Nhờ chiến dịch xử lý vi phạm nồng độ cồn của ngành Công an triển khai quyết liệt nên Tết vừa qua tai nạn liên quan rượu bia giảm rõ rệt.

Trao đổi với Báo Giao thông, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định tuân thủ các quy định pháp luật, người dân sẽ an toàn hơn.

Thượng tôn pháp luật, tai nạn sẽ giảm 1

Ông Khuất Việt Hùng

Quyết liệt xử lý nồng độ cồn, tai nạn giảm

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý tăng gần 600% so với cùng kỳ năm 2022. Ông đánh giá thế nào về con số này?

Cuối năm 2022, với tinh thần quyết liệt, không can thiệp, không có vùng cấm, Bộ Công an đã triển khai cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết, trong đó tập trung mạnh vào xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn. Lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 7.726 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, tăng 6.620 trường hợp (598%) so với cùng kỳ.

Nguyên nhân là do việc uống rượu bia trong các dịp lễ, Tết đã trở thành một thói quen, tập quán không chỉ của người Việt Nam.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 1/1 hàng năm luôn là ngày có số TNGT nhiều, trong đó chủ yếu liên quan bia, rượu.

Theo Nghị định 100/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi điều khiển mô-tô, xe máy (gồm cả xe máy điện) mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn, mức xử phạt đối với người vi phạm đã rất cao và không có sự du di nào cả.

Có thể nói, chưa bao giờ một Nghị định khi ra đời lại nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao như vậy của nhân dân.

Trong giai đoạn đầu năm 2020 khi triển khai vào thực tế, ngay trong tháng đầu tiên, số ca tử vong do TNGT đã giảm đến 40% so với cùng kỳ năm trước đó.

Nghị định này cũng dần tạo ra thói quen tốt: Đã uống rượu bia là không lái xe.

Tuy nhiên, đúng giai đoạn này thì dịch Covid-19 xuất hiện. Giãn cách xã hội kéo dài khiến cho nhiều thói quen mới được hình thành bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Một bộ phận người dân quay trở lại nếp cũ là uống rượu bia rồi điều khiển xe, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ…

So với cùng kỳ 7 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, số vụ tai nạn năm nay đã giảm 12 vụ, giảm 3 người chết và tăng 8 người bị thương. Con số này cho thấy điều gì, thưa ông?

Số trường hợp xử lý vi phạm nồng độ cồn tăng giúp giảm mạnh số vụ TNGT lẫn số người tử vong so với dịp Tết 2022. Rõ ràng, xử lý vi phạm quyết liệt thì hiệu quả rất cao.

Số liệu từ Bệnh viện Việt Đức cũng cho thấy, trong Tết 2023, số vụ cấp cứu vì TNGT đã giảm tới 40%. Như vậy, việc phát hiện số vụ vi phạm lỗi nồng độ cồn tăng lên đã giúp ngăn chặn các nguy cơ từ xa.

Mặt khác, khi việc xử phạt được thực hiện trên tinh thần không có vùng cấm, không thể can thiệp; đồng thời thông báo tới đông đảo nhân dân được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng, chắc chắn về lâu dài, số lượng vi phạm lỗi nồng độ cồn sẽ giảm đi. Thói quen, văn hóa giao thông mới sẽ có điều kiện hình thành trở lại.

Xử lý hình sự vi phạm nồng độ cồn mức cao

Tổ công tác của Đội CSGT - trật tự, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn trên đường Văn Tiến Dũng trưa 16/2. Ảnh: Tạ Hải

Câu hỏi được đặt ra là quy định rất nghiêm, mức phạt rất nặng, vì sao nhiều người vẫn cố tình uống rượu bia lái xe? Theo ông, ở góc độ chính sách pháp luật, có cần tăng chế tài theo hướng nghiêm khắc hơn giống như nhiều nước đã áp dụng?

Nghị định 100/2019/NĐ-CP đưa ra mức xử phạt cao nhất với nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nhưng, thực tế có những người uống gấp 3 - 4 lần ngưỡng này.

Trước đây, có nhiều ý kiến đề xuất đối với ngưỡng 0,8 miligam/lít khí thở, cần phải xem xét xử lý hình sự. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã áp dụng hình phạt tù cho lỗi vi phạm nồng độ cồn. Tôi cho rằng, nếu phát hiện nồng độ cồn ở ngưỡng cao (từ 1 miligam/lít khí thở trở lên) cũng nên xem xét để xử lý hình sự.

Khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rõ: Những hành vi vi phạm các quy định pháp luật về TTATGT có khả năng gây uy hiếp, có nguy cơ cao dẫn đến TNGT nguy hiểm có thể bị xem xét xử lý hình sự, kể cả trong trường hợp chưa gây ra hậu quả. Quy định đã có, điều chúng ta cần là hướng dẫn triển khai cụ thể.

