Phương pháp điều trị ung thư hiện đại ngày nay như thuốc điều trị đích nhằm giảm liều và tác dụng phụ trong điều trị hóa chất mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng được phương pháp này.

thuoc dieu tri ung thu trung dich can tuan thu nghiem chi dinh
Một phụ nữ chụp nhũ ảnh, tầm soát ung thư vú. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Thông tin trên được các chuyên gia trong ngành ung bướu đưa ra cảnh báo như vậy trong cuộc tọa đàm khoa học “Ung thư không phải dấu chấm hết,” do Hội Nội khoa Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Cuộc chiến ung thư, tổ chức chiều 12/8, tại Hà Nội.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có từ 130.000 - 160.000 trường hợp mắc mới và khoảng 85.000 - 115.000 trường hợp tử vong.

Các loại ung thư mắc chủ yếu ở nam giới là ung thư gan, phổi, dạ dày, vòm họng, còn phụ nữ là ung thư vú, cổ tử cung, dạ dày. Nguyên nhân gây ung thư chủ yếu là do môi trường bị ô nhiễm, thói quen uống rượu bia, hút thuốc...

Tại buổi tọa đàm, thạc sỹ Thân Văn Thịnh - Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội) trình bày các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới và tại Việt Nam. Bên cạnh nhưng phương pháp điều trị ung thư truyền thống như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị thì những năm gần đây, có nhiều phương pháp điều trị hiện đại như thuốc điều trị đích nhằm giảm liều và tác dụng phụ trong điều trị hóa chất; Các phương pháp xạ trị từ bên trong ít gây tổn thương tế bào lành; Các phương pháp phẫu thuật nội soi hạn chế kích thước vết mổ…

Tuy nhiên, không phải cứ phương pháp mới hiện đại có thể áp dụng được hầu hết cho các bệnh nhân.

Bác sỹ Thịnh dẫn chứng: “Hôm thứ Năm vừa qua, tôi có gặp một bệnh nhân bị ung thư phổi đã tự mua thuốc uống, hơn 40 triệu đồng trong một tháng. Đây là bệnh nhân có điều kiện về kinh tế. Tôi có hỏi bệnh nhân sao không dùng thuốc bảo hiểm mà phải tự mua? Sau khi xem bệnh án, thấy bệnh nhân không thích hợp dùng loại thuốc đắt tiền đó.”

Nói về công tác điều trị, bác sỹ Thịnh cho hay, hiện nay trong điều trị ung thư phổi thì điều trị trúng đích có thể nói là mang lại hiệu quả nhất, thậm chí bệnh nhân sẽ không có tác dụng phụ, nhưng không phải bệnh nhân ung thư phổi nào rơi vào thể đó và có thể uống được. Trong trường hợp bệnh nhân trên, không biết ai tư vấn cho bệnh nhân như vậy, như việc dùng thuốc trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư phổi trên không hiệu quả.

Vì vậy, các bệnh nhân khi dùng thuốc cần xem xét kỹ và tuân thủ theo sự chỉ định của bác sỹ mới được dùng, còn không có chỉ định dùng thì ngoài việc gây tốn kém ra nó sẽ gây ra những tác dụng hại cho bản thân.

Trong khuôn khổ tọa đàm, giáo sư Đào Văn Phan - Nguyên Trưởng Bộ môn Dược lý (Trường Đại học Y Hà Nội), trình bày báo cáo khoa học “Vai trò của thảo dược trong hỗ trợ chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư” phân tích sâu về tầm quan trọng và vai trò của các thảo dược truyền thống trong hỗ trợ điều trị ung bướu.

Giáo sư Đào Văn Phan đánh giá hiệu quả của các hoạt chất quý được chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên như Curcumin (nghệ), Fucoidan (rong nâu), NotoGinseng (tam thất) trong hỗ trợ chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư.

Tọa đàm cũng đề cập đến các vấn đề về dinh dưỡng, cách kiểm soát các cơn đau và những bệnh mắc kèm, kiểm soát những biến chứng khi dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, cách chăm sóc vết loét, hoại tử cũng như việc sử dụng morphin trong chăm sóc giảm đau và cân nhắc việc dừng điều trị ung thư...

/ Thuỳ Giang/Vietnamplus.vn