Hơn 100 lần chỉ huy tàu cứu hộ ra khơi, cứu nạn gần 800 người, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn được ví như thần hộ mệnh cho ngư dân.
Năm 1984, đang là thuyền trưởng tàu viễn dương chu du khắp Hàn Quốc, Nhật Bản, ông Phan Xuân Sơn có thu nhập hàng nghìn đôla mỗi tháng. Chỉ một tháng đi biển, ông đủ tiền mua căn nhà mặt phố ở Đà Nẵng. Nhưng người đàn ông quê Nghệ An quyết định chuyển nghề.
Ông kể, năm 1992 một người bạn cùng học ở Đại học Hàng hải (Hải Phòng) lái tàu từ Quy Nhơn ra Đà Nẵng thì gặp bão, tử nạn dù tàu cách bờ chỉ 7 hải lý. "Tại sao một đất nước gắn liền với biển như Việt Nam lại không có lực lượng cứu hộ?". Câu hỏi đó luôn thường trực, nhưng ông không biết phải làm gì.
Thủ lĩnh Phan Xuân Sơn trên tàu cứu hộ SAR 412. Ảnh: Nguyễn Đông.
Cuối năm 2004, khi đang lái tàu ở Nhật Bản, biết tin Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) tuyển lái tàu, ông Sơn nộp đơn rồi đi bằng đường bộ về để kịp dự tuyển. Từ đó ông rẽ sang hướng khác - làm thuyền trưởng tàu SAR 412 hiện đại nhất trong số tàu cứu hộ của Việt Nam.
Vị trí công việc không thay đổi, nhưng mức lương chỉ 6 triệu đồng mỗi tháng. "Thu nhập thấp hơn khoảng 7 lần so với đi tàu viễn dương. Cuộc sống thay đổi nhiều, vất vả hơn, nhưng được gần vợ con", thuyền trưởng tự động viên mình.
Những chuyến cứu hộ nhớ đời
Chuyến đi biển đầu tiên, tàu SAR 412 nhận lệnh cứu một thuyền viên tàu cá ở khu vực biển Hoàng Sa bị đau ruột thừa. Con tàu rẽ sóng trong đêm, bộ đàm luôn bật để nắm rõ vị trí tàu kêu cứu. Khi tàu cách bờ khoảng 200 hải lý, bỗng ông Sơn giật thót. Ngay trước mắt là đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam). Đèn pha phía trước mũi tàu rọi thẳng vào đảo.
"Tàu lúc đó chưa có hải đồ, chỉ có bản đồ tổng nên không thể xác định rõ tọa độ để tránh. Nếu không phát hiện kịp thời, không khéo tôi đã lao cả con tàu lên đảo", ông Sơn kể. Đó cũng là lần tàu SAR 412 tiếp cận gần nhất với hòn đảo nổi bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974.
Ngày 11/2/2015, tàu SAR 412 tiến thẳng vào khu vực đảo Chim Yến (thuộc quần đảo Hoàng Sa) để cứu tàu cá Bình Định bị mắc cạn. Thấy bóng con tàu cam trắng lại gần đảo chìm, hai tàu hải cảnh, hải quân của Trung Quốc áp sát. Phía trên, máy bay quân sự quần thảo.
Các thuyền viên tàu SAR 412 thả xuồng để tiếp cận ngư dân gặp nạn. Ảnh: Danang MRCC.
Với tàu dân sự, thuyền trưởng toàn quyền xử lý mọi tình huống trên biển nên sự an toàn của tàu, thuyền viên và các ngư dân đặt trọn lên vai thuyền trưởng Sơn. Những giây phút cân não, giọng đanh thép nói qua bộ đàm, ông đề nghị phía bạn không giao tiếp bằng tiếng Trung mà chỉ nói chuyện bằng tiếng Anh.
