Thị trường nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh lệch pha cung - cầu ngày càng trầm trọng. Thành phố đang thực hiện các giải pháp để thúc đẩy nhà ở bình dân, nhà ở xã hội để người thu nhập thấp có cơ hội an cư.

anh-1.jpg
Một dự án nhà ở tại thành phố Thủ Đức bị đình trệ.

Không có nhà ở bình dân

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, giá bán sơ cấp trung bình của thị trường căn hộ tại thành phố Hồ Chí Minh trong quý III-2023 đạt hơn 60 triệu đồng/m².

Khảo sát của phóng viên cho thấy, một số dự án căn hộ chung cư được định vị phân khúc trung cấp, mức giá chào bán ở mức từ 30 triệu đồng/m² đến dưới 50 triệu đồng/m². Cụ thể, dự án căn hộ Royal Park Riverside (quận 8) có giá chào bán khoảng 35 triệu đồng/m²; dự án An Gia Skyline (quận 7) có giá chào bán khoảng 39 triệu đồng/m²; dự án Happy Valley (quận 7) có giá chào bán khoảng 48 triệu đồng/m²…

Tuy nhiên, đáng chú ý là các dự án trên đã được chào bán từ đầu năm 2023. Đến thời điểm này, không có dự án căn hộ chung cư trung cấp mới được chào bán.

Theo Bộ Xây dựng, tại thành phố Hồ Chí Minh, tính riêng trong quý III-2023, chiếm tới 96% nguồn cung mới là phân khúc cao cấp, 4% nguồn cung mới còn lại thuộc phân khúc hạng sang. Trong quý này, thành phố không có nguồn cung mới phân khúc trung cấp và bình dân.

Còn theo thông tin từ Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, 11 tháng năm 2023, thành phố có 16 dự án nhà ở thương mại được thông báo đủ điều kiện để bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 16.063 căn được đưa ra thị trường (gồm 14.810 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng). Tuy nhiên, hầu hết trong số này thuộc phân khúc cao cấp (11.012 căn) và trung cấp (5.051 căn). Toàn thành phố không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân.

Như vậy, cả trong quý III-2023 và 11 tháng năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh không có sản phẩm nhà ở phân khúc bình dân, có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người mua để ở.

Lý giải nguyên nhân nguồn cung mới nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ có phân khúc cao cấp và hạng sang, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính - ngân hàng) cho rằng, doanh nghiệp muốn định vị sản phẩm cao cấp trở lên để đưa giá nhà ở lên cao, bù lại các chi phí khác đều tăng như lãi suất vay ngân hàng cao, tiền sử dụng đất cao, giá nguyên vật liệu cao, chi phí nhân công cao…

anh-2.jpg
Một dự án nhà ở thương mại giá bán vừa túi tiền hiếm hoi đang xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thúc đẩy nhà ở vừa túi tiền

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có sự “lệch pha” lớn về cung - cầu. Từ năm 2020 đến nay, nhà ở cao cấp luôn chiếm tỷ lệ áp đảo (chiếm từ 70-80%), phần còn lại là nhà ở trung cấp và hầu như không còn nhà ở bình dân, dẫn đến tình trạng rất thiếu nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội - là loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đa số người dân.

“Giá nhà tăng liên tục từ năm 2017 đến nay và vẫn “neo cao” vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị. Căn hộ bình dân có giá 2-3 tỷ đồng thì người có thu nhập trung bình thấp, có tiền để dành khoảng 100 triệu đồng/năm cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà”, ông Lê Hoàng Châu phân tích.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về giải pháp thúc đẩy nhà ở bình dân, nhà ở vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu người mua để ở, ông Vũ Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, sở sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành, quận, huyện tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

“Thành phố sẽ phân loại dự án, phân nhóm vướng mắc (đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, nghĩa vụ tài chính...) thẩm quyền xử lý (sở, ngành, quận, huyện, UBND thành phố, bộ, ngành, Chính phủ...) để có giải pháp tháo gỡ phù hợp cho từng trường hợp và tổng thể. Đồng thời, các cơ quan chức năng thường xuyên trao đổi, làm việc với doanh nghiệp có dự án vướng mắc để hướng dẫn thực hiện”, ông Vũ Anh Dũng nhấn mạnh.

Ông Vũ Anh Dũng cũng cho biết, giai đoạn 2021-2030, thành phố được Chính phủ giao chỉ tiêu xây dựng 69.700 căn nhà ở xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ này, Sở Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp như rút ngắn thủ tục hành chính về đầu tư, giao thuê đất, có chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ thêm để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (bổ sung vào chương trình kích cầu của thành phố).

Liên quan đến giá nhà ở, thành phố sẽ tháo gỡ vướng mắc các dự án nhà ở thương mại đang bị ách tắc, thúc đẩy nguồn cung, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp mua để ở. Cụ thể, tính đến thời điểm này, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết được 52 kiến nghị tại 44 dự án nhà ở bị ách tắc thủ tục, pháp lý. Hiện thành phố tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc đối với 78 dự án đủ điều kiện xem xét tháo gỡ.

https://hanoimoi.vn/thuc-day-nha-o-phu-hop-tui-tien-nguoi-thu-nhap-thap-648959.html

Nguyễn Lê / HNM.com.vn