Ít nhất 12.000 tòa nhà ở Gaziantep và Sanliurfa (Thổ Nhĩ Kỳ) đã sập sau trận động đất đầu tiên mạnh 7,8 độ xảy ra vào sáng sớm 6/2, khiến hơn 25.000 người thiệt mạng, làm dấy lên sự phẫn nộ vì chất lượng nhà ở kém. Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ DHA, cảnh sát đã bắt giữ 12 đối tượng liên quan đến vấn đề này.

DHA tối 11/2 (giờ địa phương) dẫn lời Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết, Bộ Tư pháp đã yêu cầu công tố viên tại 10 tỉnh thiết lập văn phòng điều tra hình sự động đất.

Mới nhất, các công tố viên đã yêu cầu thực hiện 113 lệnh bắt giữ liên quan đến cáo buộc rút ruột công trình tại nước này, trong đó có 12 người thuộc các nhà thầu xây dựng lớn. Theo DHA, có những đối tượng bị bắt khi được cho là đang tìm cách rời Thổ Nhĩ Kỳ. 

1-1676161502335
Hàng loạt tòa nhà ở Kahramanmaras đổ sập sau động đất. Ảnh: Reuters.

Hàng chục ngàn tòa nhà tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng đổ sập trong thảm họa động đất hôm 6/2, thậm chí có những tòa nhà chỉ mới khánh thành cách đó vài tháng, thổi bùng sự phẫn nộ của dư luận về chất lượng nhà ở kém. Một báo cáo của Bộ Môi trường và Đô thị Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2018 cho hay, hơn 50% tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm các quy định an toàn.

Trước đó, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Erdogan cam kết, những người sống sót bị mất nhà cửa sẽ không bị bỏ lại trên đường phố hay bị nghèo đói. Hàng nghìn chung cư sẽ được xây dựng lại với khả năng chống chịu động đất tốt hơn.

Giới chuyên gia cho rằng, ngay cả khi một tòa nhà bị sập, người dân vẫn có những không gian nhất định để ẩn nấp chờ cứu hộ. Nhưng trong thảm họa động đất kép ở Thổ Nhĩ Kỳ, các tòa nhà đều "sập xuống như giấy".

Lý do dẫn tới thực tế này được các chuyên gia nhận định là do kết cấu tòa nhà thiếu vững chắc, chất lượng bê tông kém, chủ yếu vì bị trộn với quá nhiều cát sỏi nhưng ít xi măng. Đặc biệt, chính quyền các địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là đã nới lỏng quy định xây dựng. 

Tính tới thời điểm hiện tại, hơn 28.000 người, trong đó có hơn 24.600 người Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng sau các trận động đất hôm 6/2 và rất nhiều nạn nhân vẫn đang bị chôn vùi bên dưới các đống đổ nát. Công tác cứu hộ cứu nạn vẫn đang được các lực lượng tích cực triển khai nhưng cơ hội sống sót của những người bị mắc kẹt hẹp dần. 

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách nhân đạo và điều phối viện trợ khẩn cấp Martin Griffiths nhận định: "Tôi nghĩ khó có thể đánh giá chính xác vì chúng ta cần tiếp tục đào bới các đống đổ nát. Tuy nhiên, tôi e rằng số người thiệt mạng sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn nữa. Điều này thật tồi tệ".

 

Kim Khánh / CAND