Nước Mỹ vừa chứng kiến một thảm kịch khi tay súng 18 tuổi sát hại ít nhất 21 người, gồm 19 học sinh tiểu học, tại Texas, tuy vậy, nhiều “thuyết âm mưu” và thông tin sai sự thật được dịp tràn lan trên mạng xã hội.

Thông tin giả mạo mọc lên như nấm sau vụ xả súng kinh hoàng tại Mỹ -0
Cảnh sát sơ tán học sinh khỏi khu vực xảy ra vụ nổ súng ở Texas. Ảnh AP. 

“Làn sóng” tin giả và những “thuyết âm mưu” sai sự thật xuất hiện sau các vụ thảm sát ở Mỹ, như vụ việc tại Sandy Hook, Parkland, hộp đêm ở Orlando hay vụ xả súng tại cửa hàng tạp hóa ở Buffalo. Trong vòng vài giờ sau vụ xả súng tại trường tiểu học ở Uvalde, Texas, một “cơn lốc” tin giả khác lại xuất hiện trên mạng xã hội, lan truyền những thông tin và tuyên bố vô căn cứ về tay súng và động cơ của hắn.

Những tuyên bố vô căn cứ rằng tay súng là một người nhập cư sống bất hợp pháp ở Mỹ hoặc là người chuyển giới, nhanh chóng xuất hiện trên Twitter, Reddit và các nền tảng mạng xã hội khác.

Những thông tin sai sự thật cho thấy một vấn đề lớn hơn, đó là phân biệt chủng tộc và phân biệt với người chuyển giới, theo Jaime Longoria – chuyên gia của một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động chống lại thông tin sai lệch về phân biệt chủng tộc của Mỹ. Đó cũng có thể là một hành động nhằm hướng lái đổ lỗi vụ xả súng cho những nhóm thiểu số, những người vốn là nạn nhân của sự phân biệt đối xử và tội ác thù hận trên mạng.

Theo Longoria, những thông tin sai lệch “là một chiến thuật phục vụ hai mục đích: hướng lái dư luận khỏi vấn đề thực tế cần thảo luận (bạo lực súng đạn) và đưa cho cư dân mạng một đối tượng nào đó để xả cơn tức giận”.

Chỉ vài giờ sau vụ nổ súng ở Texas, nhiều bài đăng thông tin chưa kịp kiểm chứng như tay súng là một người nhập cư bất hợp pháp trở nên thịnh hành trên mạng, thậm chí nhiều người còn thêm thắt thông tin rằng tên này đến từ El Salvador và “đang chạy trốn Đội tuần tra biên giới”.

Thông tin chính thức được Thống đốc bang Texas đưa ra là tay súng được xác định có tên Salvador Ramos, là công dân Mỹ 18 tuổi.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều cư dân mạng còn sử dụng những hình ảnh của những người không hề liên quan, vô cớ gán cho họ cái mác “tay súng”, khẳng định đối tượng gây ra vụ xả súng là người chuyển giới. Trên mạng xã hội Twitter hay 4Chan, nhiều người dùng chia sẻ những bức ảnh và thảo luận về việc tay súng là người chuyển giới mà không đưa ra bằng chứng xác thực.

Thông tin giả mạo mọc lên như nấm sau vụ xả súng kinh hoàng tại Mỹ -0
Hiện trường bên ngoài vụ xả súng đẫm máu. Ảnh AP. 

Những người bị đăng ảnh lên mạng xã hội cũng rất bàng hoàng vì bị gán mác tội phạm. Đến nay, giới chức Mỹ chưa đưa ra thông tin gì về xu hướng tính dục hay bản dạng giới của đối tượng.

Trong một số trường hợp, những người có ý tốt nhưng lại vô tình lan truyền thông tin sai lệch về các vụ xả súng. Trái lại, nhiều đối tượng thực hiện hành vi này nhằm gây quỹ trục lợi cá nhân hoặc câu views, thu hút sự chú ý đến trang web hoặc tổ chức của mình. Một số người còn tung thông tin sai lệch để “vui”.

Theo Ben Decker, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty tư vấn điều tra kỹ thuật số Memetica, nhiều nền tảng mạng xã hội "ngoài rìa", bao gồm cả trên 4chan, thường lợi dụng các vụ xả súng hàng loạt và các thảm kịch khác làm cơ hội để gieo rắc hỗn loạn, trêu đùa dư luận và lan truyền những câu chuyện có hại.

Tuy nhiên, những thông tin sai lệch trên mạng tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến các nhóm người vốn đang là nạn nhân của “bắt nạt trên mạng”. Jaden Janak, từ Đại học Texas, cho biết một điều gì đó tưởng chừng như vô hại như một bình luận xuyên tạc trên mạng xã hội có thể gây ra hành động bạo lực đối với người chuyển giới.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/thong-tin-gia-mao-moc-len-nhu-nam-sau-vu-xa-sung-kinh-hoang-tai-my-i655040/

Duy Tiến / Công an nhân dân