Tuần trước là một trong những tuần tồi tệ nhất trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Như thường lệ, nhà lãnh đạo 53 tuổi này vẫn tỏ ra cứng cỏi và tự tin trước áp lực khủng khiếp. Nhưng, liệu ông có đứng vững như các lần trước?

Sự kiên cường quen thuộc

Tại Hội nghị thường niên của đảng Tự do hôm 17/12, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho thấy ông vẫn không nao núng dù một ngày trước đó, một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất của ông, Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland bất ngờ từ chức.

justin trudeau trong khung hoang - anh 2.jpg -1
Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland bất ngờ từ chức vì không đồng tình với nhiều chính sách của Thủ tướng Justin Trudeau. Ảnh: CP24.

Trong thư từ chức được công bố chỉ vài giờ trước khi phải trình bày Báo cáo kinh tế mùa thu tại Quốc hội, Bộ trưởng Freeland cho biết bà phải lựa chọn ra đi vì bất đồng với Thủ tướng Trudeau về định hướng phát triển đất nước và không đồng tình với việc ông Trudeau đề xuất chuyển bà sang một vị trí khác trong nội các.

Động thái bất ngờ của bà Freeland khiến áp lực đối với Thủ tướng Trudeau ngày càng lên cao, thậm chí một số thành viên trong đảng của ông cũng kêu gọi ông từ chức. Tuy nhiên, Thủ tướng Trudeau vẫn giữ giọng điệu kiên quyết, thậm chí thách thức khi phát biểu trước đại hội đảng Tự do trong bộ vest và cà vạt xanh đậm. Nhà lãnh đạo này ám chỉ đến tuần "khó khăn" của mình nhưng chỉ so sánh nó với một cuộc cãi vã trong gia đình. Ông cũng thảo luận về việc trở nên “táo bạo” và “tham vọng” khi đối mặt với nghịch cảnh, đồng thời chỉ trích gay gắt đối thủ chính trị của mình, Pierre Poilievre, lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập của Canada.

Các chuyên gia sau đó nhận xét rằng, bài phát biểu này nghe rất giống một diễn văn vận động tranh cử và rằng bất chấp tình hình chính trị bất ổn gần đây, Thủ tướng Trudeau dường như vẫn đang nỗ lực hết mình. Lập trường đó không thay đổi khi ông Justin Trudeau cố gắng cứu vãn quyền lãnh đạo của mình bằng cách sắp xếp lại nội các vào ngày 20/12 và một đồng minh chính trị nổi bật khác, lãnh đạo đảng Dân chủ Mới (NDP) cấp tiến Jagmeet Singh quay lưng lại với ông. Ông Singh tuyên bố sẽ chính thức đệ trình bỏ phiếu bất tín nhiệm với thủ tướng tại Quốc hội ngay khi Hạ viện làm việc trở lại vào tháng 1 năm sau. Sự ủng hộ của NDP đã giúp đảng Tự do tiếp tục nắm quyền nên giờ đây, khi NDP “quay xe”, một cuộc bầu cử mới có vẻ sắp xảy ra.

justin trudeau trong khung hoang - anh 3.jpeg -2
Lãnh đạo Đảng Dân chủ Mới (NDP) Jagmeet Singh tuyên bố sẽ chính thức đệ trình việc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng tại Quốc hội. Ảnh: Rozana.

Tuy nhiên, cho đến nay Thủ tướng Trudeau vẫn chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ sớm từ chức, dù nhà lãnh đạo 53 tuổi được cho là đã nói với các thành viên khác trong đảng Tự do rằng ông sẽ dành thời gian trong kỳ nghỉ đông để suy nghĩ về những việc cần làm. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp với nội các vừa được cải tổ của mình, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết trọng tâm của Chính phủ Canada là chuẩn bị cho những hậu quả tiềm tàng từ chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. “Chúng tôi còn nhiều việc phải làm”, Thủ tướng Canada nói, nhưng không trả lời câu hỏi của các phóng viên về tương lai của ông.

Khả năng “sống sót” tuyệt vời

Nhiều nhà quan sát chính trị nhận định rằng, nhờ thái độ bất chấp khi chịu áp lực mà ông Justin Trudeau đã vượt qua không ít cuộc khủng hoảng trong 9 năm cầm quyền. Và, cũng nhờ thế mà ông Justin Trudeau thường chiến thắng khi bị đánh giá thấp, chẳng hạn như khi ông giành được chính phủ đa số vào năm 2015 ở tuổi 44, dù các đối thủ chính trị mô tả ông là một chính khách nghiệp dư.

justin trudeau trong khung hoang - anh 5.jpg -4
Thủ tướng Justin Trudeau đi qua một con phố đầy tuyết tại Ottawa, tháng 1/2020. Ảnh: Foreign Policy.

