Triết lý của Phật giáo cho rằng, phóng sinh thể hiện tình yêu đối với môi trường, thiên nhiên cũng là cách giúp cho tâm hồn mình thanh thản. Thế nhưng những cảnh tượng, hành vi như dùng vợt, chích điện vợt cá vừa phóng sinh, lợi dụng thiện tâm để tăng giá… liệu có thể hiện được các mục đích đó không hay càng làm cho cả xã hội thêm trăn trở?

thuong toa thich nhat tu nen bo tuc phong sinh

Chia sẻ

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Và, không phải dĩ nhiên, trả lời Báo Lao Động, thượng tọa Thích Nhật Từ lại kiến nghị nên bỏ tục phóng sinh?

Khi phóng sinh biến thành “phóng tử”

Đầu năm, nhất là Rằm tháng Giêng, nhiều người phát nguyện ăn chay, phóng sinh để cầu an lành cho cha mẹ.

Phóng sinh vốn dĩ là một nét đẹp tín ngưỡng tôn giáo, song thói quen “phóng sinh cho có lệ” của một số người, hay cách hành xử thiếu văn hóa của các tiểu thương mua bán vật phóng sinh khiến nét đẹp này trở nên phản cảm, thậm chí được coi “sát sinh”.

Chia sẻ với Lao Động, đại đức Thích Giác Tính (chùa Khai Nguyên) cho rằng, việc dùng kích điện săn những con cá vừa thả phóng sinh để bắt lại và bán cho người khác, làm xa rời và mất đi ý nghĩa ban đầu của tục phóng sinh.

Ở góc độ đạo Phật, việc phóng sinh giúp tăng lòng từ bi đối với muôn loài và thiên nhiên, bởi “trời đất có đức hiếu sinh, vạn vật đều yêu sự sống”. Những hành động như chờ sẵn để bắt cá, chim phóng sinh xuất phát từ lòng tham của họ. Người đi chùa hay có ý định làm lễ phóng sinh không được tiếp tay cho những kẻ cơ hội trục lợi từ hành động mang tính từ bi của mình”, đại đức Thích Giác Tính cho hay.

Còn đại đức Thích Đạt Ma Nguyện Chánh (Thiền viện Trúc lâm Sùng Phúc, Long Biên) chia sẻ, việc lợi dụng tâm lý đầu năm thả vật phóng sinh cầu may của người dân để tăng giá là hành vi không trung thực, khởi phát từ tâm tham lam, ắt sẽ mang hậu quả về sau.

“Việc thừa cơ tăng giá vật phóng sinh, lợi dụng thiện tâm của người khác đã là tội lỗi, nay, lại dùng vợt, chích điện bắt lại vật đã phóng sinh còn tội lỗi gấp bội lần. Nên nhớ: Chim bay trên trời, cá bơi dưới nước vốn dĩ chẳng cần ai phải phóng sinh. Việc bắt chúng về để phục vụ cho nhu cầu phóng sinh rất trái với tự nhiên”, sư thầy Nguyện Chánh cho hay.

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa VIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng - chia sẻ tinh thần phóng sinh của Phật giáo là tốt, đó là tinh thần hiếu sinh, tình thương của con người khi thấy các loại chúng sinh có sinh mạng bị bắt, có nguy cơ bị giết hại liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc, phóng thích sự tự do và mạng sống của con vật đó được đảm bảo. Tuy nhiên, việc phóng sinh phải xuất phát từ tâm và đúng cách, hành động lợi dụng tục phóng sinh để trục lợi không chấp nhận được.

“Tôi rất buồn khi chứng kiến việc phóng sinh vốn là việc tốt nhưng lại làm ảnh hưởng tới môi trường, gây tổn hại cho các loài sinh vật. Hơn nữa, chính nhu cầu phóng sinh của con người đã thúc đẩy người khác đi săn bắt các loài vật về bán kiếm lời. Có những con vật cần bảo vệ, nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên, nhưng lại bị bắt, đem bán cho người đi mua để phóng sinh khiến con vật rơi vào nguy hiểm, chưa chắc đã sống được. Như vậy là vẫn trong cái vòng luẩn quẩn, mất ý nghĩa phóng sinh”, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, phóng sinh các loài chim, cá, ốc, rùa... là tâm linh, tín ngưỡng rất đẹp của người Việt, góp phần tạo nên sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, nhất là trong bối cảnh hiện nay - môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Chính vì vậy, việc lợi dụng thiện tâm của người khác để trục lợi, làm giàu bất chính là trái với đạo lý nhà Phật.

“Nhà Phật dạy, phóng sinh tức là nhìn thấy chúng sinh bị bắt nhốt, giam giữ hay gặp nạn thì mở lòng từ bi tìm cách cứu giúp, giải thoát, cứu mạng sống của chúng sinh. Điều này xuất phát từ lòng nhân hậu, từ bi của mỗi con người.

Nếu phóng sinh thực hiện không đúng cách thì chỉ là mê tín dị đoan và mang tính chất hình thức. Nhiều khi phóng sinh lại biến thành “phóng tử”, gây thêm nghiệp ác, nhất là những kẻ lấy việc động phóng sinh để phô trương, hoặc chính vì nhu cầu phóng sinh mà nhiều loài chim, cá... bị bắt, rồi đem bán, đẩy giá cao”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho hay.

