Từ ngày 11 đến 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tổ chức Phiên họp lần thứ 14, tập trung xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi). Đây là phần việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Thời gian qua, cuộc đấu tranh PCTN được Đảng, Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, nhưng tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng thì nhiều song một phần do những yếu kém, hạn chế trong việc xây dựng và thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực này; nhất là hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, vẫn còn cơ chế “xin-cho” tạo kẽ hở cho “cửa quyền”, “sách nhiễu” khi thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức;...
Do vậy, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Luật PCTN (sửa đổi) chính là để góp phần củng cố hành lang pháp lý toàn diện, đủ mạnh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi giặc “nội xâm” trong tình hình mới. Dư luận kỳ vọng, khi luật bổ sung được hoàn thiện, một mặt sẽ góp phần bịt kín các lỗ hổng trong tổ chức và hoạt động của quyền lực Nhà nước, có nguy cơ tạo ra tham nhũng, tiêu cực; mặt khác, sẽ là phương tiện hữu hiệu để cưỡng chế, răn đe, xử lý nghiêm minh các hành vi ấy.
Ảnh minh họa/ TTXVN.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh PCTN, việc thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu; thể hiện ở tất cả các khâu: Xây dựng luật, thực thi luật, nhất là việc cụ thể hóa luật thành các văn bản dưới luật ở các cấp, ngành, địa phương. Trong đó, việc xây dựng luật là nền tảng, việc thực thi pháp luật giữ vai trò quyết định đến hiệu quả PCTN.
Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tích cực phòng ngừa và kịp thời phát hiện những hành vi tham nhũng, tiến hành một cách kiên quyết, triệt để, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không gây oan người vô tội; đề cao trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tránh tình trạng áp đặt, chỉ đạo vụ này xử nặng, vụ kia xử nghiên cứu… mà phải căn cứ vào tính chất sự vụ, vụ án tham nhũng để xử lý theo pháp luật-phải thượng tôn pháp luật trong mọi trường hợp, mọi tình huống.
Quan điểm của Đảng ta là: Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai mọi hành vi tham nhũng không phân biệt đó là ai, giữ chức vụ gì, làm ở đâu; không bao che, né tránh khuyết điểm, nhưng làm thận trọng, khách quan, đúng pháp luật. Đó là cách Đảng, Nhà nước nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, xử lý thích đáng các vụ đại án tham nhũng thời gian qua. Tuy vậy, việc đấu tranh PCTN là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, vì vậy, cần tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung, các quy định về PCTN nói riêng để tạo hành lang pháp lý ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu của công tác PCTN hiện nay.
Theo đó, pháp luật phải đồng bộ, phù hợp, khả thi, chặt chẽ để không bị lợi dụng. Luật PCTN phải là công cụ-quả đấm thép ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Cơ quan chỉ đạo ở Trung ương, Chính phủ, Quốc hội cần phát huy hơn nữa vai trò đầu mối chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc... kết quả lập pháp, thực thi pháp luật trong hoạt động PCTN trên cả nước; đồng thời cần mở rộng quyền tiếp cận của công dân tại nơi cư trú của cán bộ phụ trách các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng để cộng đồng giám sát.
BOT là mảnh đất màu mỡ cho nhóm lợi ích "tay không bắt giặc" Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, một số nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc”, trúng thầu không làm gì, chỉ đem bán ... |
Kể tội BOT: Tay mơ "bắt giặc", trây trét thu tiền Nhiều chủ đầu tư BOT giao thông năng lực tài chính có dấu hiệu không bảo đảm theo quy định; chất lượng thi công có ... |
Đâu là giới hạn của thông tin tố giác tội phạm? Công an điều tra vụ án ma túy, có văn bản đề nghị doanh nghiệp cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động phạm tội ... |
(http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/thuong-ton-phap-luat-diet-giac-noi-xam-518192)