Các Tết gần đây ít xảy ra rét đậm, rét hại, trời chỉ lạnh và ấm áp, cá biệt có những năm oi nóng như mùa hè.
- Dự báo thời tiết hôm nay ngày 19/1: Bắc Bộ tăng nhiệt, trưa chiều hửng nắng
- Dự báo thời tiết hôm nay ngày 18/1: Bắc Bộ rét đậm, nhiều nơi mưa nhỏ
Tết ngày càng ấm hơn?
Những năm gần đây, dịp Tết Nguyên đán, thời tiết ít xảy ra rét đậm, rét hại. Theo thống kê trong 33 năm qua (từ 1990 đến 2022), tại Hà Nội chỉ 7 Tết có rét hại (nhiệt độ dưới 13 độ C) trong ngày mùng 1 Tết, đó là các năm 1993, 1995, 1996, 2004, 2008, 2009 và 2012.
6 năm xảy ra rét đậm với nhiệt độ trung bình 13-15 độ C là các năm 1997, 1998, 2010, 2013, 2016 và 2022.
Điểm đáng chú ý là các Tết rét đậm, rét hại đều tập trung trong giai đoạn từ năm 2013 trở về trước. Từ năm 2014 trở lại đây, Hà Nội trong ngày mùng 1 Tết không có năm nào xảy ra rét hại, mà chỉ có 2 năm (2016 và 2022) rét đậm với mức nhiệt dưới 15 độ C.
Trong 33 năm qua, người dân Hà Nội trải qua 6 năm đón ngày đầu năm mới trong thời tiết rét với nhiệt độ ở ngưỡng từ 16 độ C đến 19 độ C. Trong khi đó, có tới 14 năm ghi nhận mức nhiệt trên 19 độ C.
Nhìn chung, các Tết gần đây trời chỉ lạnh và có nhiều năm trời ấm. Cá biệt có những năm người dân có cảm giác oi nóng như mùa hè. Gần đây nhất, người dân miền Bắc trải qua những ngày Tết Kỷ Hợi 2019 với nền nhiệt khá cao, dao động quanh ngưỡng 28-30 độ C. Ngày 8/2/2019 (tức mùng 4 tháng Giêng), nhiều điểm lên trên 30 độ C. Tại các tỉnh phía Tây Bắc Bộ, có những điểm như tại Mường La (Sơn La) 33-34 độ C.
Trả lời PV VTC News về những biến đổi của thời tiết Tết Nguyên đán những năm qua, bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó Trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho hay, tiết khí hay mùa trong năm đều dựa vào lịch dương để xác định.
Ngày 30 tháng Chạp và mùng 1 Tết Nguyên đán thường rơi vào những ngày cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2, có năm khoảng giữa tháng 2.
"Mùa chính đông từ tháng 12 đến hết tháng 2 năm sau. Trong tháng 1, các đợt không khí lạnh cường độ mạnh tràn về gần như liên tục với tần suất cao. Có thể 30 tháng Chạp, mùng 1 và mùng 2 Tết thời tiết bớt giá rét đôi chút nhưng đến mùng 3 lại rét trở lại. Vì vậy, thời tiết Tết rét đậm, rét hại cũng tuỳ theo từng năm.
Giống như TP.HCM, đỉnh triều cường lớn nhất năm thường xảy ra vào tháng 11 nhưng cũng có những năm xảy ra trong tháng 12, có khi thêm cả tháng 1", bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, năm nay, lịch dương và lịch âm cách nhau hơn 20 ngày. Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023 là ngày 22/1, đang giữa chính đông nên thời tiết lạnh hơn tháng 2. Vì vậy, không có nghĩa thời tiết Tết Nguyên đán càng ngày càng ấm lên.
Dịp Tết Nguyên đán 2023, miền Bắc trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.
Tết Quý Mão 2023 rét kéo dài
Phân tích chi tiết thời tiết những ngày sắp tới, bà Lan cho hay, ngày 15/1, đợt không khí lạnh cường độ mạnh tràn vào nước ta, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ rét đậm, có nơi rét hại.
Cũng theo bà Lan, ngày 30 Tết, Nam Bộ khả năng xuất hiện đợt triều cường. Tuy nhiên, gần Tết, miền Nam có thời tiết đẹp nhất trên phạm vi cả nước.
