Vừa qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã có công văn gửi đến các Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố thuộc hệ thống của GHPGVN, yêu cầu loại bỏ mê tín dị đoan, tục đốt vàng mã tại các chùa chiền.
Thật ra, đây là chủ trương xuyên suốt của GHPGVN từ lâu nay, song cho đến hiện tại, tình trạng đốt tiền vàng mã, cầu cúng, lễ bái theo kiểu mê tín vẫn còn diễn ra ở rất nhiều nơi. Vẫn còn quá nhiều người xem đó như là một “hoạt động tâm linh” không thể thiếu chứ không hề ý thức đó chỉ là mê tín.
Và cũng từ nhiều năm qua, có một vị Thượng tọa đã lên tiếng quyết liệt về tình trạng mê tín này trong Phật giáo, đó là Thượng tọa Thích Huệ Đăng, UV Hoàng Pháp TƯGHPGVN, Trụ trì chùa Thành Quang (Đà Lạt).
Nhân việc TƯGHPGVN ra công văn yêu cầu loại bỏ mê tín, đốt vàng mã tại chùa chiền vừa qua, Thoimoi.vn trích đăng lại bài phỏng vấn Thượng tọa Thích Huệ Đăng xung quanh vấn đề này:
PV: Thưa Thượng tọa, ngày nay có rất nhiều người băn khoăn về việc hiểu và ứng dụng chân lý Phật giáo vào trong cuộc sống thế nào cho đúng. Bởi bây giờ người theo Phật càng nhiều nhưng hiện tượng mê tín, cầu cúng, dựa dẫn thánh nhân lại tăng lên, mà đó không phải là chân lý nhà Phật. Thầy nghĩ sao?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Nhiều người học lý thuyết chứ chưa ứng dụng, còn thầy là người học chân lý Phật giáo để ứng dụng. Năm 1983, thầy đến Đà Lạt với hai bàn tay trắng, không có sự nghiệp. Bây giờ có sự nghiệp, có dự án, gần 50 kỹ sư đang ở với thầy, tiền lương thầy trả, thầy dạy yoga, dạy chân lý Phật giáo để họ làm tròn nhiệm vụ của nhân thừa.
Đức Phật để lại ngũ thừa: Nhân thừa, Thiên thừa, Thinh Văn thừa, Bồ Tát thừa và Phật thừa. Trong đó, Phật thừa là tâm lực, trí lực và pháp lực. Là kỹ sư hàng tháng có cơm ăn, tập Yoga, học chân lý Phật giáo, còn tiền lương gửi về cho gia đình thì có hạnh phúc không? Cha mẹ các em lo tiền cho đi học Đại học, có khi vay tiền ngân hàng, có khi đi làm ruộng, làm thuê làm mướn, bây giờ con cái có tiền lương gửi về hàng tháng - đó là nhân thừa. Hàng sáng vào lúc 5 giờ, tất cả họ ngồi tập Yoga - đó là thực hành Thinh văn thừa. Còn công việc là làm khoa học, là trí thức - đó là Thiên thừa. Tới buổi chiều được thầy dạy giáo lý Đại thừa - là Bồ Tát thừa. Thời gian còn lại, các bạn ấy làm việc, ứng dụng những gì đã học vào trong công việc. Ở Viện Nghiên cứu và ứng dụng Buddha Yoga này học là ứng dụng, chứ không phải học rồi bỏ trong tủ. Điều này khác ở các chùa hay các trường Phật học khác.
Thầy thấy nhiều người hiện nay rất mơ hồ về cái nào gọi là chân lý Phật giáo, họ không hiểu, không ứng dụng được. Ở đây, các kỹ sư điều thân, điều tức để có sức khỏe, học chân lý Phật giáo là điều tâm để có trí tuệ. Ban ngày họ đổi sức khỏe, trí tuệ để lấy đồng tiền. Tới chiều, thầy lại trả lại trí tuệ và sức khỏe. Vì vậy, làm ra đồng tiền đừng mất tâm, mà sử dụng đồng tiền cũng đừng mất tâm. Với mấy chục bạn trẻ là kỹ sư đang ở cùng thầy, thầy xem họ như con cháu, thầy làm sao để chúng có hạnh phúc. Đó là bổn phận của người tu.
