Một vụ đứt toa tàu lại mới xảy ra sáng 13/6, đây là sự cố thứ 6 chỉ trong vòng 2 tháng của ngành đường sắt.
Thông tin cho biết, vào khoảng 7h sáng ngày 13/6, tàu hàng mang số hiệu 2479 chạy hướng Bắc Nam. Khi đến Km 81+ 900, thuộc địa phận huyện Duy Xuyên thì bị đứt toa. Đầu kéo chạy hơn 100 m mới dừng, để nhiều toa tàu ở phía sau.
Thêm sự cố đường sắt sau lời cam kết từ chức của lãnh đạo ngành đường sắt. Ảnh TPO
Tin thêm về sự cố trên báo chí, lãnh đạo Chi nhánh Đường sắt Nghĩa Bình cho biết,nguyên nhân ban đầu được xác định do lỗi kỹ thuật.
Dù khẳng định, sự cố không gây ảnh hưởng gì lớn đến đường sắt Bắc Nam, song việc này tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới công tác điều hành quản lý cũng như an toàn, chất lượng của ngành đường sắt.
Đáng chú ý, sự cố xảy ra ngay thời điểm ông Vũ Tá Tùng - tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lên tiếng cam kết sẽ chịu trách nhiệm.
Cụ thể, trên tờ Tuổi trẻ dẫn lại chỉ đạo của ông Tùng cho biết, các đơn vị trực thuộc trong 3 tháng từ nay đến ngày 31/8/2018 phải nghiêm túc thực hiện đợt cao điểm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
Trong thời gian này, nếu để xảy ra sự cố, tai nạn có tính chất nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan, các giám đốc trung tâm, chi nhánh, người đại diện phần vốn tại các công ty sẽ cam kết từ chức, miễn nhiệm.
Còn đối với người lao động nếu vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý hoặc hạ chất lượng công tác cao hơn một bậc so với quy định hiện hành.
Ông Vũ Tá Tùng cũng là người bị xử lý trách nhiệm theo hình thức "phê bình nghiêm khắc", sau khi để xảy ra hàng loạt những vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng vừa qua. Tính trong 1 tháng, đã có tới 5 vụ tai nạn, gây thiệt hại lớn về người và của.
Sau sự cố trên, Bộ Giao thông Vận tải đã có Công văn yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân của Tổng công ty liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng thời gian qua.
Tuy nhiên, Hội đồng kỷ luật Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá, lãnh đạo đường sắt chưa đến mức nhận hình thức kỷ luật nên bỏ phiếu lựa chọn hình thức rút kinh nghiệm hoặc phê bình nghiêm khắc.
Cuối cùng, đơn vị này đã quyết định chọn hình thức kỷ luật đối với ông Vũ Tá Tùng - tổng giám đốc và ông Đoàn Duy Hoạch - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là "phê bình nghiêm khắc".
Không phục đâu!
Hình thức xử lý trên được cho là không phù hợp, không tương xứng giữa trách nhiệm với những sai phạm trong các sự cố đường tàu nói trên.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, 3/5 sự cố trên đều đã được xác định là do lỗi chủ quan của ngành Đường sắt gây ra, điển hình là vụ tai nạn tàu SE19 đâm ôtô tại chắn đường ngang có gác ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa ngày 24/5, gây đổ tàu, làm 2 lái tàu thiệt mạng, 9 người khác bị thương; và vụ hai tàu đâm nhau tại ga Núi Thành.
Đây là lỗi quản lý yếu kém, lỗi chung của toàn hệ thống ngành đường sắt. Việc buông lỏng quản lý thể hiện từ thái độ làm việc của các nhân viên gác ghi, cho tới việc buông lỏng về quy chế, quy trình, cách tiếp cận làm việc của các cấp lãnh đạo Tổng công ty đường sắt... nên mới gây ra những vụ tai nạn thương tâm nói trên.
"Trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan đường sắt là đã buông lỏng quản lý, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở, giám sát chặt chẽ nên mới để nhân viên tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, để tai nạn xảy ra".
Về hình thức kỷ luật, ông Sơn cho rằng: "Đối với người trực tiếp quản lý tại các phân đoạn đường sắt để xảy ra tai nạn phải chịu trách nhiệm trực tiếp tùy thuộc vào từng mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Trong trường hợp xác định những sai phạm trên có lỗi từ buông lỏng quản lý, để nhân viên gây ra tai nạn thì phải buộc thôi việc, hoặc cách chức người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý phân đoạn đường sắt đó, không thể lơ mơ".
Lãnh đạo ngành đường sắt bị \'phê bình nghiêm khắc\': Lạ quá
Riêng với Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc Công ty đường sắt Việt Nam, PGS Võ Kim Sơn nhấn mạnh, họ cũng phải là những người chịu trách nhiệm trong việc quản lý không chặt chẽ, để cho cấp dưới của mình là những lãnh đạo các phân đoạn đường sắt địa phương mắc sai phạm, gây tai nạn nghiêm trọng về người và của.
"Xử lý kỷ luật thế nào cũng tùy thuộc vào mức độ từng vụ việc. Tuy nhiên, trong quy định xử lý hành chính, chưa từng thấy có văn bản hay chỉ nghị định nào quy định việc xử lý vi phạm kỷ luật là "phê bình nghiêm khắc" cả.
Đối với những trường hợp này, hình thức kỷ luật khiển trách đã là biện pháp xử lý nhẹ nhàng nhất rồi. Ngành đường sắt cần nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm và có thái độ xử lý nghiêm khắc. Cách xử lý trách nhiệm như vừa qua dư luận không đồng tình đâu" - vị chuyên gia thẳng thắn.
Lãnh đạo ngành đường sắt bị "phê bình nghiêm khắc": Lạ quá "Phê bình nghiêm khắc" không phải là hình thức kỷ luật, không phù hợp với mức độ, sai phạm nghiêm trọng trong việc để các vụ tai ... |
Đề xuất bỏ khoảng cách tối thiểu trạm thu phí: Tổng cục Đường bộ bị phê bình Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, khi xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 49, Tổ soạn thảo của Tổng cục ... |