Trước đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã đề nghị Hội đồng Thẩm phán nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn cho vấn đề này, đến nay vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Đối với những trường hợp sử dụng quá nhiều rượu bia, gần như mất kiểm soát và lý trí mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông, gây nguy hiểm cho xã hội, tôi cho rằng rất cần thiết phải áp dụng các quy định xử lý hình sự như trong Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định rõ.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia cần đi vào thực tế

Thượng tôn pháp luật, tai nạn sẽ giảm 3

Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 15 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn tại ngã tư Đa Phúc, thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) tối 15/2. Ảnh: Tạ Hải

Ông có cho rằng, dường như hiện nay chúng ta mới chỉ đang quan tâm trực diện tới những người sử dụng rượu bia cuối cùng, trong khi nhiều chủ thể khác tác động đến việc sử dụng rượu bia chưa bị kiểm soát?

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có rất nhiều điều khoản quy định và cũng đã có Nghị định hướng dẫn, đưa ra chế tài xử phạt đối với các hành vi bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, hành vi uống rượu, bia trong giờ làm việc. Tuy nhiên, tới lúc này, chưa có số liệu nào thể hiện việc xử phạt như quy định.

Chúng ta không cấm sản xuất, kinh doanh rượu bia. Tuy nhiên, khi người kinh doanh bán rượu bia cho khách, cần hiểu rằng mặt hàng đó sử dụng đến đâu là phù hợp với sức khỏe, tinh thần của họ, để tránh được nguy cơ khi tham gia giao thông, để không ảnh hưởng đến gia đình, trật tự xã hội. Đấy là trách nhiệm đối với xã hội, thể hiện đạo đức của người kinh doanh.

Thế nhưng, chúng ta chưa bao giờ nghe thấy câu chuyện phía sau việc xử phạt hành chính một người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, cơ sở bán rượu bia cho anh ta có bị liên đới gì không? Chưa thấy ai bị xử lý hình sự hay phạt hành chính với người đã cung cấp rượu bia vi phạm luật cả.

Ở đây, chỉ đơn thuần là người nào uống và có hành vi vi phạm người đấy chịu. Tất nhiên, điều này là đúng nhưng pháp luật đã quy định trách nhiệm của các chủ thể khác có liên quan, cũng cần được nhắc đến.

Theo tôi, bên cạnh việc phát hiện, xử phạt theo Nghị định 100, cũng cần triển khai đồng bộ việc xử lý của các lực lượng khác chịu trách nhiệm thực thi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Có như thế mới thực sự hiệu quả, không chỉ cho giao thông mà còn đối với tất cả các lĩnh vực khác. Ở đây, cần nói tới trách nhiệm của ngành Công thương, lực lượng thanh tra y tế.

Quan trọng hơn, là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, nơi người lao động làm việc, cán bộ, công chức, viên chức… những người phải làm gương, làm mẫu cho quần chúng nhân dân trong việc không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông

Ông vừa nói đến việc gương mẫu của cán bộ công chức, vậy theo ông, mỗi cơ quan, công sở có nên đưa tiêu chí không vi phạm nồng độ cồn vào nội quy, có mức kỷ luật rõ ràng?

Trong Nghị quyết mới của Đại hội đồng Liên hợp quốc về thập kỷ hành động ATGT đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021 - 2030 đã hướng tới việc xây dựng văn hóa ATGT trong từng tổ chức, từng gia đình.

Mỗi cơ quan nếu đưa ra được tiêu chí đã uống rượu bia thì không lái xe và thực hiện nghiêm túc, không có ngoại lệ, hiệu quả đạt được sẽ rất rõ ràng. Ở đây, cần nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các tổ chức cũng như sự cần thiết của việc đưa ra một quy chế xử phạt rõ ràng.

Khoản 5 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia quy định rất rõ: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên không được phép uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Muốn làm được thì trong nội bộ tổ chức phải thực hiện nghiêm. Hiện nay, đã có một số đơn vị trao đổi với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để thực hiện việc này.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Trung ương Đoàn tôn vinh các lãnh đạo, thủ lĩnh trẻ về ATGT. Đó là những cán bộ Đoàn nêu gương về thực thi pháp luật ATGT.

Như vậy, quan trọng nhất vẫn là việc thượng tôn pháp luật, thưa ông?

Đúng vậy! Để ngăn chặn hành vi lái xe sau khi uống rượu bia, hình thành văn hóa giao thông, tôi cho rằng, chỉ có một cách: Tất cả mọi người phải xác định rõ đây là quy định của pháp luật và phải thượng tôn pháp luật. Thực hiện được điều này, chúng ta sẽ dần hình thành được thói quen và văn hóa giao thông.

Năm 2023, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã lấy chủ đề Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Thượng tôn pháp luật là ngưỡng tiêu chuẩn để hình thành văn hóa giao thông.

Cảm ơn ông!

  https://atgt.baogiaothong.vn/thuong-ton-phap-luat-tai-nan-se-giam-d582085.html

Yến Chi / Giao thông