Trước thềm hội nghị thượng định được mong chờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Nhà Trắng nhiều lần nhấn mạnh Washington sẽ không nhượng bộ.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders hôm 23-4 cho biết Mỹ "không ngây thơ trong quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và sẽ không lặp lại sai lầm từ các chính quyền trước đó".
Bà Sanders khẳng định Washington sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa, không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân. Bà Sanders cũng nói rằng Mỹ đã nhìn thấy một số bước đi đúng hướng nhưng vẫn còn một chặng đường dài trước khi đạt được kết quả.
Lạc quan thận trọng
Trước đó, ngày 20-4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố "những công việc liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của nước ông đã hoàn thành nên không cần phải kiểm tra khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nữa".
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders. Ảnh: AP
Cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump hoan nghênh bước đi tích cực của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông thừa nhận cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên "còn lâu mới kết thúc".
"Triều Tiên đã đồng ý tạm ngừng tất cả hoạt động thử nghiệm hạt nhân và đóng cửa một địa điểm thử nghiệm hạt nhân lớn. Đó là tin tốt cho Triều Tiên và thế giới, một sự tiến bộ đáng kể. Hãy chờ đợi hội nghị thượng đỉnh của chúng tôi" - Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter.
Nhưng ông cũng khẳng định Mỹ sẽ không nhượng bộ cho đến khi Triều Tiên loại bỏ (ít nhất một phần) chương trình vũ khí gây tranh cãi.
Hôm 23-4, khi được hỏi về tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có phải là một dấu hiệu tích cực, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng có lý do để lạc quan về điều đó. "Ngay bây giờ, tôi nghĩ có rất nhiều lý do để lạc quan rằng các cuộc đàm phán sẽ thành công" – ông nói.
Tuần trước, ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ ông đã đề cập tới vụ những công dân Mỹ bị giam cầm ở Triều Tiên khi đến thủ đô Bình Nhưỡng. Bản thân Tổng thống Donald Trump cũng đang làm hết sức mình để đưa những công dân Mỹ này trở về.
Triều Tiên không vừa
Trước các cuộc đàm phán tiềm tàng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Trump, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, Triều Tiên tiếp tục thể hiện sự nhượng bộ.
Hồi tháng trước, ông Kim nói với một phái đoàn Hàn Quốc rằng ông "hiểu" sự cần thiết của việc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận quân sự chung. Đầu tuần này, ông từ bỏ điều kiện quân đội Mỹ phải rời khỏi Hàn Quốc thì mới ngồi vào bàn đàm phán.
Ông Kim Jong-un trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 3. Ảnh: KCNA
Đài CNN dẫn một nguồn tin từ Triều Tiên cho biết ông Kim đã quyết định mở ra một chương mới cho đất nước của mình bằng cách "từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tập trung vào tăng trưởng và cải thiện kinh tế".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhận ra con đường tốt nhất phía trước là bình thường hóa quan hệ với các nước khác. "Cuối cùng, ông ấy cũng được cộng đồng quốc tế công nhận và đây là một cơ hội lịch sử, kịp thời" - nguồn tin bình luận.
Tuy nhiên, giám đốc Adam Mount tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), nhận định Bình Nhưỡng có thể đang muốn kéo dài thời gian và tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của quốc tế liên quan tới việc giải trừ vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, Giám đốc về Chính sách Giải trừ vũ khí và Giảm thiểu nguy cơ tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA – Mỹ) Kingston Reif, bình luận rằng việc Triều Tiên chấm dứt việc hoạt động thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) là bước tiến lớn và đáng khích lệ.
"Nhưng dường như Kim Jong-un tin rằng ông đang đàm phán dựa trên vị thế mạnh mẽ và cố gắng mô tả Triều Tiên như một nhà nước hạt nhân chính danh, có trách nhiệm và tìm kiếm sự công nhận (của cộng đồng quốc tế)" - ông Reif nói.
Bãi thử hạt nhân vô dụng?
Các nhà khoa học Trung Quốc kết luận bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên đã sập một phần và có thể không sử dụng được nữa. Theo đó, sau vụ thử cuối cùng vào tháng 9 năm ngoái, địa điểm này hứng chịu hàng loạt dư chân, khiến một phần ngọn núi Mantap ở đó đổ sập.
Đó có thể là lý do đằng sau lời thông báo ngừng thử hạt nhân (và tên lửa) của ông Kim Jong-un vào cuối tuần trước. Bãi thửPunggye-ri là nơi diễn ra toàn bộ 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên từ (năm 2006 tới nay).
Cuộc nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc mới đây cho hay khoảng 8,5 phút sau vụ thử hồi tháng 9-2017, đã có "sự đổ sập gần như thẳng đứng" tại bãi thử Punggye-ri. Báo cáo của Cơ quan Động đất Cát Lâm vào tháng trước đưa ra kết luận tương tự.
Ngoài ra, các nhà khoa học Trung Quốc lo ngại hư hại tại bãi thử Punggye-ri có thể làm rò rỉ hạt nhân và ảnh hưởng tới các nước láng giềng.
Phạm Nghĩa (Theo CNN)
Các xung đột có thể gây đổ vỡ thượng đỉnh Mỹ - Triều Những nhận thức trái ngược hay kỳ vọng không giống nhau giữa Mỹ và Triều Tiên có thể là nguyên nhân khiến cuộc gặp thượng ... |
Trump có thể hiểu lầm tuyên bố ngừng thử hạt nhận của Kim Jong-un Trong khi Mỹ cho rằng Triều Tiên ám chỉ họ sẽ cam kết phi hạt nhân hóa, Bình Nhưỡng có thể chỉ đang tái khẳng ... |
Lời nhắc nhở từ quá khứ cho ông Trump Các nỗ lực trước đây thường chỉ nửa vời, đem những "lại quả" kinh tế ngắn hạn ra đổi lấy việc đóng băng tạm thời ... |