Trong vườn sâm Ngọc Linh của Thượng tọa Thích Huệ Đăng |
PV: Hẳn là nhiều người đều thấy con đường tu học của thầy rất khác lạ so với những gì mà người ta thường nhìn thấy về hình ảnh một thầy tu, một vị sư ở các chùa khác. Thượng tọa là bậc tu hành, vốn là một giảng sư Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại đi bán lan ngoài chợ, đi nghiên cứu làm sâm Ngọc Linh để tặng người nghèo... Thượng tọa chia sẻ gì về điều này?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Ta định nghĩa tu là gì? Là phải có sức khỏe, có trí tuệ, có uy tín. Bất cứ hệ thống nào cũng phải đi tới đích đó. Sức khỏe là phải do tập luyện, trí tuệ là phải nhờ có triết lý của Phật giáo hỗ trợ khai mở. Thứ ba là ứng dụng trí tuệ, sức khỏe ấy vì cộng đồng, là có uy tín. Thầy chủ trương sửa lại, khác mọi người là ở chỗ đó. Nhưng quan trọng là làm được với tâm rộng lớn như biển cả thì sẽ khác. Chứ tu không phải chỉ là hình thức cầu cúng, lễ bái linh đình, nếu Phật giáo chỉ chủ trương như vậy thì người tu rất dễ rơi vào con đường mê tín.
Thượng tọa Thích Huệ Đăng bán lan trong công viên 23-9 (TP HCM) |
PV: Và con đường tu này của Thượng tọa có vẻ đơn độc như chính câu thơ mà Thượng tọa đề ngoài cổng chùa: “Một chiếc xuồng con lội ngược dòng…”?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Đức Phật là thái tử, con của vua Tịnh Phạn, dòng dõi Bà La Môn giáo mà đã bỏ hết tất cả để “lội ngược dòng” về triết lý Buddha. Thầy là một thầy tu, một giảng sư Trung ương mà tại sao lại trồng lan, rồi ra chợ bán lan tới 18 năm rồi. Đó chính là đang lội ngược dòng”.
Cái đích cuối cùng của việc lội ngược dòng này là để luyện tâm. Làm ra đồng tiền đừng mất tâm, mà sử dụng đồng tiền cũng đừng mất tâm. Và là để trừng tâm: Tâm hy sinh, tâm nhẫn nhục, tâm siêng năng. Bây giờ một vị Thượng tọa làm trụ trì ngồi trong chùa như vậy, có ai dám nói nặng nói nhẹ. Nhưng khi ra chợ mang lan giao cho người ta, người ta chửi mắng là chuyện bình thường, đó là luyện tâm.
PV: Khi đã thành lập Viện Nghiên cứu và ứng dụng Buddha Yoga, Thượng tọa sẽ mở rộng và phát triển pháp môn này ra rộng rãi cộng đồng như thế nào?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Đó là nỗi trăn trở lớn nhất của thầy lúc này, thầy nay đã 80 tuổi rồi, thời gian để có thể làm việc không còn được nhiều nữa. Thầy trăn trở làm sao để lại được những kiến thức và ứng dụng yoga của ngài Buddha cho cộng đồng. Hiện tại, ngoài Viện chính tại Đà Lạt thì Buddha Yoga cũng đã có mặt tại Hà Nội, TP Vũng Tàu và sắp tới là TP.HCM. Thầy muốn tìm người kế thừa, phải là người chân thật và có tâm rộng lớn thì mới được. Nhưng người đó không phải dễ tìm. Vì vậy, thầy có làm một bài thơ “Tìm người chân thật lại khó/ Đưa người trở về chân thật lại càng khó hơn/ Cuộc sống không chân thật là cuộc sống vô nghĩa/ Việc làm không chân thật là việc làm thiếu đạo đức”.
