Tính đến đầu tháng 11, các khoản dự trữ ngoại hối của Nga bao gồm cả những khoản bị đóng băng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây đã lên tới 547 tỉ USD, biến nước này thành chủ sở hữu dự trữ ngoại hối lớn thứ tư thế giới, trong khi Mỹ xếp thứ 11.
- Trung Quốc là một trong 10 quốc gia có lượng dự trữ vàng lớn nhất
- Một nửa số dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng
RIA Novosti hôm 26/11 đã công bố một báo cáo về xếp hạng dự trữ ngoại hối của 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2022. Theo đó, Nga đã thay thế Ấn Độ để xếp vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng này. Dự trữ quốc tế của Nga - tài sản nước ngoài có tính thanh khoản cao do Ngân hàng Trung ương Nga và chính phủ nước này nắm giữ, bao gồm các quỹ ngoại tệ, quyền rút vốn đặc biệt với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và dự trữ vàng.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nga, trong 9 tháng đầu năm 2022, các khoản dự trữ của Nga, bao gồm cả những khoản bị phương Tây đóng băng do các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine, tăng lên 540 tỉ USD. Trong khi đó, đến cuối tháng 9/2022 số liệu này của Ấn Độ ước đạt 532 tỉ USD.
RIA Novosti lý giải, Nga đã tăng cường dự trữ ngoại hối như một lá chắn chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngân hàng trung ương Nga thường xuyên công bố thông tin cập nhật về tài sản dự trữ và tính đến ngày 1/11, con số này là 547 tỉ USD.
Hiện tại, dù mất đi quyền truy cập khoảng 1/2 dự trữ ngoại hối do lệnh đóng băng của các Ngân hàng Trung ương phương Tây, Bộ Tài chính Nga khẳng định vẫn có thể đối phó với các lệnh trừng phạt nhờ nguồn dự trữ dồi dào bao gồm vàng, ngoại tệ được giữ trong nước và nhân dân tệ của Trung Quốc.
Vào năm 2021, dự trữ ngoại hối của Nga tăng gần 6% lên 630,6 tỉ USD. Mức cao nhất mọi thời đại là 643,2 tỉ USD được ghi nhận vào tháng 2/2022.
Cũng trong bảng xếp hạng, Trung Quốc vẫn giữ vị trí dẫn đầu lâu năm về dự trữ quốc tế, với tài sản trị giá 3.193 tỉ USD tính đến cuối tháng 9 vừa qua. Vị trí thứ hai thuộc về Nhật Bản với 1.238 tỉ USD và Thụy Sĩ đứng thứ ba với 892 tỉ USD.
Ngoài ra, nửa dưới của top 10 trong bảng xếp hạng xuất hiện một xu hướng thú vị, trong đó các nền kinh tế mới nổi vượt xa các nền kinh tế thị trường phát triển. Hong Kong (Trung Quốc) bị Saudi Arabia soán ngôi ở vị trí thứ sáu, Brazil tăng lên vị trí thứ chín, đẩy Singapore xuống vị trí thứ mười. Hàn Quốc tụt xuống vị trí thứ bảy.
Đức và Mỹ lần lượt giữ vị trí thứ 11 và 12 so với năm ngoái, trong khi Pháp tăng lên vị trí thứ 13, tiếp theo là Italia. Mexico tăng ba bậc lên vị trí thứ 15. Thái Lan, Anh, Israel, Ba Lan và Cộng hòa Czech lọt vào top 20.