Bình đẳng giới về kinh tế có thể giúp GDP của Mỹ tăng thêm 1.750 tỉ USD, Anh tăng 250 tỉ USD, Nhật Bản tăng 550 tỉ USD...
Nước Anh đang chứng kiến sự bất bình đẳng lương theo giới sau khi các công ty công bố những dữ liệu liên quan.
Tấm gương sáng từ Iceland
Theo quy định, các công ty Anh có từ 250 người lao động trở lên buộc phải công bố số liệu về việc chi trả lương trước tháng 4-2018. Đến nay, 527 công ty đã công bố.
Những dữ liệu mới công bố vào tuần rồi cho thấy hãng cá cược Ladbrokes, hãng hàng không Easyjet và Ngân hàng Virgin Money thuộc số những công ty lớn trả lương theo giờ cho nam giới cao hơn phụ nữ từ 15% trở lên. Cụ thể, lao động nữ có thu nhập theo giờ thấp hơn nam giới 52% tại Easyjet và 33% tại Virgin Money. Tuy nhiên, cả 3 công ty này đều khẳng định nam giới và nữ giới được trả lương như nhau khi đảm trách cùng vai trò.
Đài BBC cho biết đối với những công việc trọn thời gian ở Anh, lao động nam được trả lương cao hơn nữ bình quân 9,4% trong năm 2016. Nếu tính luôn toàn bộ nhân viên thì tỉ lệ này tăng lên 18,1%.
Thông tin trên không có gì đáng ngạc nhiên bởi nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chỉ ra rằng phụ nữ hiện được trả lương thấp hơn nam giới tại mọi quốc gia. Giờ đây, ít nhất có một đất nước muốn chấm dứt tình trạng bất bình đẳng về lương, đó là Iceland.
Một đạo luật vừa có hiệu lực từ đầu năm nay tại Iceland cấm công ty trả lương cho nam giới nhiều hơn phụ nữ khi họ làm cùng công việc. Theo quy định, các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ có từ 25 lao động trọn thời gian trở lên sẽ phải có chứng nhận của cơ quan chức năng về chính sách trả lương công bằng từ nay đến năm 2021. Công ty có từ 250 nhân viên trở lên phải hoàn tất việc này vào cuối năm 2018, sau đó là các công ty nhỏ hơn. Giấy chứng nhận này phải được gia hạn sau mỗi 3 năm. Những doanh nghiệp vi phạm có thể đối mặt mức phạt 500 USD/ngày.
Luật mới không có nghĩa là các công ty buộc phải trả mức lương như nhau cho mọi người cùng làm một công việc. Thay vào đó, chủ sử dụng lao động có thể trả lương cho nhân viên dựa trên kinh nghiệm, hiệu quả công việc và các yếu tố khác. Tuy nhiên, họ phải chứng minh được sự chênh lệch về lương không phải do giới tính người lao động.
"Đây là một cơ chế để bảo đảm nam giới và phụ nữ được trả lương công bằng. Chúng tôi đã có đạo luật đề cập vấn đề này nhưng đến giờ vẫn còn khoảng cách trong chuyện tiền lương" - bà Dagny Osk Aradottir Pind, thành viên Hiệp hội Quyền lợi phụ nữ Iceland, cho đài al Jazeera biết.
Theo nghiên cứu của WEF, phụ nữ hiện được trả lương thấp hơn nam giới tại mọi quốc gia Ảnh: INDIATIMES.COM |
Mỹ tụt lại phía sau
Iceland khẳng định họ là quốc gia đầu tiên trên thế giới luật hóa vấn đề trả lương công bằng giữa nam và nữ. Đất nước 323.000 dân này còn có kế hoạch xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách về lương giữa hai giới vào năm 2022.
Mục tiêu nêu trên của Iceland, quốc gia được WEF xem là bình đẳng nhất thế giới trong 9 năm qua, có lẽ không phải quá tham vọng. Bảng xếp hạng về bình đẳng giới của WEF được dựa trên những tiêu chí đánh giá như cơ hội kinh tế, chính trị, sức khỏe, giáo dục...
Dĩ nhiên, Iceland không phải là nước đầu tiên hoặc duy nhất hướng đến mục tiêu trên. Theo WEF, 2/3 thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã ban hành chính sách về công bằng lương, như yêu cầu doanh nghiệp báo cáo chi tiết về trả lương theo giới mỗi năm để chính phủ xem xét. Bất chấp những sáng kiến này, khoảng cách tiền lương theo giới vẫn đang mở rộng trên toàn cầu.
Theo thống kê mới nhất của WEF, năm 2017, trong khi phái mạnh kiếm được trung bình 21.000 USD/năm thì phái yếu chỉ khoảng 12.000 USD/năm. Điều này có nghĩa thu nhập của phụ nữ chỉ tương đương 57% nam giới. Nếu xu hướng này không có gì thay đổi, WEF dự đoán khoảng cách nêu trên sẽ không được thu hẹp trong vòng 217 năm tới.
Đáng chú ý, Mỹ đã tụt lại sau các nước phát triển khác trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách lương theo giới. Đề xuất sửa đổi hiến pháp của Mỹ nhằm chấm dứt phân biệt đối xử về giới trong trả lương và tuyển dụng đã được quốc hội thông qua năm 1972 nhưng chưa được các bang phê chuẩn và đến nay vẫn chưa trở thành luật.
Chưa hết, chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây còn ngưng thực thi một quy định từ thời người tiền nhiệm Barack Obama - có nội dung yêu cầu doanh nghiệp lớn báo cáo cho chính phủ về việc trả lương cho nhân viên theo chủng tộc và giới tính. Báo cáo mới nhất của WEF xếp Mỹ đứng thứ 49 trong việc tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, sau cả những nước nghèo hơn nhiều như Botswana và Bangladesh.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo khắp thế giới hiện có động lực tài chính để theo chân Iceland trong nỗ lực thúc đẩy cân bằng về lương tại nước mình. Theo báo cáo của WEF, bình đẳng giới về kinh tế có thể giúp GDP của Anh tăng thêm 250 tỉ USD, Mỹ tăng 1.750 tỉ USD, Nhật Bản tăng 550 tỉ USD, Pháp tăng 320 tỉ USD và Đức tăng 310 tỉ USD. Hơn thế, GDP toàn cầu có thể tăng thêm 5.3000 tỉ USD vào năm 2025 nếu sự bất bình đẳng trong việc tham gia nền kinh tế giữa nam và nữ giảm khoảng 25% trong giai đoạn này.
Tổng liên đoàn lao động kiến nghị dừng cách tính lương hưu nữ giới Do cách tính lương hưu của lao động nữ thay đổi dẫn đến nhiều người nghỉ hưu năm 2018 sẽ hưởng lương thấp hơn so ... |
Giới tính có phải là yếu tố quyết định tài năng? Nam giới thường chơi Scrabble (trò chơi sắp xếp chữ) tốt hơn nữ giới. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nam giới thông ... |