Khi Pete chạy tới, hai phạm nhân đang đánh nhau bỗng quay sang anh ta như sắp tấn công, giơ con dao sáng loáng trong tay.

Pete run sợ khi thấy hai phạm nhân nói ghét cảnh sát và muốn giết mình. Đúng lúc ấy, phạm nhân Terry tới can thiệp và thuyết phục hai người kia không được động vào quản giáo. Terry nói can ngăn là để trả ơn vì đã luôn được Pete đối xử công bằng, không như những đồng nghiệp khác.

Sau lần đó, Pete mang cho Terry vài bao thuốc lá, vốn là đồ cấm trong tù, coi như lời cảm ơn. Pete không biết rằng Terry đã dùng chính những bao thuốc này trả công cho hai phạm nhân kia vì giúp hắn dàn cảnh để trở thành ân nhân.

thu doan thao tung quan giao cua pham nhan my
Thuốc lá là đồ cấm trong tù. Ảnh: 123rf.

Những gì Terry đang làm với Pete chỉ là một phần trong quá trình phạm nhân "chăn dắt" cán bộ cai ngục, còn được gọi là "dìm vịt" ("downing a duck") theo tiếng lóng. "Vịt" ở đây chỉ những cán bộ quản giáo dễ bị dụ dỗ, thao túng và lừa phỉnh. Nếu quá trình này thành công, quản ngục sẽ thấy thân thiết với phạm nhân và không ngại vi phạm quy định nhà tù để giúp đỡ.

Theo một nghiên cứu của cán bộ quản giáo lâu năm, quá trình "chăn dắt" thường kéo dài từ 8 tới 16 tháng và trải qua một số bước như sau.

Bước 1: Chọn "vịt" . Những người kém tự tin, dễ bị hù dọa, hoặc bộc lộ cảm xúc ra ngoài dễ trở thành nạn nhân. Đồng phục nhàu nhĩ, không chú ý vệ sinh cá nhân cũng có thể tăng khả năng bị vào tầm ngắm vì thể hiện lòng tự trọng kém, không chuyên nghiệp trong công việc.

Ngoài quan sát vẻ ngoài, phạm nhân sẽ nghe lén quản ngục để tìm hiểu hoàn cảnh, sở thích, tâm tư, thái độ. Một khi biết được quản ngục thích gì, phạm nhân sẽ cố gợi chuyện theo hướng đó để bước đầu cải thiện quan hệ với "con mồi".

Bước 2: Cung cấp chỗ dựa tinh thần. Phạm nhân bắt đầu dành những lời khen ngợi và hỗ trợ tinh thần cho "vịt" như "ông là cai ngục tốt nhất trong này" hoặc "ông là người duy nhất tác động tích cực tới tôi, không như những người khác".

Bên cạnh lời nói, phạm nhân còn có thể dùng hành động như xuất hiện đúng giờ, chủ động giúp đỡ quản ngục không cần được hỏi, luôn thực hiện tốt việc được giao mà không phàn nàn. Qua đó, phạm nhân hy vọng xây dựng niềm tin với "vịt".

Bước 3: Thổi phồng giá trị. Phạm nhân sẽ vờ đang đau khổ để đánh vào lòng đồng cảm của "vịt". Sau khi trút nỗi lòng, phạm nhân sẽ nói những câu như "ông là người duy nhất có thể giúp tôi" khiến quản giáo thấy được trân trọng, nâng cao lòng tự tôn.

Bước 4: Chia để trị. Phạm nhân tìm cách ly gián nhằm tách "vịt" ra khỏi các quản giáo khác, từ đó buộc phải tìm tới chúng để được "xoa dịu cái tôi" bằng các câu nói an ủi như "những kẻ đó không biết rõ về ông như chúng tôi", hoặc "ông đã bị mắng oan".

Nếu "vịt" miễn nhiễm trước những lời trên, phạm nhân sẽ quay sang tung tin đồn và nói xấu "vịt" để cô lập.

