Truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11-2 đưa tin, chính quyền nước này đã bắt giữ 48 người vì tội cướp bóc sau trận động đất mạnh xảy ra ở nước này và nước láng giềng Syria.
- Những trận động đất kinh hoàng nhất thế kỷ 21
- Nepal tưởng niệm 5 năm trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử
Trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gây ra hàng loạt đống đổ nát, trong khi số người tử vong vẫn tăng mạnh |
Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nghi phạm trên bị giam giữ ở 8 tỉnh khác nhau. Cùng ngày, Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc tế Đức (ISAR) và Cơ quan Cứu trợ Kỹ thuật Liên bang Đức (THW) thông báo đã tạm ngừng các hoạt động cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất, do các vấn đề an ninh và có tin về các vụ đụng độ giữa những nhóm người và cả các vụ nổ súng. ISAR và THW cho biết sẽ tiếp tục công việc cứu hộ ngay khi Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Khẩn cấp (AFAD) của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tình hình ở mức an toàn.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chưa ghi nhận các vụ đụng độ ở khu vực bị động đất, song Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan ngày 11-2 đã bình luận về tình hình an ninh chung, lưu ý rằng tình trạng khẩn cấp đã được ban bố và đã xảy ra một số vụ cướp bóc.
Trước đó cùng ngày, Đơn vị cứu trợ thảm họa của các lực lượng Áo (AFDRU) cũng tạm ngừng công tác cứu hộ và đã nối lại hoạt động sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhận việc bảo vệ các thành viên AFDRU. Trong khi đó, Thụy Sĩ cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh ở tỉnh cực nam Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ và các biện pháp an ninh đã được tăng cường phù hợp với tình hình thực tế.
Trong một diễn biến khác liên quan, Bộ Ngoại giao Hy Lạp thông báo, ngày 12-2, Ngoại trưởng nước này Nikolaos Dendias đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để thể hiện sự hỗ trợ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu trận động đất kinh hoàng gần đây. Kênh truyền hình Hy Lạp ERT TV đưa tin, Ngoại trưởng Dendias đã gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trước khi hai quan chức này lên máy bay trực thăng đến khu vực bị động đất Antakya, nơi lực lượng cứu hộ Hy Lạp đang hỗ trợ công tác tìm kiếm và cứu hộ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng châu Âu tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau trận động đất.
Hy Lạp - bất chấp lịch sử đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài hàng thế kỷ - là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên cử nhân viên cứu hộ và viện trợ nhân đạo đến Thổ Nhĩ Kỳ, vài giờ sau thảm họa động đất kinh hoàng khiến chàng chục nghìn người thiệt mạng. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Hy Lạp đã gửi 80 tấn thiết bị y tế và sơ cứu cho Ankara.
Theo cơ quan ứng phó thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 32.000 người từ các tổ chức ở nước này đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm và cứu hộ. Công tác cứu nạn, cứu hộ còn có sự tham gia của gần 8.300 nhân viên cứu hộ quốc tế.