Dự án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất (giai đoạn hai) xây mới, cải tạo cùng lúc 8 đường lăn, giúp tăng khả năng khai thác, chống ùn tắc khi máy bay cất hạ cánh.
Trên công trường chiều 7/5, từng nhóm công nhân ở các hạng mục tất bật làm việc trong tiết trời nắng rát. Dưới lớp khẩu trang kín mít phòng Covid-19 và tránh bụi, công nhân nhễ nhại mồ hôi. Việc thi công tập trung xây mới 2 đường lăn thoát nhanh, một đường lăn song song và cải tạo 5 đường lăn nối cùng các nút giao hiện hữu. Bên cạnh công trường, máy bay liên tục cất, hạ cánh.
Công trường thi công đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất, chiều 7/5. Ảnh: Quỳnh Trần |
Để thi công các đường lăn mới, nhà thầu xử lý nền đất, sau đó đắp cát, cấp phối đá dăm và đổ hai lớp bêtông xi măng, dày 78 cm. Cuối cùng đơn vị thi công tạo nhám bề mặt, trám mastic giúp tăng độ bám dính... Quá trình đổ bêtông làm vào ban đêm để đảm bảo yêu cầu về nhiệt độ. Nhà thầu huy động gần 600 kỹ sư và công nhân, hơn 60 loại máy móc thi công suốt ngày đêm.
Ông Trần Bình An, Trưởng phòng Điều hành dự án 1, thuộc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị thay Bộ Giao thông Vận tải quản lý) cho biết, giai đoạn hai dự án bắt đầu thi công đồng loạt đầu tháng 3 năm nay. Tiến độ dự án hiện đạt khoảng 35%. Việc xây dựng được yêu cầu đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình và không ảnh hưởng hoạt động khai thác của sân bay.
Dự án nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng, triển khai cùng lúc với dự án đường băng Nội Bài (Hà Nội) hồi đầu tháng 7 năm ngoái. Hai dự án được thực hiện theo lệnh khẩn cấp nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của sân bay sau thời gian dài khai thác.
Máy bay hạ cánh xuống đường băng 25RR/07L mới hoàn thành, đưa vào khai thác hồi tháng 1/2021. Ảnh: Gia Minh. |
Giai đoạn một tại Tân Sơn Nhất đã hoàn thành nâng cấp đường băng 25R/07L, dài hơn 3 km, rộng gần 46 m và cải tạo, xây mới một số đường lăn nối; hệ thống đèn hiệu, biển báo hàng không, trạm điện... Từ lúc đường băng mới đưa vào khai thác hôm 10/1 đến nay có gần 33.000 lượt máy bay cất, hạ cánh. Giai đoạn hai khi thi công xong, máy bay thoát ra khỏi các đường băng nhanh hơn, từ đó giảm thời gian chiếm dụng và giúp tăng năng lực cất, hạ cánh.
Quy hoạch đến năm 2020, sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 25 triệu lượt khách mỗi năm, song từ năm 2017 nơi này đã đón gần 40 triệu lượt. Cũng từ năm 2017, các đường băng Tân Sơn Nhất bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng do phải khai thác vượt tần suất thiết kế. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải tại sân bay cả trong ra ngoài, đặc biệt các dịp lễ, Tết.
Cục Hàng không chấp thuận cho sân bay Tân Sơn Nhất lắp thêm 5 máy soi an ninh Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận đề nghị của sân bay Tân Sơn Nhất về việc lắp đặt bổ sung 5 máy bay soi ... |
Trước 30/4, sân bay Tân Sơn Nhất phải lắp thêm 3 thang máy tại nhà xe Sở GTVT TP.HCM yêu cầu trước 30/4, nhà giữ xe sân bay Tân Sơn Nhất phải lắp đặt bổ sung 3 thang máy để tạo ... |
Dự án kênh chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất tăng 1.460 tỷ đồng Vốn cải tạo kênh Hy Vọng - một trong hướng thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, tăng hơn 1.460 ... |