Theo công bố mới nhất của Bộ GD&ĐT, phương án thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định đến năm 2020- thời điểm chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đến hết cấp THPT. Nhiều chuyên gia đề xuất những kiến nghị đối với phương án thi THPT quốc gia sau 2020.

thi tot nghiep thpt quoc gia sau 2020 can lo trinh ro rang Đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ bao gồm cả chương trình lớp 11
thi tot nghiep thpt quoc gia sau 2020 can lo trinh ro rang
Kỳ thi năm 2018 sẽ vẫn giữ nguyên như 2017. Ảnh: TL.

Giữ hay bỏ?

Theo lộ trình, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức triển khai từ năm học 2018-2019. Như vậy, sau năm 2020, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai hết ở cấp THPT, câu hỏi nhiều người băn khoăn là lộ trình cho đổi mới thi cử sau 2020 sẽ có hình hài ra sao?

Ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết- tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới tại buổi họp báo giới thiệu dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 4-2017 cho biết, sau năm 2020, học sinh nào tích lũy đủ kiến thức thì được xét tốt nghiệp, không nhất thiết phải thi.

Cụ thể, việc xét tốt nghiệp sẽ giao cho các cấp trường căn cứ vào đánh giá định kỳ năng lực học sinh. Chẳng hạn, trường giao cho học sinh làm một vài đề án nghiên cứu, học sinh làm tốt thì tích lũy thêm điểm cộng với đánh giá định kỳ và thường xuyên ở trường làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT. Để xét tốt nghiệp, không nhất thiết thi theo kiểu kiểm tra lý thuyết và kỹ năng giải bài tập. Việc đánh giá thường xuyên, do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, tại buổi công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vào cuối tháng 7 vừa qua đã không đề cập tới nội dung bỏ thi tốt nghiệp THPT. Lý giải điều này, GS Thuyết cho dự thảo trước có dự kiến sử dụng kết quả đánh giá định kỳ của các trường làm cơ sở công nhận tốt nghiệp vì ban soạn thảo nhận thức là muốn chương trình này thành công thì phải thay đổi hình thức xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Có thay đổi cách tổ chức xét tốt nghiệp mới chuyển được thói quen “Thi gì học nấy, thi cách gì học cách nấy” sang “Học gì thi nấy, học cách gì thi cách nấy”.

Nhưng khi đưa ra Hội đồng thẩm định để xem xét thì Hội đồng thẩm định nhận thấy Luật Giáo dục quy định là học sinh phải thi tốt nghiệp; Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng chỉ yêu cầu “đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp”, chứ chưa nói rõ là bỏ kỳ thi; cho nên đề nghị ban soạn thảo không nên vội quy định vấn đề này mà để chờ Quốc hội sửa Luật Giáo dục.

Do đó, hiện chỉ coi việc tổ chức đánh giá kết quả giáo dục, trong đó có việc công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, là một điều kiện để thực hiện chương trình và chỉ đưa ra những nguyên tắc chung theo hướng quy định việc đánh giá kết quả giáo dục phải hỗ trợ phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Luật Giáo dục hiện hành quy định học sinh học xong chương trình giáo dục phổ thông phải qua kỳ thi mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Còn về tuyển sinh thì do các trường ĐH tự chủ thực hiện theo qui định của Luật Giáo dục ĐH. Như vậy, theo qui định của pháp luật hiện hành thì Bộ tổ chức kỳ thi THPT còn các trường ĐH chủ động tổ chức tuyển sinh.

thi tot nghiep thpt quoc gia sau 2020 can lo trinh ro rang
Ảnh minh họa.

Cần lộ trình thực hiện rõ ràng

Tại hội nghị tổng kết của Bộ GD&ĐT cuối tháng 8 vừa rồi, ông Phan Thanh Bình- chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đưa ra đề xuất các trường nên tự chủ trong tuyển sinh ĐH. Ý kiến này nhận được sự ủng hộ từ nhiều trường. Một số lãnh đạo trường ĐH cho rằng việc tách hai kỳ thi là cần thiết và đúng đắn.

Cụ thể, TS Nguyễn Quốc Chính- giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo của ĐHQG TP.HCM, cho rằng nếu tách thành 2 kỳ thi riêng, công tác tổ chức, quản lý, giám sát nên giao về địa phương đối với thi tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH lo thi tuyển sinh. Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra nguyên tắc và kiểm tra các trường làm đúng hay không.

Tuy nhiên, theo ông Lê Viết Khuyến- nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, muốn bỏ kỳ thi THPT quốc gia với mục đích xét tốt nghiệp, mức độ đánh giá của các trường phải tương đương nhau, tức là toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông đã được kiểm định, gắn chặt với chuẩn đầu ra, hoàn toàn không có chuyện trường này đánh giá lỏng còn trường kia đánh giá chặt.

Cần phải có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông, hình thành văn hóa chất lượng bám chặt vào chuẩn đầu ra. Trong khi đó, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục của chúng ta hiện đang làm ở bậc ĐH, phổ thông chưa biết đến bao giờ.

Từ nay đến năm 2020, khi chương trình mới được triển khai hết ở cấp THPT với những đổi mới được kỳ vọng, nhưng Bộ GD&ĐT có kịp hình thành được hệ thống kiểm định giáo dục phổ thông, hình thành văn hóa chất lượng và dẹp bỏ được bệnh thành tích vốn ăn sâu nhiều năm trong giáo dục Việt Nam?

Chung quan điểm này, một chuyên gia giáo dục cho rằng nếu như bỏ thi tốt nghiệp THPT, cần có lộ trình rõ ràng hơn để thực hiện. Không phải cứ thay đổi chương trình là cả giáo viên lẫn học sinh đều thay đổi ngay cách học và ôn tập vốn trước nay để đáp ứng kỳ thi THPT quốc gia với nhiều môn học khác nhau. Bỏ thi đồng nghĩa với phổ cập bậc THPT, lúc đó học sinh chỉ cần đáp ứng yêu cầu là có thể tốt nghiệp. Như vậy, liệu có nên?

http://daidoanket.vn/tin-tuc/xa-hoi/thi-tot-nghiep-thpt-quoc-gia-sau-2020-can-lo-trinh-ro-rang-381074

/ Thu Hương/daidoanket.vn