Sau đại dịch Covid-19 và các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, cuộc xung đột ở Ukraine là một yếu tố khác đưa thế giới đến gần hơn với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng lương thực đang tạo ra nguy cơ khiến nhiều người thiệt mạng không những bởi chết đói mà còn vì các bệnh truyền nhiễm do khả năng miễn dịch của cơ thể trở nên yếu đi vì bị suy dinh dưỡng.
- Khủng hoảng toàn cầu phủ bóng lên Hội nghị Thượng đỉnh G7
- Liên Hợp Quốc cảnh báo về khủng hoảng lương thực chưa từng có trên thế giới
Hiện nay, mỗi năm, bệnh lao giết chết 1,5 triệu người, bệnh sốt rét khiến 650.000 người thiệt mạng và các bệnh liên quan đến HIV/AIDS làm 680.000 người trên thế giới tử vong. Tuy nhiên, bối cảnh thiếu lương thực và suy thoái kinh tế có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của những căn bệnh này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các yếu tố liên quan đến dinh dưỡng làm tăng nguy cơ tử vong do sốt rét và làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của HIV do suy giảm hơn nữa hệ thống miễn dịch.
Ông Peter Sands cảnh báo, cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng diễn ra vào thời điểm cuộc chiến chống lại HIV, lao và sốt rét đang gặp nhiều khó khăn. “Sự thật đáng buồn là dịch Covid-19 trở thành điều tồi tệ nhất xảy ra đối với cuộc chiến chống lại HIV, lao và sốt rét kể từ khi Quỹ Toàn cầu được thành lập 20 năm trước”, ông Sands giải thích. Theo đó, đại dịch đã kéo lùi những tiến bộ đạt được những năm qua trong việc phòng, chống ba căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới. Theo thống kê, tử vong do sốt rét vào năm 2020 tăng 12% - quay lại mức tử vong vào năm 2012. Năm 2020, khoảng 1,5 triệu người trên thế giới không được điều trị đầy đủ đối với bệnh lao. Trong khi số người dương tính với HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút tiếp tục tăng vào năm 2020 thì những người tham gia các chương trình dự phòng giảm 11% và xét nghiệm giảm 22%.
Trên khắp thế giới, hiện có tới 45 triệu người đang trên bờ vực của nạn đói và 283 triệu người đang thiếu lương thực. Đói và suy dinh dưỡng có thể có ảnh hưởng thảm khốc đến sức khỏe của con người. Trong đó, suy dinh dưỡng là nguyên nhân tử vong lớn nhất ở phụ nữ và trẻ em dưới 5 tuổi. Nghiên cứu cho thấy, trẻ em bị suy dinh dưỡng có nhiều khả năng mắc một dạng bệnh sởi nặng hơn, thường xuyên hơn, bởi hệ thống miễn dịch quá yếu, không đủ sức chống lại viêm nhiễm. “Tỷ lệ suy dinh dưỡng và đói ở Afghanistan hiện nay rất cao, đến mức trẻ em dễ bị tổn thương hơn nhiều, không chỉ với bệnh sởi mà còn với các di chứng tiêu cực có thể kéo dài suốt đời”, Athena Rayburn, người đứng đầu Tổ chức Cứu trợ trẻ em (một trong những tổ chức lớn nhất hoạt động vì trẻ em trên thế giới) cho biết.
Điều đáng quan ngại hơn là cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã làm gián đoạn việc cung cấp ngũ cốc từ nhà xuất khẩu lúa mì và ngô lớn thứ tư thế giới, từ đó dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu lương thực trầm trọng ở các nước thu nhập thấp. Các chuyên gia y tế khuyến nghị chính phủ các nước trên thế giới nên giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng lương thực bằng cách cử đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu tới các cộng đồng nghèo nhất, bởi đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.