"Đã đột phá thì phải có cơ chế ưu tiên, cơ chế huy động nguồn lực", Thủ tướng nhấn mạnh khi chủ trì Hội điều phối vùng Đông Nam Bộ, sáng 18/7.

Là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, song kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ vẫn phát triển chưa tương xứng, nguyên nhân là do thiếu nguồn lực đầu tư.

Các ý kiến tại hội nghị thống nhất quan điểm, kiến nghị giải pháp thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng đồng bộ, hiện đại; đề ra các phương thức điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong vùng trở thành các thành phố mang tầm cỡ khu vực.

Nhu cầu nhà ở cao nhất nước

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại vùng Đông Nam bộ lớn nhất cả nước.

Để phát triển vùng Đông Nam bộ, ông Nghị cho rằng các địa phương cần đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc về phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của các tỉnh trong vùng.

Bên cạnh đó, việc hình thành các đô thị gắn với phát triển các khu công nghiệp tại các tỉnh xung quanh TP sẽ giảm áp lực gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm.

img-bgt-2021-ch-tp-3--1689662341-width1280height720
TP.HCM đóng vai trò hạt nhân, cực tăng trưởng trong vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Chí Hùng

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương trong vùng quan tâm dành nguồn lực cho việc quy hoạch vùng Đông Nam bộ, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trong vùng. Đặc biệt, các tỉnh thành rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng không còn phù hợp để đảm bảo yêu cầu đầu tư phát triển, thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch, với các cấp độ quy hoạch.

Còn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhìn nhận hiện trạng đô thị hóa nhanh và tốc độ phát triển hiện nay gây ra nhiều vấn đề đáng quan ngại đối với môi trường. Ông đề nghị các địa phương đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nêu rõ cần phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Theo ông Đặng Quốc Khánh, các địa phương cần chủ động kiểm soát các nguồn thải lớn, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; thiết lập các cơ chế kiểm soát liên ngành, liên vùng, ngăn chặn các hoạt động phát thải gây hại đến môi trường trong vùng và liên vùng.

"Đặc biệt chú trọng đến việc phân luồng các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư để kiểm soát trong suốt vòng đời hoạt động", theo ông Khánh.

Đề xuất lan rộng Nghị quyết 98

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế) cũng kiến nghị cần nghiên cứu đề xuất áp dụng các cơ chế đặc thù trong nghị quyết 98 cho các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ. Ông Trần Du Lịch nhìn nhận cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM thí điểm mô hình phát triển đô thị TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết giao thông công cộng) là điểm rất thuận lợi cho TP.HCM.

"Nếu áp dụng mô hình này cho cả vùng Đông Nam Bộ sẽ rất thuận lợi cho kết nối giao thông vùng. Nếu làm tốt TOD, quỹ đất đô thị hóa sẽ là con gà đẻ trứng vàng cho ngân sách, và khơi thông nguồn lực để đầu tư hiệu quả", ông Lịch nói.

img-bgt-2021-6-1689662245-width1280height720
TS Trần Du Lịch tham vấn tại nghị ngày 18/7. Ảnh: Thành Nhân

"Ví dụ dự án vành đai 3 TP.HCM đi qua Bình Dương, nếu phần đất dọc tuyến đường này được sử dụng phát triển đô thị, logistics sẽ tận dụng được nguồn lực phát triển liên kết vùng. ", ông Lịch chia sẻ.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đề xuất cho phép các địa phương trong vùng được thực hiện các chính sách về TOD, sử dụng ngân sách địa phương để kết nối với các địa phương, doanh nghiệp.

Đồng thời, cơ chế áp dụng cho các tỉnh nhóm các chính sách phát triển, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, nhóm chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược và cơ chế chính sách phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng.

Giải quyết 3 vấn đề lớn

Sau khi nghe đại diện các bộ ngành, địa phương báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, với vùng Đông Nam Bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng; Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Chỉ một tháng sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 154 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 và đang tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Thủ tướng nêu rõ, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ là một trong 4 hội đồng điều phối vùng được Thủ tướng Chính phủ thành lập. Đây là một hình thức tổ chức mới được thực hiện theo chủ trương của Đảng, nhất là với yêu cầu tăng cường điều phối và đẩy mạnh liên kết vùng.

Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ nhằm phối hợp triển khai thực hiện các định hướng của vùng đã được Quốc hội, Bộ Chính trị thông qua, là dấu mốc quan trọng trong chuỗi các chương trình cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Lưu ý 3 nhiệm vụ quan trọng đối với các địa phương, bộ ngành cần xử lý trong những năm tới là: Giải quyết ách tắc giao thông; bảo vệ môi trường sống, sinh thái và giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, Thủ tướng lưu ý vấn đề quy hoạch đòi hỏi rất cấp bách.

Ông đề nghị các thành viên trong hội đồng điều phối vùng tập trung chỉ đạo quy hoạch, đặc biệt là TP.HCM tập trung cho 2 quy hoạch lớn và đưa ra giải pháp cụ thể từ nay đến cuối năm.

"TP.HCM có lộ trình rồi nhưng hơi dài, cố gắng thu hẹp lộ trình lại", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị TP.HCM phối hợp với hội đồng vùng giải quyết 2 vấn đề về quy hoạch lâu dài, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, phát huy tối đa tiềm năng và quan trọng là hóa giải được mâu thuẫn tồn tại, yếu kém của vùng.

img-bgt-2021-ae1bf8be1505c55b9c14-1689662143-width1280height720
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị ngày 18/7 tại TP.HCM. Ảnh: Hữu Hạnh

Dẫn lại quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết 24 về phát triển đột phá vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng nhìn nhận vấn đề nguồn lực là thách thức lớn nhất.

"Đã đột phá thì phải có cơ chế ưu tiên, ta không có tiền thì phải có cơ chế chính sách huy động nguồn lực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh đến từ nhân dân", Thủ tướng đề nghị việc sử dụng nguồn lực đầu tư phải có trọng tâm trọng điểm, lấy đầu tư Nhà nước dẫn dắt đầu tư tư nhân và dẫn dắt mọi nguồn lực trở thành nguồn lực đầu tư phát triển; thành lập quỹ đầu tư; phát huy cơ chế hợp tác công tư, vay vốn đầu tư có hiệu quả.

"Hiện nay nợ công chỉ 38%, ngưỡng cảnh báo Quốc hội đưa ra là 65%, chúng ta vẫn còn dư địa phát hành trái phiếu để đầu tư phát triển", Thủ tướng nói.

Vùng Đông Nam bộ bao gồm TP.HCM và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra.

Vùng Đông Nam bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách Nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.

Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. TP.HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng.

Thư Trần / Báo Giao thông