Nguyên Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bình luận, sở dĩ có việc lợi dụng tâm lý thả vật phóng sinh cầu may để tăng giá do sự buông lỏng quản lý văn hóa ở các địa phương. Nếu giới chức trách địa phương siết chặt quản lý thì sẽ không xảy ra tình trạng này.

Trước đó, Thượng tọa Thích Thanh Huân - Phó Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang phối hợp với Tổng Cục thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xem phóng sinh các loại vật vào môi trường như thế nào để chúng có thể tái tạo sức sống, không bị chết trong môi trường tự nhiên. Từ đó nghiên cứu, đề xuất danh mục những loài vật có thể phóng sinh và môi trường nào thì thích hợp để phóng sinh.

“Người phóng sinh còn mắc tội thúc đẩy sát sinh”

Nhiều nhà sư cho rằng, với điều kiện như ở Việt Nam hiện nay, tốt nhất không nên phóng sinh. Bởi phóng sinh hiện đang bị biến tướng và người phóng sinh còn mắc tội thúc đẩy sát sinh, do hành động tìm mua con vật để phóng sinh đã thúc đẩy việc người ta đi bẫy chim, bắt cá, làm tổn hại tới những loài sinh vật mà họ chọn để phóng sinh.

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ với Báo Lao Động, phóng sinh đúng nghĩa phải là sự tình cờ, chứ không đặt hàng. Ví như, khi ra đường thấy một con chó đang bị bắt, vì thương cảm, người thiện tâm đã bỏ tiền ra mua sự sống của nó, đưa nó trở về với thế giới tự do.

Thượng tọa không khích lệ việc phóng sinh theo kiểu đặt hàng. Theo đó, có rất nhiều con vật phóng sinh bị bắt, được thả vào thiên nhiên nhưng sau đó lại bị bắt lại, nhiều lần như vậy cho đến khi chết. Trước khi được phóng sinh, con vật đã bị đánh bắt chỉ vì nhu cầu phóng sinh, bị giam cầm, sống trong tình trạng hoảng sợ, lo lắng, kiệt sức.

Bên cạnh đó, theo thượng tọa Thích Nhật Từ, tục phóng sinh hiện đang bị biến dạng. Bởi nhiều người coi đây là cơ hội, miếng mồi béo bở để kiếm tiền.

“Việc tăng giá vật phóng sinh gấp 2 lần đã khó chấp nhận, huống chi 8-10 lần. Đó là thói quen rất xấu của một số tiểu thương Việt Nam. Chúng ta đã hội nhập với thế giới, phải tập làm quen với các phương thức kinh tế, bỏ thói “chặt chém”, thượng tọa nói.

“Các Phật tử phải ý thức rõ, thay vì chi quá nhiều tiền cho việc phóng sinh, hãy quy đổi số tiền dự kiến sẽ phóng sinh trong 1 năm để làm việc thiện, cứu đời giúp người. Đạo Phật lấy con người làm chính, là trung tâm, sau đó mới đến các con vật”, thượng tọa nêu rõ.

Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất, nên bỏ tục lệ phóng sinh, vì phóng sinh là vô tình khuyến khích người khác bẫy, bắt chim, thả cá rồi lại bắt... Không có người phóng sinh thì không ai bắt vật phóng sinh, và khi đó muôn loài sẽ tự do.

“Phóng sinh là khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, mình bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Phóng sinh xuất phát từ lòng thiện của con người, không vì một mục đích gì cả, và cũng không cần công khai cho người khác biết. Đó mới là ý nghĩa thực sự của phóng sinh”.

Ngoài ra, thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng, những ngày đầu năm, khi đến chùa, thay vì cầu nguyện, xem quẻ, xem tướng, đốt vàng mã - những việc làm trái với văn hóa Phật giáo thì hãy tĩnh tâm, tụng kinh, nghe đạo lý nhà Phật, cứu đời giúp người. Bản chất của Phật pháp là phục vụ dân sinh, hướng dẫn tận tâm, tận tình giúp con người vượt qua nỗi đau, sống lương thiện hơn. Còn việc may rủi, tốt xấu phụ thuộc vào hành động, động cơ sống, lối sống của con người dẫn đến tiến trình nhân quả. Nó là một quy luật rất tự nhiên.

thuong toa thich nhat tu nen bo tuc phong sinh Đồ phóng sinh "bủa vây" cửa chùa ngày Rằm tháng Giêng

Lợi dụng tâm lý đầu năm thả vật phóng sinh cầu may của người dân, các tiểu thương đã mang vật phóng sinh đến các ...

thuong toa thich nhat tu nen bo tuc phong sinh Toàn cảnh Lễ phóng sinh lớn nhất Hà Nội

Mỗi giỏ cá thả xuống sông Hồng trong Lễ phóng sinh lớn nhất Hà Nội diễn ra hôm nay (25.2) tại làng Bát Tràng đều ...

thuong toa thich nhat tu nen bo tuc phong sinh Điểm phóng sinh thành "hồ nilon" sau ngày ông Công, ông Táo

Sau ngày ông Công, ông Táo thì một điểm phóng sinh cá đã biến thành "hồ nilon".

/ https://laodong.vn