Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2025 còn diễn biến phức tạp, cực đoan và rất khó lường.
- Thế giới liên tiếp hứng chịu thiên tai: Cần giải pháp ứng phó hiệu quả hơn
- Hà Nội mưa dông, chủ động ứng phó thiên tai cực đoan
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp đưa ra tại phiên họp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, diễn ra chiều 24/7.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp.
Nhận định tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2025, ông Hiệp đánh giá còn diễn biến phức tạp, cực đoan và rất khó lường.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự báo từ nay đến cuối năm số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm.
"Khoảng 8-11 cơn trên biển Đông, dự kiến khoảng 3-5 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Hiện nay cơn bão thứ 4 đang hình thành nhưng khả năng không ảnh hưởng đến nước ta", Thứ trưởng nói.
Về mưa lớn, ông Hiệp đưa ra nhận định, từ nửa cuối tháng 7 đến tháng 9, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện nhiều đợt mưa vừa đến mưa to và kéo dài, đặc biệt là có các đợt mưa rất cực đoan. Từ tháng 10 đến tháng 12, khu vực Trung Bộ mưa lớn tập trung trùng với thời kỳ bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động mạnh, vì vậy cần đề phòng nguy cơ lũ chồng lũ.
Về lũ và ngập lụt, ở Bắc Bộ đỉnh lũ trên các sông chính dự báo lên báo động 1, báo động 2; các sông nhỏ và thượng lưu có thể đạt báo động 2, báo động 3.
Tại Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa - TP Huế), các sông như Mã (Thanh Hóa), Cả (Nghệ An, Hà Tĩnh) có khả năng đạt đỉnh lũ báo động 1, báo động 2, một số sông có thể vượt báo động 2.
Khu vực Quảng Trị - Đà Nẵng cũng như các sông ở Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa và Lâm Đồng đỉnh lũ lên báo động 2, báo động 3, có nơi trên báo động 3.
Trên lưu vực sông Mekong, đỉnh lũ năm nay được dự báo tương đương trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ tại Tân Châu và Châu Đốc (đầu nguồn sông Cửu Long) hạ lưu có thể đạt báo động 2, báo động 3, thậm chí vượt báo động 3 ở một số điểm.
"Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất khu vực miền núi vẫn là điểm nóng nhất cần đề phòng từ nay đến cuối năm 2025", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Về nắng nóng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự báo còn có khả năng còn tiếp tục xuất hiện tại khu vực Trung Bộ trong nửa cuối tháng 7 và kéo dài đến tháng 8, tuy nhiên cường độ có xu hướng suy giảm dần từ nay đến tháng 9.
Bước sang cuối năm, không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ tháng 9-10 và gia tăng cường độ, tần suất từ tháng 11.
Hiện tượng rét đậm, rét hại diện rộng ở khu vực miền Bắc có khả năng xuất hiện ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (khoảng từ nửa cuối tháng 12). Cần đề phòng khả năng xảy ra sương muối, băng giá ở vùng núi cao khu vực Bắc Bộ.