Việt Nam - Campuchia đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc trên đường biên giới chung giữa 2 quốc gia sau khi đã đạt được những thỏa thuận chung về nghị sự cấp cao. Trên thực địa, khoảng 2 phần 3 số lượng cột mốc được xây dựng xong, phóng tuyến suôn sẻ.
trường sơn
Bộ đội biên phòng tuần tra mốc biên giới mùa khô hạn ở Tây Nguyên. Ảnh: T.H
Tháng 3, trên biên giới địa phận 2 tỉnh Kon Tum (Việt Nam) - Rattanakiri (Campuchia), chúng tôi chứng kiến mồ hôi người tiếp tục đổ xuống cho đường biên làm nên hình hài tổ quốc.
Và chúng tôi cũng chứng kiến những hình ảnh cảm động về câu chuyện các cán bộ chiến sĩ Việt Nam không quản ngại khó khăn cấp cứu cho người dân Campuchia gặp hoạn nạn.
Đêm chung đường biên giới
Đêm tĩnh lặng trên biên giới huyện Ia H’Đrai, Kon Tum, 1 nhóm các lao động đang thi công xây dựng cột mốc của Campuchia thuộc lực lượng xây dựng mốc biên giới của Quân đội Hoàng gia Campuchia tới Đồn BP Mô Rai kêu cứu sau 1 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Chiếc xe của họ chở người và vật liệu xây dựng bị tai nạn cách đường biên giới 8km phía Campuchia.
Thường thì dù là quân hay dân, khi phải nhờ cấp cứu, bên Campuchia đều chạy qua Việt Nam. Bởi vì quãng đường sang Việt Nam để về các trung tâm đô thị có cơ sở y tế gần hơn về các tỉnh lỵ của Campuchia. Nhưng lý do cơ bản nhất mà họ tiết lộ là, chạy tới kêu cứu biên phòng Việt Nam, họ luôn gặp được những người có trách nhiệm, chuyên môn giỏi và khả năng ứng cứu tốt.
Trong nhóm người bị nạn có 2 phụ nữ. Họ lo việc hậu cần cho nhóm thi công mốc. Đặc biệt lo ngại là có 1 phụ nữ trẻ mang thai đã 5 tháng. Người đàn ông bị thương nặng nhất tên là Han Rét với cái chân gãy và tinh thần cả nhóm hoang mang tột độ vì đêm tối và hoảng sợ vì tình trạng các vết thương hở, gãy chân tay, chảy máu lênh láng.
Vùng biên giới Ia H’Đrai hoang vu, có những cung đường liên xã xuống cấp không sử dụng được. Quân và dân ở đây thường phải đi theo đường tuần tra biên giới và đi giữa rừng già để ra ngoài. Vậy là, quân y của Đồn Mô Rai - Thượng úy Nguyễn Doãn Quân - cùng với đồn trưởng - Thượng tá Trần Đình Hào - trực tiếp lái xe đưa đoàn người bị thương giữa đêm băng rừng về Pleiku, Gia Lai cấp cứu.
Cả đêm thức trắng, mục tiêu tiên quyết của cán bộ biên phòng là cứu sống những người Campuchia, giữ cho vết thương không hành hạ họ. Những người phụ nữ bị đau vết thương lại bị khủng hoảng tâm lý, ngất xỉu vì sợ hãi và vì cung đường đèo quanh co, cua gấp và dốc đứng làm choáng váng, say xe. “Han Rét, người đàn ông bị gãy chân kêu la không ngớt, trong khi tôi lo lắng nhất là cô gái tên là Sro có nguy cơ sảy thai” - y sĩ Doãn Quân nói.
Đến sáng bảnh, sau 1 đêm kinh hoàng, lo lắng và sợ hãi, tất cả có mặt ở phòng cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh, Gia Lai. Chiều cùng ngày, đơn vị bảo vệ biên giới của nước bạn mới sang tới bệnh viện để nhận bàn giao người. Y sĩ Doãn Quân cho hay trong đêm, lúc cấp bách, anh quên khuấy phải bảo hộ. Anh không kịp đeo găng tay và máu của bệnh nhân bám đầy vào người và tay mình.