Thượng tọa Thích Huệ Đăng đang giảng triết lý Phật giáo tại lớp Buddha Yoga. |
PV: Thưa Thượng tọa, thầy có nghĩ rằng việc đưa pháp môn yoga này ra xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn không khi mà nó quá khác lạ so với những pháp môn tu học còn lại đang phổ biến hiện nay; nó cũng giống như Thượng tọa đang lội ngược dòng nước xiết?!
Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Sự thật là rất nhiều khó khăn vì bây giờ người ta nghĩ tới cá nhân nhiều và sống với tâm không chân thật. Mà như vậy thì không thể thành tựu. Cũng như bây giờ nhiều người theo Phật nhưng theo hình thức, phong trào và mê nhiều hơn là ngộ. Họ theo Phật nhưng không hiểu Phật và vì thế dễ đi đến việc làm sai lời Phật. Như chuyện Phật đâu có dạy cúng kiếng, lễ bái, cầu xin Phật, Thánh điều gì nhưng bây giờ người ta làm thế nhiều quá.
Ngày xưa, Đức Phật luyện tâm hy sinh, tâm nhẫn nhục là mang bát đi xin ăn, để được sống chân thật. Thầy hiện đang học và thực hành theo con đường đó của Phật. Bây giờ, người ngoài nhìn thầy là thầy tu mà đi làm doanh nghiệp, thầy học 2 khóa giảng sư trung ương trong 7 năm, giảng trường đại học nhưng lại có hình tướng của người ra chợ bán lan. Giảng là một lẽ, còn tu là một lẽ khác. Mình phải luyện tâm hy sinh, tâm nhẫn nhục. Con người có cái “ngã”, mà phải mang bát đi xin ăn mới dẹp được cái “ngã”; thầy thì đi ra chợ bán lan mới dẹp được cái “ngã” khi người ta chửi, người ta mắng, mình vẫn nhịn nhục được 18 năm, khi đó cái tâm mới an. Dẹp bản ngã thì trí tuệ mới hiện được ra. Cái ngã to quá, động vào đã la um sùm thì làm sao cái trí hiện ra được!
Lộ trình ứng dụng Trí tuệ và sức khỏe vào cuộc sống đi đến an lạc và hạnh phúc của pháp môn Buddha Yoga của Thượng tọa Thích Huệ Đăng được chia làm ba giai đoạn như sau: Giai đoạn 01: thực hành các bài tập Yoga thể chất để thải độc tố và có cơ thể dẻo dai khỏe mạnh. Đây là thời kỳ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cơ thể sẵn sàng cho giai đoạn thực hành các pháp môn yoga cao cấp hơn. Giai đoạn 02: khi đã chuẩn bị tốt được về mặt sức khỏe và phát tâm từ bi rộng lớn, chúng ta thực hành điều tức với ba pháp môn Yoga (Kriya yoga, Sushumna yoga và Chakra yoaga để tạo được tâm lực, trí lực, đây là lấy trí tuệ làm mẹ, đồng thời học và thông hiểu ngành nghề thế gian (ngũ minh) để chuẩn bị cho lộ trình hòa nhập và làm lợi ích cho cộng đồng. Giai đoạn 03: Thực hành điều tâm bằng chân lý Phật giáo với ba bộ kinh căn bản là Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bát Nhã và Kinh Lăng Già. |
Có một hòa thượng đi bán lan Đã 15 năm nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, trong khuôn viên tại Công viên 23-9 TP HCM, hơn 100 chậu hoa địa lan ... |
Làm kinh tế theo lời Phật dạy Từ xưa đến nay, hình như chẳng ai nói rằng, nhà sư phải làm kinh tế để tự nuôi mình và cứu độ chúng sinh ... |