Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam đều cho biết không có chuyện Nike chuyển sản xuất khỏi Việt Nam.

Mới đây, xuất hiện thông tin Tập đoàn Nike đã chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang Trung Quốc và Indonesia. Các thông tin này cho biết, Adidas và Puma cũng sẽ có những động thái tương tự trong tháng 11/2021.

Tuy nhiên, trả lời VTC News, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, khẳng định, thông tin Nike chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam là không chính xác.

“Việc Nike chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác là có, nhưng không có chuyện chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Thông tin lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua là không chính xác”, bà Xuân nói.

Thông tin 'Nike chuyển sản xuất khỏi Việt Nam' là không chính xác - 1
Thông tin Nike chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam là không chính xác. (Ảnh minh họa).

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho biết thêm, Nike chỉ thuê các đơn vị ở Việt Nam làm ra các sản phẩm chứ không sở hữu một nhà máy nào. Giai đoạn giãn cách vừa qua để kịp tiến độ, hãng đã chuyển đơn hàng sang nhà máy ở một số quốc gia khác.

“Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành dệt may và giày dép. Hiện các doanh nghiệp ngành dệt may, các nhãn hàng đều rất lo lắng về nguy cơ đơn hàng và chuỗi cung ứng bị đứt gãy khi hoạt động sản xuất tiếp tục bị gián đoạn”, bà Xuân cho hay.

Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cũng khẳng định những thông tin về việc Nike rời khỏi Việt Nam là không đúng.

“Không có chuyện Nike chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang các quốc gia khác. Ở đây chỉ là chuyển một số đơn hàng sang nhà máy ở một số nước khác để kịp tiến độ bán hàng”, ông Giang nói.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may lý giải, hiện các doanh nghiệp trong ngành đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Với tình hình này, nếu công nhân của doanh nghiệp không được tiêm vaccine sẽ làm đứt gãy nguồn cung, đứt gãy chuỗi sản xuất của ngành dệt may Việt Nam cho toàn cầu. Hầu hết doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề không đảm bảo cam kết thời gian giao hàng cho các nhãn hàng.

“Hiện nay tỷ lệ các nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 30-35%. Đa số các doanh nghiệp không có đủ tiềm lực để chi phí các vấn đề cho làm việc “3 tại chỗ”, trả lương hỗ trợ cho người lao động để người lao động quay trở lại làm việc… Đây là thách thức rất lớn trong ổn định mô hình của doanh nghiệp dệt may Việt Nam”, ông Giang nhấn mạnh.

Trong khi đó, trả lời VTC News, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho hay, Nike không có nhà máy ở Việt Nam, do đó nói Nike chuyển nhà máy khỏi Việt Nam là không chính xác. Bộ Công Thương đang trao đổi, làm việc với Nike để nắm bắt thông tin cụ thể.

Hòa Bình

Hàng nghìn sản phẩm nghi nhái Nike, Uniqlo, Adidas Hàng nghìn sản phẩm nghi nhái Nike, Uniqlo, Adidas
Giày thông minh Nike dành cho những người lười thắt dây Giày thông minh Nike dành cho những người lười thắt dây

/ vtc.vn