Sức tiêu thụ thực phẩm và rau xanh dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được dự báo không có đột biến, do vậy giá cả không lo ngại "đội giá".
- Kiểm tra an toàn thực phẩm chợ đầu mối dịp Tết
- Các nền kinh tế mới nổi lao đao trong “cơn bão” giá nhiên liệu, thực phẩm
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), lượng thịt lợn tiêu thụ tháng Tết vào khoảng 320.000 - 330.000 tấn, gia cầm khoảng 150.000 - 160.000 tấn. Khác với mọi năm, hiện giá lợn hơi đang ở mức thấp do sức mua giảm. Điều này ảnh hưởng lớn tới các trang trại chăn nuôi trong việc chủ động nguồn cung cho thị trường.
"Khác biệt so với Tết Nguyên đán trước khi xảy ra Covid-19 đó là sức mua của chúng ta không còn giữ như trước đây. Về nguồn cung, chúng ta có 28,4 triệu con lợn; 531,7 triệu con gia cầm. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ các sản phẩm chăn nuôi cho dịp Tết" - ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định.
Đối với mặt hàng rau phục vụ Tết, theo Cục Trồng trọt, năm nay, vụ Đông toàn miền Bắc triển khai trồng khoảng 400.000 ha cây rau màu. Trong đó, riêng rau các loại khoảng 200.000 ha với sản lượng khoảng 3,6 triệu tấn. Hiện diện tích rau phục vụ cho dịp cuối năm và Tết còn khoảng 50.000ha, tương đương sản lượng gần 1 triệu tấn.
Dự báo, thực phẩm Tết Nguyên đán không lo thiếu cung và đội giá |
Tại Hà Nội, chúng tôi ghi nhận thành phố đã chủ động nhiều giải pháp để đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân trong dịp cuối năm này, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến, gây mất ổn định thị trường.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, mặc dù, thời tiết năm nay khắc nghiệt nhưng Hà Nội vẫn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là trong đợt rét đậm rét hại trên diện rộng sắp tới các trang trại đang áp dụng biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Đến nay, tổng đàn gia cầm khoảng 37 triệu con, đàn lợn 1,5 triệu con, đàn trâu bò 170 nghìn con với 6.515 trang trại chăn nuôi và 190.608 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, vào dịp cuối năm, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa lễ hội... nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia súc gia cầm tăng mạnh khoảng 20% so với ngày thường."Với nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng, Hà Nội đã chủ động từ nguồn cung sản xuất tại chỗ và liên kết với các tỉnh, cơ bản bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm", ông Sơn khẳng định.
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Tết nhu cầu của người dân tăng từ 15 đến 20% để mua sắm phục vụ tết. Do đó, Hà Nội luôn đảm bảo dự trữ nguồn cung tăng từ 30 đến 35% tức là ngoài hàng hóa Hà Nội giao cho các hệ thống phân phối tăng 15% nhu cầu so với nhu cầu năm trước thì các doanh nghiệp phải dự trữ tăng 30%.
Tại thành phố các đơn vị sẽ cung ứng hàng bình ổn giá tới hơn 12.000 điểm bán hàng trên toàn thành phố; trong đó, có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và hàng loạt điểm bán hàng lưu động về các huyện ngoại thành, nhằm đưa hàng hóa thiết yếu bình ổn đến với người nghèo, người còn khó khăn để họ có điều kiện đón một cái Tết đầy đủ hơn.
"Với nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng, Hà Nội đã chủ động từ nguồn cung sản xuất tại chỗ và liên kết với các tỉnh, cơ bản bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm", ông Sơn khẳng định.
Là doanh nghiệp cung ứng trứng lớn trong cả nước, bà Phạm Thị Huân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, dịp lễ tết năm 2023, đơn vị đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa bằng nhiều hình thức và sẽ giữ bình ổn giá trước, trong và sau Tết để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
"Trong nhiều năm, công ty đã xây dựng hệ thống bán lẻ tới tận các tỉnh, thành và được người tiêu dùng tại các địa phương tin tưởng, tín nhiệm. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi mong Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ để cung ứng hàng hóa tiêu dùng đến khu vực nông thôn", bà Huân kiến nghị.