Với khoản tiền gần 11 nghìn tỷ đồng với mức thu phí hiện nay của QL5 chỉ cần 5-6 năm là đủ, không cần đến 12 năm.
Chỉ 6-7 năm là thu xong
Liên quan đến việc một số đối tượng kích động người tham gia giao thông gây cản trở việc thu phí tại khu vực trạm thu phí Quốc lộ 5, lãnh đạo Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) khẳng định, việc thu phí Quốc lộ 5 chỉ đủ để sửa chữa tuyến đường và chưa thể hoàn vốn cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
VIDIFi cũng cho rằng, số tiền duy tu, bảo trì Quốc lộ 5 theo quy định của Nhà nước trong thời gian 30 năm với tổng số tiền khoảng 10.526 tỷ đồng.
Với mức thu phí trên Quốc lộ 5 như hiện nay, phía VIDIFI tính toán phải thu phí trong hơn 12 năm mới đủ kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì Quốc lộ 5.
Về vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc NXB Giao thông cho biết: "Thời gian 12 năm là quá dài, khi lượng xe đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện nay rất ít. Xe khách, xe container chủ yếu đi QL5 cũ để giảm chi phí.
Ngoài ra, vốn dĩ tiền thu phí sẽ được Bộ GTVT điều chỉnh theo từng năm một, từng tháng một. Sau khi tổng kết, nếu lưu lượng xe tăng lên thì phải giảm số năm thu. Chắc chắn chỉ tầm 7-8 năm là có thể thu hồi vốn đủ.
Trạm thu phí quốc lộ số 5
Tôi có nhớ trong văn bản báo cáo Bộ GTVT, VIDIFI có nêu, doanh thu mỗi ngày của đơn vị này đạt khoảng 5,7 tỷ đồng/ngày. Như vậy, nếu tính ra thì gần 11 nghìn tỷ đồng sửa chữa chỉ trong 5-6 năm sẽ thu hồi được, chứ không cần tới 12 năm như họ nêu.
Vậy thì, nếu họ kêu khó khăn vì tiền thu về còn phải trả lãi vay Ngân hàng, đó không phải trách nhiệm của dân. Người dân chỉ có trách nhiệm trả tiền cho đoạn đường mình đi còn doanh nghiệp tay không bắt giặc, vay tiền để làm thì đó là việc của họ.
Thu tiền về không chỉ có dành cho bảo dưỡng, bởi vì tiền dành cho sửa chữa đường đúng ra là phải sử dụng quỹ bảo trì đường bộ là chính.
Hàng năm, người dân sử dụng phương tiện vận tải vẫn đang đóng phí bảo trì đường bộ, quỹ trên được quy định để duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường, chứ không phải thu phí như QL5 để bảo dưỡng.
Câu hỏi đặt ra là bên phía chủ đầu tư có đang nhập nhèm không khi ban đầu trạm thu phí QL5 được xác định để hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng? Thời điểm đó, họ kêu khó khăn do lượng xe đi trên cao tốc ít không đủ hiệu quả kinh tế. Thế nhưng, giờ khi đường cao tốc lượng xe đã ổn định thì họ xoay hướng nói rằng tiền thu trạm thu phí QL5 thực tế chỉ để duy tu, bảo dưỡng đường".
Cũng theo ông Thủy, trạm thu phí QL5 bị phản đối là do mức thu quá cao, mức giá bằng một nửa đường cao tốc. Cho nên, ngay sau đó, mức thu phí đã phải giảm xuống, khi giảm thì các phương tiện họ chấp nhận bỏ tiền để đi nhanh hơn, đi đường chất lượng hơn.
Nếu thu tiền theo kiểu thích thu bao nhiêu thì thu, các phương tiện không chịu được họ sẽ dồn lên các tuyến đường khác. Như để tránh tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hà Giang, thì các xe tải đi vào phố Yên Viên, đường Phù Đổng, hỏng hết đường.
"Tôi nghĩ là không ai dại đi đường xấu. Chỉ có khi nào không chấp nhận được giá thì mới bỏ đường tốt. Các chủ đầu tư nên thấm nhuần tiêu chí, năng nhặt chặt bị, mỗi tuyến chỉ cần 20-30.000 đồng, chứ không thể vài trăm nghìn đồng. Phải rất thực tế, phù hợp túi tiền người dân.
Các nước họ phát triển hệ thống vận tải đường sắt, đường biển, trong khi chúng ta cứ phát triển đường bộ, khi đường bộ đắt gấp 5 lần.
Cán cân quy hoạch giao thông đang bị lệch pha, ưu tiên quá nhiều đường bộ, cao gấp 7-8 lần so với đường sắt. Phải nhớ, mức độ an toàn đường sắt cao gấp 7 - 8 lần đường bộ, càng phát triển đường bộ thì tai nạn càng nhiều" - ông Thủy nói.
Hãy làm rõ các con số
Về phía Bộ GTVT, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, có mấy vấn đề cần nhấn mạnh.
Thứ nhất, Bộ GTVT đã hứa sẽ nhanh chóng thực hiện công nghệ thu phí tự động hóa theo phương pháp ETC nhưng cứ chần chừ không triển khai. Tại sao như vậy, trong khi càng để lâu càng bị thất thoát, tiêu cực càng cao? Vậy có lợi ích nhóm gì ở đây hay không?.
Thứ hai, đã có quỹ bảo trì đường bộ, nhân dân đã nộp thuế đường, thì tất cả các tuyến đường quốc lộ phải phục vụ dân sinh, không phải thương mại hóa. Các con đường lớn như QL1, QL5 phải cho dân tự do đi chứ không được thu tiền, còn ai muốn đi đường đẹp thì trả tiền đi cao tốc.
Bản thân, Bộ trưởng GTVT đã hứa với dân các tuyến nào có 2 đường trở lên thì sẽ để cho dân có sự lựa chọn, vậy thì hãy làm từ QL5, QL1. Hãy làm đúng theo mục tiêu phục vụ nhân dân, chứ không phải moi tiền dân.
Thứ ba, Bộ GTVT cần nghiên túc nghiên cứu giảm giá thu phí xuống, thì sẽ ổn định hơn.
Về trạm thu phí QL5 hiện tại thì cần kiểm tra lại toàn diện dự án. Từ lúc giao cho VIDIFI thu phí năm 2009 đến nay đã 9 năm rồi, vậy số tiền nộp về ngân sách là bao nhiêu? Hãy hạch toán con số cụ thể.
Đồng thời làm rõ số lần VIDIFI chi tiền ra sửa chữa con đường trên từ khi tiến hành thu phí tới nay, số tiền cụ thể bao nhiêu? Chỉ khi đó mới biết giải thích của họ là đúng hay sai
Thu phí QL5 mới chỉ đủ sửa đường: Những câu hỏi khó... Việc tiến hành thu phí trên QL5 cũ là với mục đích hoàn vốn cho đường cao tốc, nên không thể viện cớ cho rằng ... |
Khi phí QL5 “nuôi” cao tốc được coi là đương nhiên Chia buồn với Hải Phòng, và không chỉ Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông vừa giải thích rồi: Thu phí QL5 là ... |