Không nghe thấy những tiếng vỗ tay nồng nhiệt khi một lớp học tại Vũng Tàu có tới 42/43 học sinh giỏi. Thay vào đó là sự băn khoăn hữu lý...

Một ngôi trường bình thường tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bỗng nhiên nổi tiếng cả nước khi một lớp trong khối 6 có tới 42/43 học sinh giỏi. Thành tích gần như thần kỳ này tiếc thay lại không nhận được nhiều lời ngợi khen.

Sự trớ trêu còn nằm ở chỗ, dẫu đến hẹn lại lên, kết quả tổng kết như mơ được đưa ra, trong khi cuộc điều tra gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… vẫn chưa ngã ngũ. Đã có rất nhiều thủ khoa bỗng nhiên thành hàng dởm và việc tạo ra những học sinh giỏi nhờ quan hệ còn dễ hơn nhiều. Nếu sự dối trá được bắt đầu từ các cấp học nhỏ hơn, e rằng bao nhiêu nguồn lực dành cho ‘quốc sách’ giáo dục có thể không mang lại nhiều quả ngọt như kỳ vọng.

thu khoa dom va mot lop 4243 hoc sinh gioi
Một lớp có 42/43 học sinh giỏi, kết quả chấm thẩm định chứng tỏ không có dấu hiệu bất thường

Không thể tự biện minh bằng những thành tích tưởng như là ‘giấy trắng mực đen’. Trước đó, dù báo cáo của Ngân hàng Thế giới về tăng trưởng thông minh hơn, học tập và phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương xếp Việt Nam vào top 10 nền giáo dục hàng đầu của thế giới, thì hàng ngày chúng ta vẫn phải đối diện với thực tế về chương trình, phương pháp dạy và học, nhất là khoảng cách tương đối xa giữa chất lượng nhân lực và yêu cầu của nhà tuyển dụng, không chừa chỗ bất cứ một sự lạc quan tếu nào.

Mà xét cho cùng, đó cũng là kết quả có thể đoán định. Từ năm 2012, Việt Nam chính thức tham gia Chương trình đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) và đã đạt được thành tích ấn tượng. Dù vậy vẫn xuất hiện câu hỏi, liệu thành tích trên có phải là hệ quả tất yếu của việc chương trình nặng, học thêm gần ngang với học chính khóa và việc chúng ta dành ra quá nhiều thời gian và công sức cho chương trình tập huấn, tổ chức thi thử…? Câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Đối với rất nhiều người, mọi biểu hiện chỉ dẫn đến một con đường duy nhất: Thành tích. Sự “khéo léo xoay trở” của người Việt trong những việc như vậy đã được ghi nhận nhiều lần, chẳng phải chỉ trong lĩnh vực giáo dục. Hài lòng với những đánh giá ưu hạng nhưng thực tế còn lâu mới được coi là toàn diện, có thể chúng ta đang tự ru ngủ mình. Thế nhưng, nếu định thay đổi, sẽ phải bắt đầu từ đâu?

Chúng ta đang ở trong một mối tơ vò. Dù có thực hiện nghiêm việc thanh kiểm tra lớp học và kết quả chỉ có một học sinh khá, thì đâu có vì thế mà khả quan hay hài lòng? Giả thiết đầu tiên, có những sự khuất tất và gian lận. Vậy ai là tác giả, ai là đồng phạm và ai là nạn nhân? Khi tất cả các chủ thể có liên quan tới vụ việc đều được hưởng lợi ích, im lặng chính là câu trả lời. Giả thiết thứ hai có lẽ cũng rất thuyết phục. Những tinh thần cố gắng chung, những sự khoan dung không hẳn là vô vị lợi, những buổi dạy thêm ở các môn học. Đó chính là công thức để xây nên… bảng vàng thành tích.

Vụ việc gian lận điểm thi kỳ thi Trung học Phổ thông tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình cũng cho thấy vướng mắc tương tự. Nếu dư luận không phát hiện ra bất thường từ phổ điểm trung bình tại các địa phương miền núi, không loại trừ khả năng câu chuyện sẽ không được phơi bày. Tới thời điểm hiện tại, khi việc trả lại điểm thật cho thí sinh đã hoàn tất, sự lúng túng trong việc xác định trách nhiệm của phụ huynh và học sinh bị/được sửa điểm khiến dư luận hoài nghi. Không ai sửa điểm vì thương học trò nghèo và không ai tin rằng, cuộc đánh đổi cả danh dự và sự nghiệp của những cán bộ sai phạm trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua chỉ vì thành tích chung. Lời khai gây sốc của một đối tượng tham gia sửa điểm thi ở Sơn La về việc mỗi suất chạy điểm trị giá một tỷ đồng lạ thay lại lọt tai dư luận. Người dân muốn được biết ‘toàn bộ sự thật’ về các vụ việc trên, một yêu cầu không thể coi là vô lý.

Theo tinh thần cầu thị tiên trách kỷ, hậu trách nhân, lời giải đáp phải đến từ ngành giáo dục. Vậy mà dư luận lại phải cố tự thuyết phục, mọi hành xử của những người đứng mũi chịu sào đều đúng quy định, đúng quy trình. Quả thật, đã có những chỉ đạo kiểm tra, những khẳng định làm nghiêm xử nghiêm, nhưng chưa có một sự hiệu chỉnh đúng mức về báo cáo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018. Đã có một lời nhận thiếu sót nhưng chưa có lời xin lỗi cũng như biện pháp xử lý kỷ luật trong ngành giáo dục vì để xảy ra những sự việc chấn động như trên. Khi chính những người được giao quyền chưa thể hiện hết trách nhiệm; lỗ hổng quản lý khó có thể bịt kín bởi cụm từ “đúng quy trình”, thì khâu nào cũng “đúng quy trình” nhưng kết quả thì gây sốc dư luận.

thu khoa dom va mot lop 4243 hoc sinh gioi Kết quả chấm thẩm định lớp có 42/43 học sinh giỏi: Trong mức cho phép!

Hội đồng chấm thẩm định đã chấm ngẫu nhiên các bài kiểm tra, bài thi và kết quả cho thấy đa số việc chấm thẩm ...

thu khoa dom va mot lop 4243 hoc sinh gioi Bất ngờ kết quả chấm thẩm định lớp 42/43 học sinh giỏi

Điểm thẩm định bài kiểm tra học kỳ các môn chính của lớp 6/2 trường THCS Nguyễn Thái Bình không thay đổi hoặc lệch mức ...

/ http://baodatviet.vn