Thủ tướng Đức Olaf Scholz bác bỏ thông tin cho rằng ông đang cân nhắc việc từ chức trong bối cảnh tỷ lệ tín nhiệm sụt giảm.

Đầu tháng này, báo Đức Bild trích dẫn một cuộc khảo sát cho thấy sự ủng hộ của công chúng dành cho thủ tướng Olaf Scholz đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Theo các phương tiện truyền thông, khoảng 64% số người được hỏi muốn ông Scholz rời nhiệm sở trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Đa số trong khi đó tin rằng thành viên đảng Dân chủ Xã hội Đức Boris Pistorius, đồng thời là bộ trưởng quốc phòng hiện tại, nên thay thế ông Scholz làm thủ tướng.

thu-tuong-duc-olaf-scholz-19563973
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Getty)

Trong cuộc phỏng vấn với Die Zeit được công bố hôm 24/1 (giờ địa phương), ông Scholz gọi những tin đồn về việc ông có thể từ chức trong bối cảnh tỷ lệ tín nhiệm sụt giảm là "chuyện tưởng tượng”. Ông phủ nhận cả việc cân nhắc đến ý tưởng này. 

Dù vậy, Thủ tướng Scholz thừa nhận những lo lắng của công chúng xung quanh các vấn đề như hệ quả từ từ cuộc xung đột ở Ukraine và đại dịch COVID-19 với nước Đức, cùng những vấn đề khác.

Tuy nhiên, ông Scholz khẳng định các chính sách chung mà chính phủ liên minh của ông đã theo đuổi cho đến nay là đúng đắn. Khi được hỏi tại sao hầu hết người Đức dường như không hài lòng với nội các của ông, thủ tướng Scholz bình luận rằng mọi người chủ yếu lo lắng "cuộc hiện đại hóa công nghiệp lớn nhất trong hơn 100 năm" mà đất nước này đang trải qua.

“Đó là một cuộc hành trình chưa thể đoán trước được kết thúc”, ông nói. 

Kể từ giữa tháng 12/2023, tại Đức nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân liên quan đến kế hoạch của chính phủ nhằm cắt giảm trợ cấp cho ngành nông nghiệp, trong bối cảnh phải bù đắp khoản thâm hụt 17 tỷ euro (18,6 tỷ USD) ngân sách.

Đối mặt với sự phản đối dai dẳng, chính phủ ông Scholz đã đồng ý không bãi bỏ ưu đãi thuế đối với xe nông nghiệp và hoãn việc cắt giảm thuế diesel cho đến năm 2026.

Tuy nhiên, Hiệp hội Nông dân Đức thấy những nhượng bộ đó là không thỏa đáng.

Đầu tháng 1, các lái tàu đã tổ chức một cuộc đình công quy mô lớn (dẫn đến việc dịch vụ đường sắt đường dài bị dừng hoạt động khoảng 80%), đưa ra yêu cầu giảm giờ làm việc cũng như tăng lương, bên cạnh việc thanh toán khoản trợ cấp một lần (3.000 euro) để bù đắp lạm phát.

Phương Anh / VTC News