"Tôi nói dõng dạc SAR 412 là tàu cứu hộ, vào khu vực đảo cứu người chứ không có mục đích gì khác. Tàu Trung Quốc ban đầu dọa đâm va, nhưng sau thấy chúng tôi kiên quyết, họ lui dần ra xa", thuyền trưởng Sơn kể. Lá cờ đỏ sao vàng được treo lên mũi tàu mắc cạn, trước khi mọi người bỏ nó lại Hoàng Sa.
Trên dưới 50 lần cứu nạn ngư dân ở Hoàng Sa, đó không phải là lần duy nhất thuyền trưởng Sơn đối mặt với sự cản trở từ các tàu nước ngoài. Ông vừa động viên ngư dân, vừa kiên định không tranh luận qua lại, xác định với họ chỉ làm công việc cứu người. Nhờ đó những chuyến ra Hoàng Sa đều thành công.
Ngày 29/1/2018, tàu cá Đà Nẵng có ngư dân bị đau ruột thừa khi cách đất liền 20 hải lý. Chỉ trong hơn một giờ, tàu SAR 412 đã có mặt. Nhưng sóng cao trên 3,5m khiến con tàu chao đảo, hơn một giờ sau vẫn không thể hạ xuồng sang tiếp cận tàu ngư dân. "Khi đưa được về bờ thì ngư dân đã bục ruột thừa, may mắn giữ được tính mạng. Nếu muộn chút nữa, cậu ta không thể sống sót", ông Sơn kể.
Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn (trái) trong một lần cứu nạn ngư dân. Ảnh: Nguyễn Đông.
Hơn 100 lần ra khơi cứu nạn, đến nay tàu SAR 412 là ân nhân của gần 800 gia đình thuyền viên. Niềm vui với ông và đồng nghiệp chính là đưa được ngư dân gặp nạn vào bờ an toàn. "Những lúc hiểm nguy, ngư dân cần được cứu hộ hơn bao giờ hết. Và người làm nghề không được thoái lui nhiệm vụ", vị thuyền trưởng tóc ngả màu sương khói thường động viên anh em trước lúc lên đường.
14 năm làm thuyền trưởng tàu cứu nạn, ông Sơn chia sẻ lần buồn nhất là chuyến đi sau bão Chanchu năm 2006 làm hơn 200 người mất tích. Tàu SAR 412 đưa hơn 10 thi thể về bờ. "Đó là lần duy nhất trong đời tôi chứng kiến ngư dân thấy tàu của mình mà không phấn khởi, vì quá tang thương", ông trầm ngâm nói.
Ông Bùi Tân Nguyên - Giám đốc Danang MRCC, cho biết thuyền trưởng Sơn rất năng động, trách nhiệm với công việc. Không chỉ giỏi chuyên môn, ông còn truyền cảm hứng cho đồng nghiệp từ sự mẫn cán, không ngại nguy hiểm. "Anh Sơn là người duy nhất trong lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3. Anh ấy và tàu SAR 412 xứng đáng là con chim đầu đàn trong lực lượng cứu hộ hàng hải cả nước", ông Nguyên nói.
2018 là năm cuối cùng ông Sơn gắn bó với màu áo vàng cam và SAR 412. Hỏi ông trăn trở nhất điều gì trước lúc về hưu, ông bảo chỉ mong có thêm những con tàu hiện đại được hạ thủy đảm trách công việc cứu nạn. Vì đến nay SAR 412 dài 43m vẫn đang là tàu to nhất trong lực lượng cứu hộ hàng hải Việt Nam.
Phát hiện tàu cá không người lái trôi dạt trên vùng biển Nghệ An Ngư dân Nghệ An hành nghề trên biển thì phát hiện một tàu cá trôi tự do, không có người. Nhiều tàu cá khác đang ... |
Trung Quốc cứu ngư dân Việt Nam nguy kịch trên biển Một ngư dân người Việt bị bệnh nặng đã thoát khỏi nguy hiểm sau khi được Hải cảnh Trung Quốc giải cứu. |