Nhiều người dân vẫn trung thành lựa chọn cách đem đổi tiền ở “chợ đen” dù đây là hành vi bị cấm, xử phạt khá nặng.
Bao nhiêu cũng có!
Chiều 24/10, ghi nhận của PV VTC News, các cửa hàng vàng, cửa hàng thu đổi ngoại tệ tự do trên phố Hà Trung, Trần Nhân Tông (Hà Nội) vẫn diễn ra bình thường. Thậm chí, một số thời điểm, lượng khách tới giao dịch còn đông hơn những ngày trước đó.
Dù hoạt động mua bán USD trên thị trường tự do đã bị cấm nhưng khách hàng có nhu cầu vẫn dễ dàng mua được. (Ảnh minh họa)
Tại một cửa hàng vàng trên phố Hà Trung, khi chúng tôi nói muốn đổi một ít USD để đi du lịch. Nhân viên báo giá bán ra 23.490 đồng/USD. Đồng thời nói thêm, nếu mua số lượng lớn sẽ giảm giá. Tuy nhiên với số lượng lớn, việc giao dịch có thể diễn ra tại địa điểm khác, nhân viên cho địa chỉ và khách đến đó để đổi.
Một cửa hàng khác nhỏ hơn cách đó không xa, chúng tôi ghé vào và ngỏ ý muốn bán vài trăm USD. Chủ cửa hàng nói giá mua vào 23.440 đồng, rồi làm phép tính trên máy, chuyển qua cho chúng tôi xem. Nếu khách đồng ý, giao dịch tiến hành ngay và luôn.
Khi chúng tôi hỏi gần đây nghe nói tại Cần Thơ có trường hợp bán 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, một nhân viên tại cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông nói cái đó tùy khách hàng, nếu người dân có nhu cầu, cửa hàng vẫn phục vụ nhưng phải kín đáo. Nếu mua, bán số lượng lớn có thể giao dịch tại riêng hoặc bên trong cửa hàng.
Theo quan sát, lượng khách đến mua bán ngoại tệ khá đông, chủ yếu đổi USD, ngoài ra còn có nhiều ngoại tệ khác. Việc giao dịch cũng khá kín đáo, thường sau khi khách nói nhu cầu, số lượng. Nhân viên sẽ báo giá. Khách đồng ý sẽ giao tiền. Nhân viên kiểm đếm và mang vào phòng kín. Lát sau nhân viên khác sẽ mang ngoại tệ ra. Giao dịch coi như xong.
Anh Nguyễn Văn Giang (36 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, do có người nhà du học bên Mỹ nên mỗi học kỳ, đều phải gửi tiền sang đó. “Tuy nhiên, việc mua USD tại ngân hàng chỉ nhỏ nhọt vài trăm USD nên tôi phải mua bên ngoài, dù đắt hơn vài chục đồng”, anh Giang nói.
Tại sao?
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty luật Basico nhìn nhận, đây chính là lỗi của chính sách.
“Để mua ngoại tệ trong ngân hàng, người dân phải chứng minh mình có nhu cầu chính đáng như đi du lịch, chữa bệnh, du học... Kể cả có nhu cầu mua chính đáng thì người dân cũng chỉ được mua ngoại tệ với số lượng ít”, luật sư Đức nói.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty luật Basico.
Ông Trương Thanh Đức nói thêm, hiện nay khách đi du lịch được phép mua tối đa 100 USD/ngày tại các ngân hàng, kèm theo đó là xuất trình vé máy bay, hộ chiếu, giấy mời (nếu có) và chỉ được mua ngoại tệ 2 ngày trước khi đi.
Trong khi đó thực tế việc mua 100 USD/ngày là quy định tối thiểu ngân hàng bán ngoại tệ cho người dân chứ không phải như cách hiểu của một số ngân hàng thì đây là mức tối đa. Thêm vào đó, mặc dù hiện nay lãi suất gửi tiết kiệm bằng USD là 0% nhưng người dân vẫn có nhu cầu tích trữ USD. Với nhu cầu này thì rõ ràng ngân hàng không cho mua.
“Ngay cả đối với các doanh nghiệp muốn mua USD để thanh toán các hợp đồng thì không ít doanh nghiệp đã chọn cách đem đổi tiền ở “chợ đen”, Chủ tịch Công ty luật Basico bình luận.
Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, việc quản lý ngoại tệ hiện nay gây khó khăn cho quản lý. Trong khi chúng ta cho người dân giữ ngoại tệ thì lại không cho người dân buôn bán ngoại tệ, ranh giới giữa giữ và buôn bán rất mỏng và mập mờ.
“Nếu tôi cầm 100 USD ra ngoài đường thì không ai cấm, nhưng đùng một cái tôi đổi ra tiền đồng để tiêu thì vi phạm. Ranh giới giữ ngoại tệ và bán ngoại tệ khá mỏng manh, nên việc người dân vô tình vi phạm là điều dễ hiểu”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Vẫn theo chuyên gia kinh tế, thực tế hiện nay, bình thường thì chẳng ai muốn giữ USD, cầm đổi hoặc liên quan gì đến ngoại tệ này, nhưng khi đi ra nước ngoài du lịch, thăm thân nhân hoặc đi chữa bệnh, lại là nhu cầu cần thiết
Xử phạt máy móc, liều lượng quá “sốc”
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc phạt 90 triệu đối với người đổi 100 USD là đúng nhưng cách áp dụng máy móc, liều lượng quá sốc.
Theo luật sư, thường các cơ quan pháp luật phải dựa trên số lượng, mục đích và mức độ của hành vi vi phạm để làm căn cứ xử lý.
Ở trường hợp người cầm 100 USD thì số tiền cũng chỉ khoảng 2,3 triệu đồng, nếu bán 100 USD phạt 90 triệu đồng thì chẳng khác nào đổi 50.000 đồng ra 2 USD cũng giống như đổi 1 triệu USD ra tiền Việt ở nơi không được phép đều có tội như nhau, đều bị áp mức phạt 90 triệu đồng. Đây là việc xử phạt mang tính cào bằng, không hợp lý, không đúng đối tượng vi phạm.
“Tôi cho rằng, nếu trường hợp vi phạm có hệ thống, cố tình vi phạm hoặc một cửa hàng không có giấy phép thu mua USD mà chứa hàng triệu USD (cơ quan chức năng nghi ngờ vi phạm đổi ngoại tệ trái phép, xử phạt 90 triệu đồng thậm chí hàng trăm triệu đồng) có lẽ sẽ không quá đáng”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Đổi 100 USD phạt 90 triệu: Quyết định khám xét có trước 6 ngày bắt quả tang 6 ngày trước khi bắt quả tang vụ tiệm vàng mua 100 USD của anh thợ điện, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký quyết ... |
Chợ ngoại tệ \'chui\' lớn nhất Hà Nội vẫn tấp nập bất chấp án phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD Cảnh mua bán ngoại tệ trái phép vẫn diễn ra tấp nập hàng ngày trên phố Hà Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi được ... |
Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Số kim cương tịch thu tại tiệm vàng được xử lý thế nào? UBND TP Cần Thơ đã ký quyết định phê duyệt phương án xử lý tang vật trong vụ anh thợ điện bị phạt 90 triệu ... |
Công an Cần Thơ: Không "gài bẫy" vụ đổi 100 USD để phạt tiệm vàng Trước câu hỏi có hay không chuyện dàn dựng để bắt quả tang tiệm vàng trong vụ đổi 100 USD, Công an TP Cần Thơ ... |