Nước về dư thừa, nhiều hồ thủy điện ở Tuyên Quang, Lào Cai, Hòa Bình đã xả lũ, EVN cho rằng sẽ giữ được mực nước cao đảm bảo cung ứng điện đến cuối mùa khô.

Từ 22h ngày 24/6, Công ty thủy điện Hòa Bình đã mở một cửa xả đáy hồ.

Trả lời VTC News, ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, tính đến sáng 28/6, mực nước tại hồ là 111,54m (mực nước chết là 80m); lưu lượng về khoảng trên 3.500 m3/s; chạy máy và xả 3.850 m3/s, trong đó lượng nước xả lũ một cửa là 1.700 m3/s.

"Việc xả đáy hồ thủy điện đến thời điểm nào thì chưa xác định được vì còn phụ thuộc vào diễn biến thủy văn, diễn biến lượng nước đổ về và theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai. Đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa để kịp thời báo cáo theo quy định”, ông Vương nói.

Thủy điện Hòa Bình mở một cửa đáy để xả lũ. (Ảnh minh họa: EVN).

Thủy điện Hòa Bình mở một cửa đáy để xả lũ. (Ảnh minh họa: EVN).

Theo Cục Điều tiết Điện lực, trong 5 tháng đầu năm, do tình hình thủy văn nước về kém nên hạn chế huy động và giữ cao mực nước các hồ thủy điện nhằm đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc. Nhưng đến tháng 6, tình hình thủy văn thuận lợi, sản lượng thủy điện huy động cao hơn 2,454 tỷ kWh, lũy kế 6 tháng đầu năm cao hơn 658 triệu kWh so với kế hoạch. 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng huy động thủy điện đạt 28,62 tỷ kWh 

Mực nước các hồ thủy điện cuối tháng 6 tương ứng với sản lượng điện là xấp xỉ 6,6 tỷ kWh, cao hơn 1,4 tỷ kWh so với kế hoạch năm, đáp ứng mục tiêu giữ mực nước cao để đảm bảo cung ứng điện đến cuối mùa khô. Điều này đã góp phần giúp hệ thống điện quốc gia 6 tháng đầu năm vận hành tốt, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và nhu cầu của nhân dân. 

Tuy vậy, theo tính toán của EVN, hệ thống điện miền Bắc cơ bản đáp ứng nhu cầu công suất phụ tải song mức độ dự phòng công suất nguồn điện còn thấp. Trong tháng 7, với kịch bản thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, trường hợp các nhà máy nhiệt điện than bị sự cố/suy giảm công suất thì hệ thống điện miền Bắc nguy cơ không còn dự phòng công suất.

"Trong trường hợp này sẽ quyết liệt triển khai việc điều hành dịch chuyển nhu cầu phụ tải giữa các giờ cao điểm, đồng thời huy động thêm các nguồn phát diesel mượn của khách hàng để đảm bảo cung ứng đủ điện", EVN thông tin.

Trong giai đoạn tháng 8 - 12, dự phòng công suất hệ thống điện miền Bắc vẫn còn thấp, các đơn vị phát điện cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc đảm bảo duy trì công suất khả dụng và độ sẵn sàng của thiết bị.

Đối với hệ thống điện miền Nam và miền Trung đáp ứng đủ nhu cầu công suất đỉnh trong cả năm 2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn khí trong nước suy giảm mạnh, các mỏ khí dừng hoạt động để bảo dưỡng sửa chữa và để đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống điện miền Nam, cần thiết huy động các nguồn linh hoạt như chuyển sang chạy bằng nhiên liệu dầu DO, bổ sung khí LNG cho các tổ máy tuabin khí và các tổ máy chạy dầu Cần Thơ, Thủ Đức...để đáp ứng phụ tải đỉnh cũng như đáp ứng phụ tải cao điểm tối khi nguồn điện mặt trời không phát công suất.

"Nhìn chung, dự kiến trong 6 tháng cuối năm, việc cung ứng điện cơ bản được đảm bảo", báo cáo của EVN nêu.

https://vtcnews.vn/thuy-dien-xa-lu-o-at-khong-lo-thieu-dien-6-thang-cuoi-nam-ar880067.html

Phạm Duy / VTC News