Không thể chấp nhận một nhà đầu tư chiến lược không hiểu biết gì về điện ảnh, không có khái niệm gì về phát triển văn hóa.
Theo bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) vào đầu năm 2016, công ty tư vấn về giá trị doanh nghiệp cho hãng phim cho rằng, tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại VFS chỉ xấp xỉ 19,7 tỷ đồng. Họ đã không tính 4 khu đất vàng với tổng diện tích cả chục nghìn mét vuông mà VFS đang quản lý và sử dụng vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra hai bất cập khi tính giá trị đất đai tại VFS lúc cổ phần hóa.
Sẽ thanh tra lại quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Zing |
Thứ nhất, các quy định pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp chưa cập nhật theo quy định của Luật Đất đai 2013, do đó cứ quy định đất thuê thì không tính vào giá trị doanh nghiệp.
"Luật Đất đai 2003 quy định, đối với doanh nghiệp trong nước chỉ có một hình thức là thuê đất trả tiền hàng năm. Đất này không đưa vào khi tính giá trị doanh nghiệp là đúng.
Tuy nhiên, đến Luật Đất đai 2013 lại có cả hai hình thức đối với doanh nghiệp trong nước là thuê đất trả tiền hàng năm và thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Nếu thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì phải tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, chứ không thể coi là đất thuê thì không tính.
Thế nhưng các nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp đến nay vẫn chưa cập nhật lại những thay đổi trong Luật Đất đai 2013:, GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết.
Thứ hai, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa tính lợi thế về vị trí - là giá trị vô hình vào giá trị đất đai, kể cả đối với đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm.
"Lợi thế về thương hiệu, lợi thế về vị trí... là những giá trị không được vật hóa phải được tính đến khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Ngay đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm cũng có giá trị vị trí của nó.
Nhưng trong cổ phần hóa DNNN ở Việt Nam lại không đưa giá trị vô hình của vị trí đất đai vào. Chính vì vậy, nó tạo nên một làn sóng đi săn đất đai của các doanh nghiệp cổ phần hóa rất mạnh mẽ và nó làm hỏng chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước. Điều này thể hiện cao điểm trong chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam", nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.
Ông khẳng định, chính hai bất cập trong pháp luật đất đai liên quan nói trên đã gây ra thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.
Từ trường hợp cổ phần hóa VFS, GS.TS Đặng Hùng Võ cũng chỉ ra rằng, cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam chỉ "nhăm nhăm" thu hồi lại vốn của Nhà nước để dùng vào việc khác trong khi một số doanh nghiệp không cần để cổ phần Nhà nước chi phối ở đó, thậm chí không cần để cổ phần Nhà nước tại đó.
Thế nhưng đó chỉ là một mục tiêu. Từ kinh nghiệm của Trung Quốc và một số nước khác, theo GS.TS Đặng Hùng Võ, cổ phần hóa DNNN là quá trình tái cấu trúc lại DNNN với mục đích thay đổi cơ chế quản lý, thay đổi cơ chế hoạt động để sao cho DNNN tạo hiệu quả quản lý tốt hơn, kinh doanh hiệu quả hơn.
"Mục tiêu thứ hai này rất mờ nhạt trong quá trình Việt Nam thực hiện cổ phần hóa. Người ta chỉ nhăm nhăm tới việc Nhà nước lấy lại bao nhiêu vốn tại các DNNN, lấy lại như thế nào?
Nhưng nếu chỉ như vậy thì sẽ không đảm bảo được điều kiện là các doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
Thiếu sót này cũng thể hiện rất rõ ở việc cổ phần hóa VFS. Không thể chấp nhận một doanh nghiệp không hiểu biết gì về điện ảnh, không có khái niệm gì về phát triển văn hóa mà lại được chọn làm nhà đầu tư chiến lược.
Đây là sự buông lỏng mục tiêu một cách hệ trọng và chắc chắn phải có điều chỉnh nhất định.
Đó là mới là xét trong trường hợp cụ thể này. Còn rất nhiều DNNN hoạt động trong các lĩnh vực khoa học, liên quan tới trí tuệ cũng bị rơi vào tình trạng như vậy. Những doanh nghiệp ấy bị các doanh nghiệp tư nhân săn lùng đất đai, đánh bật các nhà khoa học khỏi các doanh nghiệp đó. Sau khi nắm được trong tay, họ cho thuê đất và làm những câu chuyện hết sức phản văn hóa như làm quán karaoke, quán massage, dịch vụ ăn uống...
Tất cả những cái đó đã làm triệt hạ đi kinh nghiệm phát triển DNNN trong một thời gian rất dài mà đáng lẽ kinh nghiệm đó phải được nhân lên chứ không phải bị vứt ra ngoài lề đường", GS.TS Đặng Hùng Võ thẳng thắn.
Từ những phân tích ở trên, vị chuyên gia kết luận, phải thanh tra toàn diện lại quá trinh cổ phần hóa VFS, nếu cần thì phải làm lại.
"Đối với trường hợp này làm lại là đúng vì nhà đầu tư chiến lược chiếm tới 65% cổ phần. Tôi tin rằng họ chẳng có ích gì cho sự phát triển của Hãng phim truyện Việt Nam trong tương lai", GS.TS Đặng Hùng Võ nói.
Thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. "Sẽ báo cáo Thủ tướng để thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam" là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc ngày 21/9 với Bộ VH-TT-DL và các Bộ, ngành có liên quan, nhà đầu tư và Hội Điện ảnh Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VH-TT-DL phải phối hợp với Bộ KHCN, Bộ Tài chính nghiên cứu tính lại giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam căn cứ theo giá trị truyền thống, lịch sử của hãng phim. |
(http://baodatviet.vn/kinh-te/bat-dong-san/thieu-sot-lon-khi-co-phan-hoa-hang-phim-truyen-viet-nam-3343576/)
Hãng phim truyện Việt Nam - từ thời vàng son đến ồn ào cổ phần hóa Từng có những bộ phim lịch sử, gần đây, khi chuyển đổi mô hình, hãng phim truyện VN thường xuyên lỗ, giá trị như bằng ... |
250 triệu đồng/m2 đất vàng cạnh Hãng phim truyện Việt Nam Mức giá quy định cho đất xung quanh khu "đất vàng" của Hãng phim truyện Việt Nam là 46 |
Chiêu thức thâu tóm của ông chủ Hãng phim truyện Việt Nam Những doanh nghiệp ít được chú ý nhưng có quỹ đất lớn là mục tiêu thâu tóm "ưa thích" của ông chủ Công ty Vạn ... |
Bất ngờ giá trị đất vàng Hãng phim truyện Việt Nam Quyền được giao đất hay thuê đất là quyền rất lớn của doanh nghiệp, nếu loại ra khi cổ phần hóa sẽ làm giá trị ... |