch Vũ Hán, lây lan trên diện rộng từ ngày 7.1.2020 trở về trước. Nhưng sau đó, tần suất phát hiện nó giảm, nghĩa là mức độ lây lan giảm đi. Vì sao tiểu loại L tự nhiên giảm đi chưa giải thích được.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, tác động ngăn chặn của con người bằng phong tỏa các TP của TQ, đã thay đổi số lượng truyền nhiễm của virus nói chung, cũng như ngăn chặn được phát tán của tiểu loại L, nghe có vẻ chưa được thỏa đáng!
2. Trước đây, GS Cui Jie ở Viện Pasteur Thượng Hải, TQ, khi nghiên cứu các ca bệnh trong một gia đình ở Quảng Đông đã nhận thấy gene của COVID-19 có vài lần thay đổi khi lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình, nghĩa là đột biến gene khi lây người - người.
Ông thấy, phần lớn chúng đột biến theo kiểu cùng loại (synonymous) nên hầu như ít biến đổi đặc tính sinh học, ít thay đổi phương thức gây bệnh. Nhưng một số lại đột biến theo kiểu khác loại (nonsynonymous substitution) nên đặc tính sinh học biến đổi mạnh, cho phép chúng thích nghi với các môi trường khác nhau và như vậy càng nguy hiểm cho con người. Nhóm của Cui phát hiện 17 đột biến khác loại ở các ca bệnh TQ từ ngày 30.12.2019 đến cuối tháng 1.2020 và công bố phát hiện trên tạp chí National Science Review 29.01. Những phát hiện trên nói lên rằng, COVID-19 có đặc điểm đột biến tương tự cúm mùa.
Cúm mùa có đến 15 loại kháng nguyên (KN, chính là ARN của virus) H (Hemagglutinin) và 9 loại KN N (Neuraminidase). Những dạng tái tổ hợp khác nhau của H và N tạo nên các phân type khác nhau của virus cúm A (gây các đại dịch cúm ở người). Hai KN của cúm A, đặc biệt là KN H luôn biến đổi, những biến đổi nhỏ “sinh ra” một dạng virus cúm mới liên tục gây các dịch cúm nhỏ lẻ (tản phát), nhưng những biến đổi nhỏ tích lũy dần thành biến đổi lớn, tạo nên phân type KN mới.
Từ hai phát hiện này thấy rằng, virus cúm (Influenzavirus), họ Orthomyxoviridae và COVID-19, họ Coronaviridae, tuy khác họ nhưng bản chất di truyền cùng là ARN sợi đơn; giống nhau ở chỗ thường xuyên đột biến, cùng cư trú nhiều nhất ở mũi, họng người và phương thức lây lan.
3. Vấn đề trở lên phức tạp hơn khi GS Ruan Jishou ở ĐH Nam Khai, Thiên Tân, TQ thấy gene của COVID-19 có các đột biến không thấy ở Coronavirus gây dịch SARS 2002 nhưng lại tương tự như các gene tìm thấy ở HIV (họ Retoviridae) và Ebola (họ Filoviridae) và công bố trên diễn đàn khoa học Chinaxiv của Viện Hàn lâm khoa học TQ.
Trong một nghiên cứu sau đó, GS Li Hua ở ĐH Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, Vũ Hán, Hồ Bắc, xác nhận phát hiện của GS Ruan. Thêm vào đó, đột biến này cũng không thấy ở Bat-CoVRaTG13 - loại Coronavirus tìm thấy ở dơi trong hang động Vân Nam, TQ 15 năm trước - được cho là nguồn gốc của SARS-CoV-2 với 96% tương tự về gene. “Chúng khẩu đồng từ”, nghiên cứu của nhà khoa học Pháp, Etienne Decroly, ĐH Aix-Marseille, cũng thấy ở SARS-CoV-2 đột biến gene không có ở các Coronavirus khác, đã công bố trên Chuyên san khoa học Antiviral Research ngày 10.2.
Viện Adolfo Lutz, ĐH São Paulo và Oxford, Brazil cũng phát hiện gene COVID-19 ở một nam 61 tuổi, trở về từ Italia có 3 đột biến khác với COVID-19 Vũ Hán. Trước đó, họ thấy gene COVID-19 ở bệnh nhân Brazil số 1 giống COVID-19 ở Đức, còn bệnh nhân số 2 lại giống COVID-19 ở Anh hơn.