Bước 5: Ra tay bảo vệ. Ở bước này, phạm nhân tiết lộ mạng sống của "vịt" có thể bị đe dọa nhưng đồng thời đảm bảo chúng sẽ bảo vệ họ. Nếu "vịt" chưa sợ, chúng có thể nhờ phạm nhân khác dàn cảnh uy hiếp khi nạn nhân chỉ có một mình rồi xông vào giải cứu và khiến họ nảy sinh lòng biết ơn.

Bước 6: Động chạm cơ thể. Phạm nhân cố tình tạo ra tình huống có sự động chạm xảy ra khi chỉ có hai người, bất kể giới tính nam hay nữ và không nhất thiết có tính chất gợi dục. Với nạn nhân nam, đây có thể là cái bắt tay, vỗ lưng, hoặc để tay lên vai. Còn với nạn nhân nữ, hành động này sẽ kín đáo hơn như phủi bụi trên quần áo, chỉnh cổ áo... Với cả hai giới, phạm nhân đều có thể làm như vô tình quệt vào người và sau đó xin lỗi rối rít.

Với những hành động này, phạm nhân gia tăng mức độ tiếp xúc, nâng tầm quan hệ giữa hai bên. Giai đoạn này thường xảy ra trong thời gian dài, được tính toán và thực hiện cẩn thận.

Bước 7: Thử phản ứng. Phạm nhân sẽ cố ý làm sai một số điều nội quy nhỏ nhặt trong tù để thử phản ứng của quản ngục; đôi khi sẽ hỏi xin một số thứ nhỏ nhặt như tờ giấy, chiếc bút,... nhằm xem xem mình có thể có được chúng dễ dàng và nhanh chóng như thế nào.

Quản giáo nào không vững tâm có thể sẽ nhắm mắt cho qua các sai phạm hoặc thấy mình có nghĩa vụ thực hiện theo yêu cầu của phạm nhân vì mối quan hệ thân thiết giữa hai bên.

Bước 8: Gặt hái. Khi cho rằng quan hệ giữa "vịt" với mình đã đủ thân thiết, phạm nhân sẽ đòi hỏi nạn nhân cung cấp những thứ đồ cấm trong tù như điện thoại, thuốc lá, ma túy... hoặc ân huệ khác như tình dục. Các yêu cầu này sẽ tăng dần về mức độ để khiến nạn nhân không kịp rút lui trước khi quá muộn.

Nếu "vịt" không đáp ứng đòi hỏi, phạm nhân sẽ dùng những ghi chép mà chúng chuẩn bị từ trước về sai phạm của "vịt" để khống chế.

Chiến thuật chăn dắt quản ngục của phạm nhân đôi khi rất thành công. Điển hình như trường hợp của phạm nhân Tavon White bị phát hiện vào năm 2013 tại trại giam của thành phố Baltimore, bang Maryland. Bằng thủ đoạn thao túng tâm lý nhằm vào người thiếu tự tin, Tavon đã làm bốn nữ cán bộ có thai, hai trong số này còn xăm tên hắn lên người. Tavon bị phạt 12 năm tù vào tháng 2/2015.

Quốc Đạt (Theo Corrections One, Prison Officer, The New Yorker)

thu doan thao tung quan giao cua pham nhan my Vụ Hoa hậu Phương Nga: Quản giáo trại giam giúp thông cung là thật
thu doan thao tung quan giao cua pham nhan my John McCain trong hồi ức của cựu quản giáo nhà tù Hỏa Lò
thu doan thao tung quan giao cua pham nhan my Tử tù giết quản giáo, giả dạng cảnh sát để vượt ngục rúng động Trung Quốc
thu doan thao tung quan giao cua pham nhan my Điều tra trách nhiệm quản giáo trong vụ hai tử tù vượt ngục

/ vnexpress.net