"Trong những ngày Tết Nguyên đán khả năng sẽ có đợt không khí lạnh khác tràn về nước ta. Mưa có thể giảm trong dịp đầu năm nhưng rét kéo dài, dự báo nhiệt độ giảm nhẹ so với trước Tết”, bà Lan chia sẻ.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan cho biết, năm nay không khí lạnh đi rất nhanh và cường độ gió cao. Nhiều tỉnh miền Trung đón đợt không khí lạnh kèm mưa.
“Mưa rải rác sẽ duy trì tới gần Tết. Giống như đợt không khí lạnh lần trước vào miền Trung gây mưa vừa những ngày đầu, sau đó mưa giảm dần nhưng mây hội tụ ở dải hội tụ nhiệt đới không tan đi mà tồn tại khoảng 1 tuần. Thời điểm này rơi vào Tết Nguyên đán nên miền Trung mưa vừa, mưa nhỏ và rải rác vào dịp Tết.
Các tỉnh, thành miền Trung âm u trong dịp Tết, một số thời điểm có nắng xen kẽ nhưng điểm phân bố nắng không nhiều”, TS Huy chia sẻ.
Trong giai đoạn Tết, phía Bắc không mưa nhiều nhưng không khí tương đối ẩm và có mây, trong đêm Giao thừa có thể có mưa xuân ẩm. Nhiệt độ ở miền Nam duy trì khoảng 22-25 độ C, thời tiết khá thuận lợi. Tây Nguyên nhiệt độ dao động khoảng 13-14 độ C trong thời gian Tết, mưa nhỏ rải rác.
Người dân miền Nam đón Tết cổ truyền trong thời tiết thuận lợi. (Ảnh: Hoàng Thọ)
“Điểm nhấn của Tết năm nay tập trung ở miền Trung vì khu vực này không có thời tiết tối ưu và đẹp nhất khi không khí ẩm và có mưa.
Người làm hoa và cây cảnh cũng không đạt được năng suất như ý muốn vì thời tiết thất thường. Tháng 11 khá nóng nhưng sau đó rét kéo dài liên tục. Hết đợt không khí lạnh này lại gối đợt khác sau khoảng 10 ngày. Liên tiếp như thế nên mai, đào, mận... khó nở”, TS Nguyễn Ngọc Huy cho hay.
Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Huy, tháng 2/2023 vẫn có những đợt không khí lạnh xen kẽ, cuối tháng 2 mới chuyển sang hình thái thời tiết khác khi La-Nina sẽ chấm dứt và chuyển sang giai đoạn trung tính.
Còn theo phân tích của ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, La-Nina còn duy trì đến hết mùa xuân năm 2023 với xác suất 50-60%, sau đó xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa hè với xác suất khoảng 65-75%. Những tháng cuối năm nay, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINIO3.4 (khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương) xu hướng tăng dần và trạng thái ENSO khả năng nghiêng về pha nóng.
Năm chuyển pha ENSO, thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh nên trên phạm vi toàn quốc cũng như Biển Đông đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác.
"Năm 2023, dự báo nắng nóng ở mức nhiều và gay gắt hơn năm 2022. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 8 tại Bắc Bộ và Trung Bộ", ông Hưởng nói.
Theo dự báo, năm nay có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Các tháng đầu mùa, bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, từ khoảng tháng 9-11 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung.
Tổng lượng mưa trong năm 2023 cũng được dự báo ở mức thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm, chưa có dấu hiệu mưa lớn lịch sử. Tuy nhiên, mưa lớn cục bộ vẫn xuất hiện nhiều trong các tháng mùa mưa.
“La Nina” (hay còn gọi là bé Hài Đồng nữ) là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino.
Để thể hiện sự ngược nhau giữa hai hiện tượng này có khi người ta dùng khái niệm Anti-El Nino (đối El Nino). Hiện tượng La Nina có thể xuất hiện ngay khi hiện tượng El Nino suy yếu, nhưng có khi không phải như vậy.
ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation (El Nino - Dao động Nam) để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương (Được gọi là Dao động Nam) để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương).
https://vtc.vn/thoi-tiet-tet-nguyen-dan-hon-30-nam-qua-thay-doi-the-nao-ar736467.html