Hiện Quảng Trị có hơn 2.100 bộ hồ sơ người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chưa được giải quyết, khiến người dân và chính quyền đau đầu.

thong tu lam kho nguoi co cong voi cach mang
Không chỉ chế độ cho người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chưa được giải quyết, mà quy định hồi tố con nuôi theo quy định của pháp luật từng được LĐ phản ánh cũng vướng vì các quy định "trên trời". Ảnh: Hưng Thơ

Lý do là bởi, Liên Bộ Y tế - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - ban hành Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH có nội dung “làm khó”, khiến hồ sơ của những người có công không thể đáp ứng được.

Trong khi đó, Quảng Trị là một trong những địa phương có số lượng người hưởng chính sách người có công với cách mạng nhiều so với cả nước, trong đó đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ chiếm tỉ lệ khá cao.

Vùng tạm chiếm lấy đâu ra giấy tờ có giá trị pháp lý?

Dù UBND tỉnh Quảng Trị và các đơn vị liên quan đã có văn bản kiến nghị gửi các cấp xem xét, nhưng gần 1 năm qua vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. 64 tuổi, bà Lê Thị Dụy (trú tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) mang bệnh về cột sống, tay chân hay bị tê nhức, nhiều lúc tứ chi không nhúc nhích nổi.

Những năm 1967 đến 1972, bà Dụy làm giao liên, là cơ sở của ngành bưu điện, được giao nhiệm vụ nắm tình hình địch, chuyển công văn, mua lương thực… Từ 10 năm trước, bà mắc nhiều chứng bệnh, thấy những người bạn cùng thời là đồng nghiệp đi làm hồ sơ người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học rồi được trợ cấp chế độ, bà Dụy cũng tìm hiểu rồi làm theo.

Sau khi được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị xác nhận bị bệnh thần kinh ngoại biên thoái hóa cột sống, bà Dụy nộp lên phường, phường đưa lên phòng LĐTBXH, phòng đưa lên sở để xét. Nhưng sau đó, bà nhận được thông tin hồ sơ bị trả lại vì vướng quy định vừa mới ban hành.

Ông Nguyễn Minh Tư (trú tại TP. Đông Hà) là thương binh, từ năm 1972 đến 1975 ông làm nhiệm vụ chiến đấu. Lúc thanh niên trai tráng, ông Tư khỏe mạnh, cầm súng chiến đấu rất dũng cảm. Nhưng từ sau chiến tranh, do bị thương một phần, cộng thêm bệnh trong người nên sinh hoạt có phần khó khăn. Đi thăm khám, bác sĩ kết luận ông bị bệnh liên quan đến nhiễm chất độc hóa học, nên ông làm hồ sơ xin hưởng chế độ, nhưng hồ sơ bị trả lại.

Anh Phạm Ngọc Hiền, cán bộ thực hiện công tác LĐTBXH phường Đông Lễ (TP. Đông Hà) giải thích với ông Tư rằng, thời điểm ông làm hồ sơ thì đủ điều kiện, nhưng khi hồ sơ đưa lên trên, đang đợi xét thì Thông tư mới ra đời.

“Thông tư mới yêu cầu đối với bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính cần có giấy tờ có giá trị pháp lý xác lập trước 30.4.1975 ghi rõ bị bệnh thần kinh ngoại biên. Như tôi đây, bị thương còn không có giấy tờ chi, khi hoà bình đồng đội xác nhận thì được hưởng thương binh. Vậy thì kiếm đâu ra cái giấy tờ đó?” – ông Tư, buồn bã.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng (SN 1954, trú tại thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, hiệu Triệu Phong, Quảng Trị) tham gia du kích vào năm 1972, năm 1973 bà là thành viên của đội tuyên truyền văn hóa huyện. Đợt rồi, bà Hồng làm hồ sơ gồm giấy tờ chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến trong vùng bị ô nhiễm chất độc hóa học, bệnh án bị bệnh thần kinh ngoại biên rồi nộp hồ sơ. Nhưng hồ sơ cũng bị trả lại với lý do cần bổ sung giấy tờ có giá trị pháp lý như ông Tư.

Trong lúc, bạn cùng hoạt động với bà Hồng thì được hưởng chế độ vì làm hồ sơ và được xét trước khi thông tư mới ra đời, còn bà và rất nhiều người khác làm muộn hơn thì không được chấp nhận.

