Phiên điều trần tại ngoại lần thứ hai của Giám đốc tài chính Huawei Mạch Vãn Chu tiếp tục vào ngày 10/12 tại Vancouver, Canada sau khi các thủ tục tố tụng hôm 7/12 không mang lại kết quả.
Hàng trăm phóng viên và nhiều người dân sáng 10/12 có mặt ở bên ngoài Tòa án 20 ở Vancouver, Canada được kiểm soát an ninh nghiêm ngặt.
Chồng của bà Mạch, ông Lưu Hiểu Tông ngồi trong khu vực dành cho công chúng trò chuyện với luật sư của Huawei Sarah Leamon và Phó chủ tịch cấp cao về công nghệ Scott Bradley. Bên ngoài tòa án, một người đàn ông trao các tấm áp phích với dòng chữ "Chúng tôi yêu Huawei" cho những người ủng hộ bà Mạch.
Giống như lần xuất hiện trước, bà Mạch bước vào phòng xử án trong một quần áo tù màu xanh lam, cười với luật sư của mình, David Martin trước khi thẩm phán bước vào.
Nhóm người cầm tấm áp phích kêu gọi thả tự do cho bà Mạch ở bên ngoài tòa án ở Vancouver. (Ảnh: SCMP)
Khi phiên điều trần bắt đầu, ông Martin kêu gọi tòa án để thân chủ của mình được tại ngoại. Ông nhắc tới việc để bà Mạch chịu sự giám sát của công ty tư nhân Lions Gate, nói thân chủ mình đồng ý để các nhân viên đưa vào tù nếu cố gắng chạy trốn.
"Bà Mạch sẽ trả tiền cho bất cứ hoạt động giám sát an ninh tư nhân nào nếu được tại ngoại", ông Martin nói.
Ông Martin cũng gọi ông Scot Filer, Giám đốc điều hành của Lions Gate tới phiên xét xử như một nhân chứng đảm bảo khả năng không để bà Mạch trốn chạy. Ông Filer, một cựu binh 30 năm của Cảnh sát Hoàng gia Canada cho biết các nhân viên bảo vệ của Lions Gate đều là những người có chuyên môn cao bao gồm các nhân viên thực thi pháp luật và quân đội.
Lions Gate sau khi được đội ngũ pháp lý của bà Mạch liên hệ vào ngày 7/12 đã viết một bản báo cáo trình bày về cách giám sát bà Mạch tại Vancouver.
Filer cho biết ông đã tới căn hộ của bà Mạch trên Đại lộ West 28 ở Vancouver và tin rằng không có gì khó khăn trong việc trông giữ phó Chủ tịch của Huawei.
Ông này Filer khẳng định một tài xế và đội bảo vệ của công ty hoàn toàn có thể theo dõi sát sao bà Mạch và nếu bà có ý định trốn thoát sẽ bị bắt lại ngay lập tức.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi từ luật sư của chính phủ Canada John Gibb-Carsley, Filer thừa nhận công ty của ông chưa bao giờ bảo vệ một người tại ngoại.
Hình ảnh phiên điều trần hôm 7/12. (Ảnh: Reuters)
Một nhân chứng khác xuất hiện trong phiên điều trần là Stephen Tan, đồng sáng lập công ty giám sát điện tử Recovery Science. Theo đội ngũ pháp lý của bà Mạch, Recovery Science sẽ tham gia vào việc giám sát bà Mạch nếu bà được tại ngoại bằng cách sử dụng vòng đeo tay theo dõi GPS của công ty này.
Tan cho biết thiết bị của công ty ông đã theo dõi hơn 500 người được tại ngoại. Trong số đó, gần 50 người đã cố gắng chạy trốn hoặc gỡ bỏ thiết bị nhưng gần như tất cả (chỉ trừ một người) bị bắt lại.
Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận người bị theo dõi hoàn toàn có thể sử dụng kéo thông thường để cắt bỏ vòng đeo tay GPS và thiết bị này thường sẽ chỉ được phát đi 1 phút sau khi hành động trên được thực hiện.
Trong tuyên bố kết thúc phần tranh luận của mình, ông Martin lập luận rằng ngay cả khi không có những công nghệ này, bà Mạch vẫn sẽ tuân thủ các quy định bảo lãnh dựa trên nhân cách và nhân phẩm của bà.
"Là gương mặt của Huawei, một công ty hàng đầu của Trung Quốc, nỗ lực chạy trốn sẽ làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Trung Quốc", ông Martin nói.
Phiên xét xử sau đó xoay quanh tình trạng nhập cư của chồng bà Mạch ông Lưu Hiểu Tông. Martin ban đầu nói ông không nắm rõ về vấn đề này sau đó cho biết ông Lưu tới Canada bằng visa khách du lịch nhập cảnh nhiều lần vào tuần trước và chỉ được phép ở lại Canada trong 6 tháng.
Trước thông tin này, ông Carsley lập luận tuyên bố trước đó cho biết gia đình bà Mạch sẽ ở lại Vancouver trong thời gian bà tại ngoại là thiếu cơ sở vì thời gian tại ngoại cho tới phiên điều trần dẫn độ có thể kéo dài hơn 1 năm.
Ông Martin phản bác rằng Lưu có thể xin thị thực người giám hộ nếu con gái 10 tuổi của họ chuyển tới học ở Vancouver. Tuy nhiên, ông Carsley trích dẫn một hình thức bảo lãnh tại ngoại, trong đó nói rằng người nộp đơn phải là cư dân của British Columbia.
"Tôi không hiểu làm thế nào mà ông áp dụng điều đó với ông Lưu", thẩm phán nói với ông Martin.
Cuối cùng, ông Carsley khẳng định những liên kết của bà Mạch với Vancouver và Canada là rất yếu và các nhân chứng mà bà Mạch cung cấp không ai đến từ Vancouver hay Canada. Về những bức ảnh được cung cấp cho tòa án chụp lại cảnh bà Mạch cùng gia đình lưu lại tại Vancouver, vị luật sư chính phủ Canada khẳng định đó là những "bức ảnh du lịch tiêu biểu". Ông này cùng với đó cho rằng có những rủi ro trong việc dùng các thiết bị điện tử giám sát bà Mạch vì nó có thể bị chính Huawei can thiệp.
Trung Quốc triệu đại sứ Mỹ, đòi rút lệnh bắt giám đốc tài chính Huawei Hôm 9-12, Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad để phản đối vụ Canada bắt giữ Giám đốc tài ... |
Từ vụ Huawei nhìn lại vai trò "cảnh sát toàn cầu" của Mỹ Việc kết tội một cựu quan chức Hồng Kông ở TP New York và vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei ở Canada phần ... |
Hai căn biệt thự triệu đô của giám đốc Huawei tại Canada Dù từ bỏ thường trú tại Canada để phát triển sự nghiệp ở Trung Quốc, Mạnh Vãn Chu vẫn mua hai căn biệt thự ở ... |
Trung Quốc cáo buộc Canada đối xử "vô nhân đạo" với CFO Huawei Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/12 cáo buộc việc Canada tiếp tục cho tạm giam CFO tập đoàn Huawei dù bà có vấn đề ... |