Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã và đang xây dựng kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động. Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội cuối năm 2023 vẫn còn những khó khăn, nhưng sau một năm làm việc, hầu hết, người lao động đều hy vọng có thêm khoản tiền thưởng để sum vầy cùng gia đình hoặc trang trải sinh hoạt trong những ngày Tết.

Mong không giảm thưởng

Những ngày qua, một số doanh nghiệp tập trung đông công nhân lao động ở khu vực phía Nam đã công bố kế hoạch thưởng Tết sớm để động viên người lao động yên tâm sản xuất. Với người lao động, thời điểm cuối năm, thưởng Tết là mối quan tâm hàng đầu. Chị Nguyễn Thu Trang, công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, trừ thời điểm bùng dịch Covid-19, chưa khi nào công việc cầm chừng như năm nay. Trong bối cảnh khó khăn, công ty có đơn hàng, công nhân được đi làm ca hành chính đã là điều may mắn. Cách đây hơn 2 năm, thu nhập của nữ công nhân này luôn ở mức trên 10 triệu đồng/tháng. Còn hiện nay, mức thu nhập chỉ dừng lại ở 7 triệu đồng/tháng. Vì thu nhập hàng tháng giảm, nên với chị Nguyễn Thu Trang thưởng Tết sẽ là một khoản “cứu cánh” để bù đắp những chi tiêu đột xuất cuối năm.

5
Doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn coi thưởng Tết là cách “giữ chân” người lao động, tăng năng suất làm việc

Nhắc đến thưởng Tết, anh Phạm Tuấn Linh - nhân viên thị trường tại một công ty bất động sản trên địa bàn TP Hà Nội chia sẻ, thu nhập bình quân mỗi tháng của anh khoảng 15 triệu đồng. Ngoài tiền lương cơ bản, anh Linh sẽ nhận được tiền thưởng KPI. Năm 2023, anh Phạm Tấn Linh cùng các đồng nghiệp nhận tiền thưởng Tết Dương lịch là 2 triệu đồng, tiền thưởng Tết Nguyên đán là một tháng lương. Năm nay, trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên công ty anh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, anh và các đồng nghiệp hy vọng tiền thưởng Tết được bằng năm ngoái chứ không dám mong nhiều hơn.

Là viên chức tại một đơn vị sự nghiệp có thu ở Hoàn Kiếm, Hà Nội chị Hoàng Hà cho hay, chị và các đồng nghiệp cũng đang “ngóng” thông tin lương, thưởng Tết. Tết năm 2023 các khoản thu cuối năm của cơ quan đều bị ảnh hưởng sau dịch bệnh Covid-19. “Năm nay, báo cáo tài chính 6 tháng, kinh tế vẫn chưa được cải thiện, có thời điểm đơn vị cắt giảm chi tiêu để ứng phó với khó khăn. Thời điểm này, đơn vị chưa tiết lộ kế hoạch thưởng Tết, nên tôi và đồng nghiệp cũng thấp thỏm lắm” - chị Hoàng Hà chia sẻ.

7
Doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn coi thưởng Tết là cách “giữ chân” người lao động, tăng năng suất làm việc

Khó khăn vẫn thưởng

Tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng, giảm sức chống chọi sau đại dịch. Đi cùng với sự thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là số người lao động mất việc làm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong quý III-2023, cả nước có hơn 118.000 lao động bị mất việc, tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày và phần lớn ở hai tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ là Bình Dương và TP.HCM.

Tiền thưởng Tết Nguyên đán có nơi tăng 11%

Năm 2023, do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào thưởng Tết Nguyên đán, cho nên tiền thưởng Tết Dương lịch giảm, bằng 91% so với năm 2022 (bình quân là 1,24 triệu đồng/người). Trong khi đó, tiền thưởng Tết Nguyên đán tăng 11% so với năm 2022 (bình quân là 6,86 triệu đồng/người). Mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là 1,004 tỷ đồng, thuộc về một doanh nghiệp dân doanh ở Đà Nẵng.

Tương tự, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, tình hình việc làm, cũng như con số lao động thất nghiệp không mấy khả quan. Cụ thể, trong quý III-2023, cả nước ghi nhận 1,079 triệu người trong độ tuổi thất nghiệp, tăng 6.300 người so với quý II-2023. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm nhiều khiến lao động sa thải, hoặc tự sa thải khi tiền lương thấp, không đủ sống.

Dự báo về tình hình thưởng Tết năm 2024, các chuyên gia trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực cho rằng, mức thưởng Tết năm nay của các doanh nghiệp quốc doanh sẽ cao hơn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Còn nếu chia thành hai mảng sản xuất và dịch vụ thì mảng dịch vụ sẽ có mức thưởng cao hơn bởi số lượng nhân viên của doanh nghiệp chuyên về dịch vụ ít hơn một doanh nghiệp sản xuất.

Khảo sát tại một số doanh nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, thủ phủ công nghiệp phía Bắc hiện nay, một số doanh nghiệp đang bắt đầu xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động. Thời điểm cuối năm, thưởng Tết đang là nỗi lo của nhiều chủ sử dụng lao động, không chỉ ở phía Bắc mà ở tất cả các địa phương. Mặc dù đơn hàng giảm, tình hình kinh doanh ảm đạm hơn năm ngoái, song đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, họ vẫn cố gắng xoay xở, tìm nguồn để chăm lo Tết cho người lao động.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 vẫn còn những khó khăn, mặc dù phần lớn số doanh nghiệp đảm bảo được đời sống, việc làm cho người lao động, song một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng, hoặc trong một thời gian dài dưới tác động ảnh hưởng nặng nề kéo dài của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã suy giảm sức chống chọi.

Nhận định về tình hình thưởng Tết năm 2024, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng sẽ có nhiều khó khăn. Để chăm lo cho người lao động dịp Tết 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giao công đoàn cơ sở giám sát việc chi trả các chế độ lương, thưởng Tết cũng như thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tăng ca hợp lý cho người lao động. Theo kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, doanh nghiệp cần công khai kế hoạch thưởng Tết chậm nhất trước ngày 19-1-2024.

Cũng theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Nhưng với người lao động, dù khó khăn bao nhiêu thì vẫn mong ngóng tiền thưởng Tết. Thưởng Tết ngoài giá trị vật chất còn là động viên tinh thần lớn của người lao động. Doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn coi thưởng Tết là cách “giữ chân” người lao động, tăng năng suất làm việc. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giao cấp cơ sở phân loại mức độ khó khăn của doanh nghiệp để lựa chọn hình thức thương lượng phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho lao động.

Báo cáo về tình hình tiền lương, thưởng trong doanh nghiệp trước ngày 25-12-2023

Để nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đồng thời triển khai các giải pháp góp phần ổn định quan hệ lao động, nhất là trong dịp giáp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đề nghị Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong doanh nghiệp trước ngày 25-12-2023. Khi có tranh chấp lao động, đình công phát sinh cần nhanh chóng nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ các bên tiến hành đối thoại, thương lượng để giải quyết bất đồng, không để đình công xảy ra kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.

Phạm Phương / ANTĐ