Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương chủ đầu tư đã thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đúng tiến độ, chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Trưa 4/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ cắt băng thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tại tỉnh Tiền Giang. Người đứng đầu Chính phủ cùng đoàn làm việc đã có chuyến đi thực nghiệm trên toàn tuyến cao tốc, từ điểm cuối (huyện Cái Bè) về đến nút giao đầu tuyến (điểm kết nối cao tốc TP HCM - Trung Lương).
Đây là lần thứ 4 Thủ tướng trực tiếp đến công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận kiểm tra, thúc đẩy tiến độ và động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ngày 4/1. Ảnh: Hoàng Nam |
Thủ tướng nói, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận gặp nhiều khó khăn. Một là có sự thay đổi chính sách pháp luật về đầu tư; hai là thời tiết mưa lũ kéo dài; thứ ba là Covid-19; thứ tư là thi công trên nền đất yếu, vật liệu khan hiếm, nhất là cát, đá sỏi. Tuy nhiên, dự án đã hoàn xuất sắc, đúng tiến độ đã được giao, thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán.
Ngoài biểu dương các đơn vị liên quan, Thủ tướng đánh giá cao gần 4.000 hộ dân Tiền Giang đã vui vẻ nhận đền bù giải phóng mặt bằng. Ông đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm ổn định tái định cư và sinh kế cho người dân.
Thủ tướng nhận định, khối lượng công việc còn lại của giai đoạn 2 còn rất lớn, các đơn vị liên quan phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, để cuối năm 2021 khánh thành tuyến cao tốc, với tiêu chuẩn quốc tế, cây xanh, vỉa hè, ánh sáng cùng các công trình phụ trợ khác.
"Địa phương cùng nhà đầu tư cần phấn đấu, đưa ra một tiến độ cần thiết để khoảng tháng 10, 11 chúng ta lại chứng kiến khánh thành tuyến đường quan trọng này, kể cả Tết Nguyên đán này phải bố trí lực lượng thi công", Thủ tướng nói.
Đoàn xe chạy thực nghiệm trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ngày 4/1. Ảnh: Hoàng Nam |
Hiện, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thi công đạt hơn 75% khối lượng, tuyến chính dài hơn 51 km đã thông, kết nối với tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương. Dự án đang tiếp tục thi công các hạng mục còn lại như kết cấu mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, chiếu sáng, hệ thống kiểm soát giao thông thông minh, trạm thu phí...
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có thể phục vụ người dân (xe khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn với tốc độ không quá 40 km/h) vào dịp Tết Nguyên đán 2021 trong trường hợp quốc lộ 1 quá tải, ùn tắc giao thông.
Theo phân luồng, 5 ngày trước Tết, ngày 7-11/2 (26 đến 30 Tết), các ôtô sẽ được phép chạy theo hướng từ Trung Lương đến Mỹ Thuận. 5 ngày sau Tết, mùng 4-8 Tết, các xe sẽ được chạy hướng ngược lại.
Việc thông tuyến cao tốc từ TP HCM đến Mỹ Thuận, thời gian từ Sài Gòn về Mỹ Thuận được rút ngắn còn khoảng 1 tiếng 45 phút so với hơn 3 tiếng đi trên quốc lộ 1 như hiện nay. Khi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - dự án được khởi công sáng nay, hoàn thành sẽ kết nối với tuyến này, giúp thông suốt tuyến cao tốc từ Sài Gòn đến thủ phủ miền Tây.
Sơ đồ toàn tuyến cao tốc TP HCM - Cần Thơ, trong đó đoạn từ Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông tuyến với đoạn TP HCM - Trung Lương. Ảnh:Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Hạ tầng Giao thông Cửu Long. |
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư), đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, UBND Tiền Giang sớm giải quyết các vướng mắc kéo dài về việc thu phí của tuyến TP HCM - Trung Lương, đồng thời sử dụng các trạm thu phí sẵn có trên cao tốc này (Trạm Chợ Đệm) để quản lý thu phí đồng bộ liên thông trên toàn tuyến cao tốc TP HCM - Cần Thơ.
Ngoài ra, UBND Tiền Giang cần chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Kiểm toán nhà nước, cùng nhà đầu tư lập kế hoạch hoàn thành các công việc tiếp theo; xác định rủi ro tiềm ẩn về kỹ thuật do tác động của biến đổi khí hậu, địa chất phức tạp tại khu vực; những rủi ro về pháp lý và tài chính do nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, nhà thầu, để báo cáo Quốc hội, Chính phủ và nhân dân khi dự án đưa vào khai thác trong năm nay.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án có tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, do nhà đầu tư thiếu năng lực nên công trình bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và thay đổi cơ quan quản lý dự án từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND Tiền Giang, vốn dự án được điều chỉnh là hơn 12.000 tỷ đồng.
Ngày mai, khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ Bộ GTVT cho biết, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được khởi công xây dựng vào ngày mai (4/1/2021). |
7 dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long Đồng bằng Mekong đang hình thành 7 dự án cao tốc trục dọc và trục ngang với tổng chiều dài gần 1.000 km, kinh phí ... |