BV ĐH Sacco, Milan, Italia cũng phát hiện COVID-19 ở bệnh nhân Italia khác biệt với COVID-19 ở TQ. GS Li nói, đây có thể là lý do tại sao SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm hơn các Coronavirus khác, vì HIV và Ebola cũng là những loại dễ lây lan và cho thấy SARS-CoV-2 khác biệt đáng kể so với SARS-CoV về khả năng và mức độ lây nhiễm.
4. Trước đây, đã dự kiến những “kịch bản” dịch COVID-19: Thứ nhất, dịch sẽ được kiểm soát hoàn toàn sau vài tháng bằng hợp tác quốc tế, áp dụng các biện pháp truyền thống như phong tỏa, kiểm dịch và truy tìm đường lây nhiễm của người bệnh. Nhưng nay đã hơn 3 tháng, dịch vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Có ý kiến rằng sẽ kéo dài hết năm nay. WHO đã công bố đại dịch! Một số người cho rằng, dịch sẽ bùng phát như dịch Ebola 2014 - 2016 ở Tây Phi là không có cơ sở khoa học vì Ebola khác họ với COVID-19, đặc tính ít đột biến, nếu có cũng không tạo ra những thay đổi về khả năng gây bệnh - nghiên cứu của Viện Dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ 2014 - 2015, mức độ lây lan thấp hơn nhiều so với COVID-19.
Bằng chứng là 3 năm, dịch chỉ có khoảng 28.000 người nhiễm. Chưa kể Ebola tử vong đến 56%, trong khi COVID-19 khoảng 3,4% (WHO mới đưa ra). Từ đặc điểm di truyền của COVID-19, rất nhiều nhà khoa học nhận định chúng có thể trở thành tác nhân gây bệnh tồn tại dai dẳng như virus cúm mùa. Nhiều nhà khoa học Nga, Mỹ và TQ đồng quan điểm rằng, khi đã kiểm soát được dịch thì COVID-19 không thể bị tiêu diệt hoàn toàn vì chấm dứt một mầm bệnh cụ thể là rất khó và tuy có nhưng hiếm, COVID-19 vẫn tồn tại trong tự nhiên.
Virus sẽ “chung sống” với loài người và tác hại theo mùa, giống như bệnh cúm, hàng năm sẽ gây ra những dịch tản phát và bộ phận dễ bị tổn thương nhất trong dân số là người già, có bệnh mãn tính và những người suy yếu miễn dịch sẽ chịu hậu quả nặng hơn.
SARS-CoV và Ebola có mức độ đột biến thấp vì thế SARS-CoV hiện không tồn tại, Ebola tuy còn nhưng ít. Nếu COVID-19 trở thành mầm bệnh dai dẳng thì cũng chẳng dễ chịu gì bởi sẽ luôn mắc như cúm vì kháng thể có được từ chủng mắc tháng trước không có tác dụng gì với chủng mắc tháng sau do bản chất (gene) KN đã thay đổi.
Đang nghi ngờ những ca được cho là “tái nhiễm” ở TQ, Nhật, Hàn Quốc là do COVID-19 đột biến nên vừa “khỏi” bệnh xong lại “mắc”. Thực tế, mỗi năm, có 5 - 15% dân số toàn cầu mắc cúm mùa; 3-5 triệu người nặng; 250.000 - 500.000 tử vong. Đại dịch cúm lợn (cúm A-H1N1, các phó cúm H1N2, H3N1, H3N2, H2N3, lây chéo giữa lợn, người, gia cầm) năm 1918 làm chết 20 triệu người, năm 2009 - 2013 giết chết khoảng 151.700 - 575.000 người; 3 tháng đầu 2020, Đài Loan có 56 ca tử vong vì cúm “lợn”!
Bs Bình Nguyên
Vì sao số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam tập trung nhiều ở người trẻ? So với Trung Quốc và Italy, độ tuổi mắc Covid-19 tại Việt Nam trẻ hơn hẳn, trung bình 37 tuổi. |
Bộ GDĐT: Cộng đồng lưu học sinh cần bình tĩnh chống dịch COVID-19 Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo cộng đồng lưu học sinh tại nước ngoài cần ... |
Mỹ sử dụng kit xét nghiệm virus corona cho kết quả sau 45 phút Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng kit xét nghiệm chẩn đoán nhanh đầu tiên, có thể phát ... |