“Tôi đi hỏi mấy ông cán bộ, thời điểm trước năm 1975 đây là vùng tạm chiếm, lấy đâu ra giấy tờ có giá trị pháp lý thì không ai trả lời được. Cán bộ bảo thông tư do cấp trên ban hành?” – bà Hồng lắc đầu, chán nản.

Không giải quyết thì cần rà soát lại cho công bằng

Theo bà Trần Thị Thu Thủy – chuyên viên chính sách Phòng LĐTBXH huyện Triệu Phong, tại địa phương có hơn 600 hồ sơ về bệnh thần kinh ngoại biên không được giải quyết vì không đáp ứng được yêu cầu ở thông tư mới. Do yêu cầu ở thông tư mới không hợp lý, nên người đã làm hồ sơ có rất nhiều ý kiến, kiến nghị. “Đề nghị xem xét nội dung quy định nói trên tại Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH, bởi giấy tờ có giá trị pháp lý trước 30.4.1975 thì không có” – bà Thủy, nêu ý kiến.

Ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị thông tin, đến ngày 17.5.2016 toàn tỉnh đã giải quyết được 1.806 trường hợp người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp. Trong đó, có 859 trường hợp bị bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính.

Tuy nhiên, đến ngày 17.5.2016 Cục Người có công, Bộ LĐTBXH có công văn đề nghị tạm dừng việc giám định đối với hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học với bệnh thần kinh ngoại biên.

Tiếp đó, ngày 30.6.2016, Liên Bộ Y tế - Bộ LĐTBXH - ban hành Thông tư liên tịch số 20/2016 hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ (thay thế Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH).

Tại thông tư này yêu cầu, đối với bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính chỉ áp dụng với đối tượng có giấy tờ giá trị pháp lý được xác lập trước 30.4.1975, ghi nhận bị mắc bệnh thuộc nhóm bệnh thần kinh ngoại biên.

Thông tư mới ra đời, khiến 2.159 hồ sơ người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học bị mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính phải dậm chân tại chỗ. Lý do ai cũng nhìn ra, là yêu cầu ở thông tư khó ai có thể đáp ứng được vì lịch sử. Và việc hơn 2.000 hồ sơ không được giải quyết, đồng nghĩa có hơn 2.000 ý kiến thắc mắc, bức xúc.

“Hơn 850 người đã và đang được hưởng chế độ nói trên, nếu bây giờ xét lại hồ sơ cũng không đủ điều kiện. Cũng hoạt động cách mạng, cũng cống hiến và mang bệnh tật nhưng người được hưởng, người thì không nên họ rất bức xúc” – lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị nói.

Trước vướng mắc này, UBND tỉnh Quảng Trị và các đơn vị liên quan đã có các văn bản gửi các cấp xem xét, trong đó nêu rõ yêu cầu tại Thông tư liên tịch số 20 không thể đáp ứng được vì “đối với các tỉnh Nam Vĩ tuyến 17 – thời điểm trước năm 1975 là vùng tạm chiếm nên không thể có các giấy tờ xác nhận”.

Yêu cầu ở thông tư nói trên gây sự thắc mắc, thiếu công bằng trong việc thực hiện các chế độ chính sách cho đối tượng. Vì vậy, chính quyền tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH xem xét, có chủ trương cho giải quyết 2.159 hồ sơ tồn động theo Thông tư số 41/2013. Nếu không cho phép giải quyết các hồ sơ này, thì đề nghị Bộ Y tế cho kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ các đối tượng đang được hưởng chế độ chất độc hóa học (bị mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính) để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng.

Dù lời đề nghị đã gửi đi gần cả năm, những người hoạt động cách mạng tại địa phương không ít lần bức xúc, tiếp tục kiến nghị, nhưng tỉnh Quảng Trị vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế.

thong tu lam kho nguoi co cong voi cach mang Từ 5/12, sổ đỏ sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình

Có hiệu lực từ 5/12/2017 tới đây, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ tài nguyên và Môi trường quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng ...

thong tu lam kho nguoi co cong voi cach mang Từ 1.10, muốn đăng hình trẻ em, phải được cha mẹ đồng ý

Từ 1.10, Thông tư 09/2017 do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, quy định về tỉ lệ nội dung, thời điểm, ...

https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/thong-tu-lam-kho-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-577620.ldo

/ Hưng Thơ/Báo Lao động