Cái chết của nông sản Việt là xuất thô. Câu hỏi cơ bản nhất phải trả lời là khi sản phẩm không bán được thì sẽ làm gì?
Bàn tiếp về nỗi lo phụ thuộc Trung Quốc khi quốc gia này trong nhiều năm liên tiếp đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu nông sản của Việt Nam, TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT) khẳng định, không phải cứ hàng Việt Nam bị Trung Quốc mua nhiều rồi Việt Nam sẽ bị phụ thuộc.
Ông Bảnh cho biết, việc buôn bán giữa Việt Nam với Trung Quốc hay với bất kỳ quốc gia nào khác đều tuân theo cung-cầu, thời vụ. Chẳng hạn, có thời điểm hàng Việt Nam xuất ra nhưng nước khác cũng có mặt hàng đó và chất lượng tốt hơn, giá cạnh tranh hơn thì Trung Quốc sẽ lựa chọn hàng của nước đó mà không chọn Việt Nam.
Thậm chí, xét về mặt kinh tế-chính trị, việc thị trường Trung Quốc "sáng nắng chiều mưa", lúc nào họ thích thì làm, đó cũng là chuyện bình thường.
Giá dừa Bến Tre đang rớt xuống thấp. Ảnh: VnExpress
"Không thể nói đối tác chơi xấu, có lúc họ mua, có lúc không mua, hoặc có nhiều thị trường khác cùng cung cấp sản phẩm đó... Việt Nam phải chấp nhận chuyện này.
Cái chết của nông sản Việt là xuất thô. Bởi bán thô, xuất thô nên hễ đối tác không mua là hàng chỉ có nước để thối, đem vất bỏ.
Vì thế, ngoài hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quan trọng là làm sao lúc hàng bán không được thì sẽ làm cái gì", TS Lê Văn Bảnh nói.
Từ đây, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối cho rằng, để nông sản Việt không còn lo nỗi lo phụ thuộc có 3 bước Việt Nam cần phải thực hiện:
Một là, phải quy hoạch, dự đoán, dự báo thị trường cho chính xác. Thực tế nhiều năm cho thấy, bà con nông dân thấy ai trồng cây gì, nuôi con gì bán được giá tốt là ào ào trồng cây ấy, nuôi con ấy. Đến khi thị trường không mua nữa thì hàng ùn ứ, cây chất đống ngoài đồng, chuồng bỏ tan hoang... Vì lẽ đó, việc dự đoán, dự báo cung cầu của thị trường rất quan trọng để từ đó xây dựng kế hoạch cho tốt.
Hai là, bảo quản, tồn trữ cho tốt.
Ba là, phát triển công nghệ chế biến để sản phẩm không bán được thì có thể đa dạng hóa, chế biến sâu thành các sản phẩm khác.
"Trái dừa đang gặp cảnh được mùa mất giá. Ban đầu khoảng 70.000 đồng/chục, sau xuống 30.000 đồng/chục và còn thấp hơn nữa. Thời điểm này hàng năm là đến vụ thu hoạch dừa tại các nước Philippines, Malaysia, Indonesia, vì thế cung vượt cầu là điều dễ hiểu.
Thế nhưng trái dừa có thể chế biến được thành nhiều sản phẩm khác, tại sao lại không làm? Tại sao cứ bán thô để rồi cuối cùng kêu lỗ?
Ở các nước hàng bán không được thì họ thu gom để chế biến, xử lý, đến khi có nhu cầu nhiều thì đem ra bán với giá cao. Vấn đề là bảo quản được và chế biến sâu thành các sản phẩm khác. Ở Việt Nam thì ngược lại, hàng bán không được thì chỉ đem vứt bỏ.
Tương tự, với hạt gạo, Việt Nam không nên chỉ xuất thô mà cần tập trung vào các sản phẩm chế biến sau gạo, phụ phẩm, tăng giá trị gia tăng của hạt gạo", TS Lê Văn Bảnh chỉ rõ.
Thêm nỗi lo phụ thuộc Trung Quốc: Tại ai? Có được một thị trường lớn nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, đó là hạnh phúc. Phụ thuộc hay không là do cách làm ăn ... |