Khi ông Justin Trudeau lần đầu ra tranh cử thủ tướng, có 3 từ luôn theo ông: “Chưa sẵn sàng”. Câu nói đó là khẩu hiệu của một quảng cáo tấn công được phát đi phát lại trên khắp cả nước khi ông cố gắng hạ bệ Thủ tướng đương nhiệm Stephen Harper, một người của đảng Bảo thủ đã nắm quyền từ năm 2006. Nội dung quảng cáo truyền tải những chỉ trích mà ông Justin Trudeau phải đối mặt vào thời điểm tuổi đời còn quá trẻ, sự thiếu kinh nghiệm và con đường quanh co của ông đến với chính trường.

Nhà sử học người Canada Raymond Blake cho biết, ông Justin Trudeau “dường như đã lang thang” trong những năm đầu đời trước khi trở thành giáo viên dạy kịch ở Vancouver dù là con trai nổi tiếng và giàu có của cựu Thủ tướng Pierre Elliott Trudeau. Nhưng, không lâu sau khi tham gia chính trường, chàng thanh niên Justin Trudeau đã có lập trường đấu tranh rõ rệt.

justin trudeau trong khung hoang - anh 4.jpg -3
Ông Justin Trudeau đang ở hoàn cảnh khá giống cha mình, cựu Thủ tướng Pierre Elliott Trudeau. Ảnh: CBC.

Một số người cho rằng đó là đặc điểm mà ông thừa hưởng từ cha mình, một người nổi tiếng với phong cách lãnh đạo lôi cuốn nhưng cũng đầy tính chiến đấu và cũng là người nổi tiếng với câu cửa miệng "hãy nhìn tôi”, câu mà ông đã nói với một phóng viên vào lúc đỉnh điểm của một cuộc khủng hoảng chính trị. Lawrence Martin, một cây bút chính trị lâu năm người Canada cho biết: "Cha của ông Justin Trudeau mang hình ảnh một chính trị gia thực sự kiên cường và rất cứng rắn".

Theo bước cha, Trudeau trẻ tuổi đã tự mình vượt qua mọi khó khăn để giành chiến thắng lịch sử cho đảng Tự do, đưa đảng này từ vị trí thứ ba trong Quốc hội lên vị trí đa số trong cuộc bầu cử liên bang đầu tiên của ông. “Điều này khiến ông ấy cảm thấy mình có thể vượt qua mọi trở ngại lớn”, cây bút Lawrence Martin nói và cho biết thêm rằng về mặt chính trị, Thủ tướng Justin Trudeau luôn hoạt động với "một sự tự tin cực độ".

Con đường chính trị của ông Justin Trudeau trở nên gập ghềnh ngay sau khi ông nhậm chức vì liên quan đến một số vụ bê bối chính trị. Trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông, Bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould - người phụ nữ bản địa đầu tiên giữ chức vụ này - đã từ chức vì những gì bà mô tả là những nỗ lực can thiệp và "những lời đe dọa ngầm" từ các quan chức chính phủ cấp cao tìm kiếm sự ưu ái về mặt pháp lý cho một công ty đang phải đối mặt với phiên tòa xét xử tham nhũng.

Khi tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2019, chiến dịch của ông Justin Trudeau đã bị chấn động bởi những hình ảnh được công bố cho thấy ông khi còn trẻ đã nhuộm nâu khuôn mặt ít nhất 3 lần (ở Canada, việc này có thể mang hàm ý phân biệt chủng tộc). Đến năm 2020, ông Trudeau lại phải đối mặt với vụ bê bối khác liên quan đến một hợp đồng chính phủ có giá trị lớn ký với một tổ chức từ thiện dành cho thanh, thiếu niên từng hợp tác với các thành viên gia đình Trudeau.

Nhưng, bất chấp mọi rắc rối đó, Thủ tướng Justin Trudeau vẫn nắm giữ quyền lực. Ông đã tái đắc cử 2 lần, trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất trong số các đồng nghiệp G7. "Ông Justin Trudeau đã vượt qua rất nhiều khó khăn", Giáo sư Blake cho biết, đồng thời lưu ý rằng những thành công chính trị và khả năng lãnh đạo của ông đã giành được lòng trung thành của nhiều người trong đảng bất chấp những vụ lùm xùm.

