Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, tốc độ tăng giá của thị trường bất động sản đã chậm lại nhưng giá có hạ hay không thì chưa thể khẳng định được.

Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 13/6, nhận định về thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thông tin thị trường bất động sản hiện nay đã hạ nhiệt tại nhiều nơi so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giá vẫn ở mức cao.

Theo ông Hùng, hiện nay có nhiều nguồn vốn dành cho thị trường bất động sản nhưng thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng. Hiện các nguồn vốn này đang được kiểm soát để thị trường phát triển theo hướng lành mạnh và Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương siết vốn vào bất động sản, nhất là các phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân.

bds-06032153
Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hạ nhiệt? (Ảnh minh hoạ).

"Trước động thái này, tốc độ tăng giá của thị trường bất động sản đã chậm lại nhưng có hạ hay không thì chưa thể khẳng định được. Tuy nhiên, thị trường cũng nên trở về mức giá hợp lý", Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận xét.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - cho biết thêm, trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng khi một số khu vực, đặc biệt là phân khúc đất nền tại nhiều nơi lên quận, sáp nhập hoặc có hệ thống hạ tầng giao thông chạy qua... tăng giá rất cao.

"Thậm chí có chỗ tăng đột biến, giá nhà chung cư tăng 5-7%, nhà ở riêng lẻ có nơi tăng 30%", ông Khởi nói.

Theo vị này, giá bất động sản tăng cao có nhiều nguyên nhân, một phần do nguồn cung hạn chế, tín dụng điều chỉnh chưa tốt; thông tin về thị trường chưa kịp thời, chính xác, nên có hiện tượng lợi dụng thông tin để nâng giá, thổi giá.

Trước thực tế nêu trên, ông Khởi cho biết, Bộ Xây dựng có nhiều văn bản đôn đốc, cùng với đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, thị trường bất động sản đến thời điểm hiện nay so với cùng kỳ 2021 và cuối năm 2021 đã có nhiều nơi đã hạ nhiệt mặc dù giá vẫn còn cao.

Dự báo về tình hình 6 tháng cuối năm, ông Khởi cho biết thị trường sẽ phát triển, song vẫn cần có những biện pháp để bình ổn, trong đó có việc đẩy nhanh nguồn cung, đặc biệt nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Quy định sở hữu chung cư có thời hạn là cần thiết

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, năm 2014, khi trình Chính phủ sửa Luật nhà ở, Bộ đã đặt ra 2 tình huống quy định sở hữu chung cư có thời hạn hay lâu dài. Tuy nhiên, thời điểm đó, Quốc hội cho rằng đề xuất này cần tiếp tục nghiên cứu.

Sau 7 năm, mới đây khi đề xuất hồ sơ xây dựng luật trình lên Chính phủ, Bộ nêu ra 2 phương án để Chính phủ xem xét và báo cáo lên Quốc hội. Phương án thứ nhất là thời hạn sử dụng nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng công trình. Cụ thể, thời hạn sử dụng công trình có thể là 50 năm hoặc hơn bởi thời hạn này được tính theo hồ sơ thiết kế và quá trình sử dụng có thể dài hơn. Khi hết thời hạn thì quyền sở hữu chấm dứt. Phương án thứ hai là xác định theo thời hạn sử dụng đất. 

Theo ông Khởi, trên thế giới các nước đều có quy định thời hạn sở hữu, chỉ là vấn đề thời hạn khác nhau. Ở thực tiễn Việt Nam, đến thời điểm hiện nay Bộ cho rằng cần thiết phải đưa ra quy định này.

"Đây cũng mới chỉ là đề xuất chính sách để Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng, sau khi được Quốc hội đồng ý đưa vào Luật nhà ở 2023 sẽ tiếp tục được nghiên cứu, lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, người dân", ông Khởi nói.

Châu Anh / VTC News