Với điện ảnh hay các giá trị văn hóa khác, có những tình huống không thể áp dụng máy móc cơ chế thị trường. 

Một doanh nhân thành đạt được bạn gái đưa về ra mắt. Chàng có một bữa tối tuyệt vời nhất trong đời.

Điều gì sẽ xảy ra nếu trước khi ra về, chàng trai nhìn bố mẹ cô gái với ánh mắt biết ơn rồi rút ví ra và: "Thưa hai bác, vì tất cả tình cảm mà gia đình dành cho cháu hôm nay, đặc biệt là bữa tối tuyệt vời này, cháu nên \'boa\' hai bác bao nhiêu nhỉ? 1.000 USD? Không! Có lẽ nên 2.000".

Ngay cả khi gia đình cô gái có kỳ vọng về vật chất thì kiểu tiền trao cháo múc như thế cũng không thể chấp nhận.

Nhà kinh tế học hành vi Dan Ariely đã kể câu chuyện này trong cuốn sách nổi tiếng “Phi lý trí có thể đoán định”.

Chúng ta cũng có câu chuyện tương tự ở Hãng phim truyện Việt Nam VFS, nhưng oái ăm và trần trụi hơn.

Đối với nhiều người, VFS là một cái gì đó thiêng liêng gắn liền với những năm tháng hào hùng của dân tộc bằng những bộ phim để đời: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội… và đại diện tiêu biểu của nền điện ảnh nước nhà, nên cần tiếp tục được đầu tư để trở thành một mũi nhọn trong ngành văn hóa.

Do vậy, hành xử theo kiểu “tiền trao cháo múc” với Hãng phim là một sự phỉ báng, không thể chấp nhận.

Tình huống hiện nay giống như cô gái đẹp đang tay trong tay cùng anh chàng kinh doanh bất động sản ngắm phố cổ. Nàng thả hồn vào những xanh rêu trong vẻ đẹp kiến trúc và nhất quyết cho rằng nó phải được bảo tồn; còn trước mắt chàng chỉ hiện ra những cọc tiền khi cao ốc tiện nghi mọc trên những mảnh “đất vàng”.

Quả là đồng sàng dị mộng.

Chuyện bi hài ở VFS, theo lăng kính của kinh tế học hành vi, là do xung đột giữa các quy chuẩn xã hội và quy chuẩn thị trường. Các nghệ sĩ dễ tổn thương trước thực tế phũ phàng.

Một cách thẳng thắn, Hãng phim truyện Việt Nam sinh ra để làm nhiệm vụ chính trị chứ không phải làm phim theo cơ chế thị trường. Những giá trị mà Hãng đã tạo ra cho xã hội là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhà quản lý việc đánh giá và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước không khỏi điền tên VFS vào nhóm những đơn vị đã và đang là gánh nặng ngân sách, chiếm giữ nguồn lực (trong đó có đất đai) của xã hội trong khi giá trị kinh tế được làm ra chưa tương xứng.

Nhà nước đã quyết định “rút bầu sữa” cho những tổ chức như VFS và Hãng không thể tự nuôi mình, trong khi những bất động sản ở vị trí đắc địa lại khiến một số nhà đầu tư sốt ruột.

Khi cổ phần hóa, chuẩn thị trường được áp dụng, chỉ những gì có thể tạo ra lợi nhuận mới có giá, còn những thứ thuộc về tinh thần như thương hiệu của VFS giá chỉ 0 đồng là vì thế.

Sự xung đột này khó mà dung hòa.

Đây là tình huống điển hình trong cổ phần hóa nói riêng, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nói chung. Điều này sẽ còn rất nhiều, nên các bên cần nhìn thẳng vào các quy luật vận hành xã hội, nhất là vai trò của thị trường, nhà nước và khối dân sự để tìm ra các giải pháp phù hợp.

Thứ nhất, thị trường không có động cơ giữ lại những ký ức đẹp mà chúng không tạo ra nguồn thu trực tiếp cho những người bỏ tiền ra. Do vậy, chúng ta không nên ảo tưởng về vai trò của nó.

Cụ thể, trong những trường hợp như VFS, chỉ để thị trường khai thác những bất động sản đắc địa và chuyển giao một phần tài chính để khu vực dân sự và nhà nước làm nhiệm vụ thứ ba chứ đừng “cưỡng hôn” như hiện nay.

Thứ hai, nhà nước không đủ khả năng bao cấp tất cả, nếu ngân sách được sử dụng hiệu quả hơn thì sẽ có nhiều nguồn lực dành cho những hoạt động tạo giá trị chung cho toàn xã hội. Điện ảnh ở đây có thể coi là một nhiệm vụ văn hóa cần có vai trò của nhà nước.

Đối với trường hợp cụ thể của VFS, Nhà nước có thể hành xử theo các cách: cho phép Hãng chuyển đổi mô hình phù hợp và được bán hoặc cho thuê một số tài sản tạo nguồn thu; tài trợ cho một số hoạt động tốt cho xã hội nhưng thị trường không có động cơ làm. Nếu sau đó VFS vẫn không thể tự nuôi nổi mình thì phải xóa sổ hoặc chuyển sang mô hình khác.

Thứ ba, như tại nhiều nước khác, khu vực dân sự có thể gìn giữ những giá trị vô hình rất tốt nên nhà nước cần có chính sách thúc đẩy chúng phát triển. Đông đảo tầng lớp trung lưu, những người vác tù và hàng tổng đang miệt mài ngày đêm đeo đuổi các giá trị có ích cho xã hội thuộc trụ cột này. Nếu có cơ chế để mọi người nhiều cách khác nhau cùng chung tay góp gió thành bão thì cơ may cứu Hãng phim là rất lớn. Các quỹ cộng đồng hay cá nhân rót tiền là những ví dụ đáng tham khảo. Hơn thế, cơ chế này còn giúp nhận biết những ai thực sự muốn chung tay và những ai chỉ a dua, chửi đổng hay vì những ý đồ khác.

Tóm lại, nhìn vào căn cốt vấn đề, chuyện bi hài liên quan đến Hãng phim là do xung đột giữa các quy chuẩn xã hội và quy chuẩn thị trường.

Để có thể giữ lại và phát huy những giá trị vô hình mà chúng không tạo ra nguồn thu có thể “đếm sột soạt” thì cần vai trò của khối dân sự và nhà nước chứ không nên giải quyết đơn thuần bằng cơ chế thị trường vì kết quả thường chỉ là đồng sàng dị mộng.

Hãng phim quốc gia, số phận chờ kế hay!

Chiều 11/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Ngọc Thiện cùng Thứ trưởng thường trực Huỳnh Vĩnh ...

Ngày 13/10/2017 sẽ chính thức thanh tra cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Ngày 10/10/2017, trả lời phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề thanh tra cổ phần hóa Hãng phim truyện ...

Tài sản 0 đồng

Chuyện cổ phần hóa hãng phim không chỉ là chuyện của nền điện ảnh và các nghệ sĩ.

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/thi-truong-va-dien-anh-3656128.html?vn_source=box-GocNhin&vn_medium=ho&vn_campaign=vn

/ Huỳnh Thế Du/vnexpress.net