Thỏa thuận mà Thủ tướng Anh Rishi Sunak đạt được với Liên minh châu Âu (EU) về quy định thương mại đối với Bắc Ireland đã bước đầu tạo dựng được lòng tin không chỉ với Brussels mà còn với chính người dân về người đứng đầu chính phủ Anh sau chuỗi ngày đầy nhạy cảm trong quan hệ Anh-EU hậu tan vỡ.

Thỏa thuận "Khuôn khổ Windsor", ký kết ngày 27/2 (giờ địa phương), được Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cùng ca ngợi là bước đột phá mang tính quyết định. Theo đó, thỏa thuận nhằm giải quyết tranh chấp liên quan tới các quy định thương mại áp dụng cho Bắc Ireland bao gồm cắt giảm các thủ tục trong trao đổi thương mại giữa Anh và Bắc Ireland, giảm vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) và luật pháp EU ở Bắc Ireland, đồng thời cho phép cơ quan lập pháp Bắc Ireland có tiếng nói đối với các quy định mới của EU. Thỏa thuận cũng thiết lập làn xanh tại các cảng biển Ireland dành cho hàng hóa đến từ Anh lưu hành ở Bắc Ireland mà không chịu bất kỳ hạn chế thương mại nào, trong khi làn đỏ sẽ dành cho hàng hóa tiếp tục vào Ireland và thị trường EU.

Thủ tướng Anh và di sản đầu tiên
Thỏa thuận "Khuôn khổ Windsor" được ký kết bởi Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters.

Theo các chuyên gia kinh tế, "Khuôn khổ Windsor" có thể coi là một văn kiện lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới trong mối quan hệ song phương sau những căng thẳng kéo dài thời kỳ hậu Brexit. Thỏa thuận mới với EU mang lại những lợi ích kinh tế hữu hình cho nước Anh, đây cũng là ưu tiên rõ ràng đối với Thủ tướng Sunak vốn đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trước khi cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào cuối năm 2024.

Thỏa thuận cũng loại bỏ nguy cơ Anh bị EU trả đũa thương mại nếu chính phủ của ông Sunak tiếp tục thúc đẩy dự luật nhằm đơn phương viết lại Nghị định thư Bắc Ireland, điều Anh khó có khả năng thực hiện trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Đặc biệt, thỏa thuận cho phép nghị viện vùng Bắc Ireland áp dụng cơ chế "phanh khẩn cấp" đối với những thay đổi trong các quy định về hàng hóa của EU có "tác động đáng kể và lâu dài”.

Trong tuyên bố sau khi "Khuôn khổ Windsor" được ký kết, Thủ tướng Sunak nhấn mạnh Anh và EU là "đồng minh, đối tác thương mại và bạn bè" trong khi bà Ursula von der Leyen khẳng định hai bên là "đối tác thân thiết, kề vai sát cánh, hiện tại và trong tương lai". Tuyên bố này phần nào cho thấy Thủ tướng Sunak đã đạt được nhiều hơn những gì mà đảng Bảo thủ cầm quyền mong đợi, khi ông bước đầu đã tạo dựng được lòng tin ở Brussels. Đạt được thỏa thuận với EU góp phần nâng cao vị thế của Thủ tướng Sunak trong nước, đồng thời thay đổi quan điểm rằng chính phủ của ông không có khả năng thực hiện những cải cách cần thiết hoặc lâu dài.

Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer khẳng định hoàn toàn ủng hộ "Khuôn khổ Windsor", thừa nhận "bất kỳ bước đi nào theo hướng này sẽ là một sự cải thiện đối với những gì chúng ta đang có". Nghị sỹ đảng Bảo thủ Jacob Rees-Mogg đánh giá Thủ tướng Anh đã "làm rất tốt" trong đàm phán với Brussels, trong khi Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland Steve Baker cũng cho rằng ông Sunak đã đạt được một thỏa thuận thực sự tốt cho tất cả các bên liên quan.

Mặc dù vậy, thách thức vẫn còn phía trước. Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đến thủ phủ Belfast của Bắc Ireland để thông báo về thỏa thuận với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp địa phương. Phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp Bắc Ireland, Thủ tướng Sunak đánh giá việc đạt được thỏa thuận sẽ mở ra làn sóng đầu tư mới trong khu vực. Ông đồng thời hối thúc đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) - chính đảng ủng hộ London lớn nhất tại Bắc Ireland - tận dụng cơ hội kinh tế đến từ thỏa thuận mới mang tính đột phá trên.

Việc Anh và EU ký kết "Khuôn khổ Windsor" đã được nhiều nước hoan nghênh, trong đó có Mỹ và Pháp, song London vẫn cần sự ủng hộ của DUP để khôi phục chính quyền chia sẻ quyền lực của Bắc Ireland. Bắc Ireland đã không có chính quyền hoạt động kể từ tháng 2/2022 sau khi DUP tẩy chay việc chia sẻ quyền lực tại khu vực để phản đối các thỏa thuận thương mại liên quan đến Nghị định thư Bắc Ireland. Lãnh đạo DUP Jeffrey Donaldson ngày 28/2 đã lên tiếng hoan nghênh tiến bộ đạt được giữa Anh và EU liên quan tới "Khuôn khổ Windsor", song lưu ý vẫn còn những lo ngại chưa được giải quyết.

Ông Donaldson cho biết DUP cần thời gian để xem xét thỏa thuận mới một cách toàn diện. Mặc dù chưa rõ thỏa thuận Anh và EU mới ký kết có được DUP chấp nhận hay không, các nhà phân tích cho rằng ông Sunak đã đúng khi đánh giá rằng việc thúc đẩy thỏa thuận sẽ mang lại những lợi ích lớn cho nước này.

The Guardian cho rằng, đây là thời điểm để thiết lập lại quan hệ Anh - EU, khi cả hai bên đều nhìn thấy những lợi ích thực sự trong việc chấm dứt mối hiềm khích đã làm xấu đi quan hệ kể từ sau khi Anh quyết định rời khối. Thỏa thuận cũng giúp thúc đẩy hợp tác an ninh và ngoại giao của Anh với EU trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn đang tác động sâu rộng đến tình hình thế giới.

 https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/thu-tuong-anh-va-di-san-dau-tien-han-gan-voi-eu-i685172/

An Nhiên / Công an nhân dân