Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về Kinh doanh xăng dầu với mong muốn khi ban hành sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) sử dụng xăng dầu và DN kinh doanh xăng dầu.

Còn nhiều mâu thuẫn với quy định hiện hành

Chia sẻ tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương và VCCI tổ chức ngày 14/5, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu nhận được sự quan tâm, chú ý rất lớn. VCCI chỉ mời khoảng 100 DN đến dự nhưng thực tế số DN lên đến gần 200.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc ban hành một văn bản để tất cả các bên hài lòng là rất khó. Nhưng rút kinh nghiệm từ những đứt gãy của thị trường những năm trước, lần sửa Nghị định này phải công khai, minh bạch. Để làm được điều đó, đại diện VCCI cho rằng, Bộ Công Thương cần lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng DN, cần tạo động lực để người góp ý nói thẳng, nói thật... từ đó đưa ra những điểm phù hợp nhất.

2024-gia-xang-dau-quay-dau-tang-manh65cdcf873b32a-17085905602251345640189.jpg -0
Người dân lo ngại xăng dầu tăng ảnh hưởng đến các mặt hàng khác tăng theo. Ảnh: CTV

Đại diện Bộ Công Thương, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, xăng dầu là mặt hàng chiến lược và phải có cơ chế quản lý. Vì thế, cơ chế quản lý có hướng tiếp cận khác so với các mặt hàng khác. Theo đó, Nghị định không chỉ đơn thuần là làm sao áp chế tài cho chặt, cho mạnh, mà chúng ta phải có chính sách khuyến khích DN tham gia vào thị trường gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ quốc gia. Dự thảo Nghị định tập trung vào 4 nội dung chính gồm: Công thức và cơ chế giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; điều kiện kinh doanh; hệ thống kinh doanh xăng dầu.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá cao những điểm mới tại Dự thảo Nghị định về Kinh doanh xăng dầu, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, cần sửa đổi một số nội dung tại Nghị định. Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang cho rằng, dự thảo Nghị định quy định Điều 14 quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối: “Chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối”, không cho phép các thương nhân phân phối mua bán hàng hóa với nhau, nhưng thương nhân đầu mối lại có quyền “được mua bán xăng dầu, nguyên liệu với các thương nhân đầu mối khác”. "Như vậy là phân biệt đối xử giữa các DN, vi phạm Điều 5, Điều 6, Điều 8, Điều 11 và Điều 12 của Luật Cạnh tranh và Điều 6, Điều 10, Điều 11 của Luật Thương mại", ông Nguyễn Hữu Thập nêu.

Theo ông Thập, các DN đầu mối (cả nhập khẩu và sản xuất) là đơn vị tạo nguồn tồn dự trữ quốc gia để cung ứng cho bán thương mại, bán tiêu dùng trong hệ thống của mình (từ thương nhân phân phối đến tiêu dùng nói chung); đầu mối không bán cho đại lý, nhượng quyền thương mại vì đã thông qua thương nhân phân phối, nếu đầu mối vẫn bán cho đối tượng này thì sẽ giẫm chân lên nhau. Đặc biệt, khi khan hiếm hàng hóa thì đầu mối sẽ chỉ tập trung cho hệ thống của mình mà ít chia sẻ cho thương nhân phân phối. Các DN đầu mối không được mua hàng qua lại với nhau, nếu các đầu mối được mua bán với nhau sẽ gây ra tình trạng sản lượng ảo.

Do vậy, ông Thập kiến nghị giữ nguyên quy định thương nhân phân phối xăng dầu theo Khoản 12 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021: “Được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác theo hợp đồng mua bán xăng dầu”.

Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Đồng Nai- đại diện nhóm thương nhân phân phối xăng dầu- cũng cho rằng, quy định về phân loại và xếp hạng các nhóm thương nhân với các quyền, nghĩa vụ và lợi ích khác nhau là trái với Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại; Quy định nhiều điều kiện kinh doanh trái với Luật Đầu tư; Quy định hạn chế quyền kinh doanh xuất nhập khẩu của thương nhân trái với Luật Quản lý ngoại thương; Tinh thần và nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định đi ngược và vi phạm các nguyên tắc cơ bản và nhiều quy định của Luật Cạnh tranh; Cơ chế định giá xăng dầu theo Dự thảo Nghị định không phù hợp với các nguyên tắc và quy định của Luật Giá; Cơ chế dự trữ lưu thông xăng dầu quy định tại Điều 25 và 26 của Dự thảo Nghị định không phù hợp với Luật Dự trữ quốc gia…

Đại diện DN này cũng nêu dẫn chứng cụ thể về các quy định trong dự thảo mâu thuẫn với các quy định pháp luật hiện hành.

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cũng đánh giá, nhiều điều khoản trong dự thảo bó buộc, hạn chế quyền tự do của thương nhân phân phối xăng dầu, có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Theo ông Hoàng Trung Dũng, dự thảo quy định thương nhân phân phối không được mua bán lẫn nhau, chỉ được mua bán đầu mối là mang tính chất bó buộc. Trong khi đó, Nghị định trước kia cho mua bán, tạo độ mở cho thị trường.

Nên giữ điều hành giá xăng dầu như hiện hành

Tại dự thảo Nghị định này, DN được quyền tự quyết định giá xăng dầu. Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức đã được quy định tại Nghị định để công bố giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường.

Thị trường xăng dầu cần cơ chế quản lý mới -0
Dự thảo mới về xăng dầu cần bảo đảm cạnh tranh công bằng và minh bạch.

Theo ông Phan Văn Chinh, đây là hướng tiếp cận thị trường hơn. Đồng tình với cách tiếp cận này, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, nên để DN quyết định giá bán lẻ xăng dầu. Khi DN quyết định giá, trên thị trường sẽ có giá xăng dầu "mấp mô”, người tiêu dùng có quyền được lựa chọn. Đồng thời, VINPA cũng thống nhất điều hành giá xăng dầu 7 ngày/lần như hiện hành. Đồng thời, ông Khanh kiến nghị, cần lược bớt những quy định chung chung trong dự thảo Nghị định nếu không khi thực hiện, DN rất dễ bị bắt lỗi. Trong đó, cần bỏ các quy định liên quan đến việc buộc DN phải xây dựng kho chứa 2.000m³.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đồng tình với việc nên giữ thời gian điều hành giá xăng dầu là 7 ngày/lần như hiện nay. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng nên giữ dự trữ xăng dầu 20 ngày như hiện hành thay vì 30 ngày như dự thảo vì hiện nay nguồn cung xăng dầu trong nước từ Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn đã chủ động được phần lớn, tăng dự trữ sẽ tăng hàng nghìn tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo ông Ngô Trí Long, nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu vì thực tiễn thời gian qua chứng minh, không sử dụng quỹ này, thị trường xăng dầu vẫn ổn định. Ở góc độ DN, bà Đặng Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt đề nghị quy định chiết khấu tối thiểu ở khâu bán lẻ là 5,6% giá bán xăng dầu để đạt điểm hòa vốn, và để có lợi nhuận thì khoản này nên từ mức 6-7%, chi phí này không thể thấp hơn 5%. 

Lưu Hiệp / CAND