Mọi thứ đang bị đẩy tới giới hạn

Dù Thủ tướng Justin Trudeau đã vượt qua nhiều sóng gió, nhưng có những dấu hiệu cho thấy lần này mọi chuyện sẽ khó khăn hơn nhiều.

justin trudeau trong khung hoang - anh 1.jpg -0
Thủ tướng Justin Trudeau phát biểu tại Hội nghị thường niên của Đảng Tự do hôm 17/12 với thái độ cương quyết và tự tin về tương lai chính trị của mình. Ảnh: The Hill Times.

Thứ nhất, lịch sử không đứng về phía ông. Chỉ có một Thủ tướng Canada, Sir John A MacDonald - thủ tướng đầu tiên của đất nước - đã phục vụ 4 nhiệm kỳ liên tiếp. Thứ hai, Thủ tướng Trudeau cũng đang phải đối mặt sự sụt giảm mức độ ủng hộ sau khi nhiều chính sách của ông bị chỉ trích, nhất là chính sách tăng cường nhập cư gây ra quá tải dịch vụ công và khiến nền kinh tế phát triển quá nóng. Một cuộc thăm dò gần đây của Ipsos cho thấy khoảng 73% người Canada không ủng hộ ông. Chỉ có 26% số người được hỏi cho biết ông Trudeau là lựa chọn hàng đầu của họ cho vị trí thủ tướng, khiến ông kém 19 điểm so với nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ Poilievre.

Cuối cùng, sự ủng hộ cũng đang giảm dần trong chính đảng của ông Trudeau. Hiện, ít nhất 18 nghị sĩ đảng Tự do đã kêu gọi lãnh đạo của họ từ chức. "Nếu ông ấy tại vị sẽ là không công bằng với chúng tôi, những nghị sĩ, không công bằng với các bộ trưởng và quan trọng nhất là không công bằng với đất nước", Wayne Long, một đảng viên đảng Tự do và là đại biểu Quốc hội New Brunswick, phát biểu. “Chúng ta cần phải tiến lên theo một hướng đi mới và chúng ta cần phải khởi động lại”.

Sự kiên trì bền bỉ của Thủ tướng Justin Trudeau trước dự báo chính trị ảm đạm đã được nhiều nhà quan sát so sánh với Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden, người đã từ bỏ ứng cử vài tháng trước cuộc bầu cử năm nay vì áp lực nội bộ ngày càng gia tăng.

Nhà sử học người Canada Raymond Blake cho biết, di sản của ông Justin Trudeau, giống như của Tổng thống Biden, sẽ phụ thuộc vào cách ông rời đi và việc chiến đấu trong một trận chiến thua cuộc có thể khiến ông Trudeau "có một vết sẹo lâu dài" dù thủ tướng có khả năng “sống sót” đáng kinh ngạc.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Thủ tướng Justin Trudeau cũng tương tự tình thế của cha ông, người đã thắng 3 cuộc bầu cử liên tiếp và tiếp tục thắng cử lần thứ tư sau khi rời khỏi quyền lực chưa đầy 1 năm. Nhưng, đến năm 1984, hơn 15 năm sau khi lần đầu tiên trở thành Thủ tướng Canada, Pierre Elliott Trudeau - giống như con trai ông bây giờ - phải đối mặt với các cuộc thăm dò ý kiến tồi tệ. Có vẻ như rõ ràng là ông sẽ không thắng cử trong cuộc bầu cử tiếp theo nếu vẫn tại vị. Do đó, Thủ tướng Pierre Elliott Trudeau lựa chọn từ chức và nói với công chúng rằng ông đã đưa ra quyết định sau khi đi dạo trong một trận bão tuyết ở Ottawa.

Kể từ đó, thuật ngữ "đi bộ trong tuyết" đã trở thành từ đồng nghĩa với sự từ chức trong chính trường Canada. Và, Giáng sinh năm nay, vẫn chưa biết liệu ông Justin Trudeau có tự “đi bộ” hay không?

 https://antg.cand.com.vn/hau-truong/-thu-tuong-justin-trudeau-va-khuc-cua-toi-te-nhat-su-nghiep-i754533/

Quang Anh / CAND