“Có gì đâu chị, đôi khi mạng sống của họ cũng là mạng mình. Bệnh họ cũng có thể là bệnh mình. Ở đây, chúng tôi gọi là 2 bên biên giới nhưng chung 1 đường biên là thế!”.
Ngày hôm sau, bệnh viện có kết quả chẩn đoán và điều trị. Xét nghiệm máu, không ai bị bệnh truyền nhiễm đường máu, tất cả thở phào.
Sức người là tài sản lớn nhất
Qua cơn nguy kịch và hoàn thành nhiệm vụ cứu bạn, chúng tôi cùng với đồn trưởng Đồn BP Mô Rai theo đường tuần tra biên giới hành quân trở về đơn vị. Dãy Trường Sơn ẩn hiện đường biên giới mùa nào cũng xanh ngát một màu. Nơi này là cái rốn sốt rét, rừng thiêng, nước độc đúng nghĩa của đại ngàn Trường Sơn. Người lính nào chả phải trải qua 5 lần 7 lượt thập tử nhất sinh vì sốt rét rừng.
Thượng tá Trần Đình Hào là nhân chứng sống của di chứng sốt rét ác tính. Da mặt anh ám màu nhựa cây rừng, người sắt lại, nhưng sức bền thì không lính trẻ nào so bì được. Thức trắng vì lái xe gần 200km trong đêm cấp cứu nạn nhân nước bạn, sáng ra lại trở về đơn vị, tỉnh táo như thường.
Vì nhiều năm ở rừng, anh hiếm muộn, và con đường để vợ chồng anh đi về chữa bệnh từ biên giới tới bệnh viện, tới thầy thuốc, thậm chí là đền chùa cầu khấn… không thể tính được bao nhiêu lượt. Đã có lúc, anh nghĩ tới việc lập đàn khấn ông giời xin có con. Kiên trì và khao khát, cuối cùng anh cũng có 2 bé gái khỏe mạnh bằng cách can thiệp y khoa.
Trên biên giới, nghe tin vợ sinh con đầu lòng, Trần Đình Hào không thể kiềm chế được vui mừng. Anh ra tới khu vực có khu dân cư gần nhất, hú gọi cả người quen, người lạ, thông báo tin mình đã có con, rồi chiêu đãi tất cả bia say no nghỉ.
Sống ở nơi hoang vu này, khô khát quanh năm, rừng trùm phủ lên tầm mắt, Trần Đình Hào vẫn chỉ huy bộ đội dẫn được nước trên đỉnh núi về doanh trại làm nước sinh hoạt và tăng gia sản xuất. Anh là đại biểu hội đồng nhân dân, đấu tranh không ngừng nghỉ việc sắp xếp lại các khu dân cư vốn là các đội sản xuất của các nông trường thanh niên xung phong. Trần Đình Hào muốn giúp địa phương phương thức lắp đặt đường ống dẫn nước từ nguồn nước tự chảy trên núi xuống mà anh đã làm thành công. Thay vì cứ mất quá nhiều chi phí lập dự án đào giếng mà lần nào cũng thất bại. Bởi vì vùng núi ở đây có đá bàn, đào tới, đào lui không tìm thấy mạch nước.
Anh có sáng kiến mua mấy con heo giống tốt rồi gửi ở các gia đình nghèo cho họ chăn nuôi. Heo đẻ lại chuyển sang nhà khác. Cứ thế hết lượt này đến lượt khác, nhiều gia đình có niềm khích lệ này, nhích dần lên làm kinh tế hộ gia đình khấm khá lên. Dân trong làng gọi là heo bộ đội mà càng gắn bó với bộ đội, như là quân và dân cùng nuôi heo chung vậy. Bao nhiêu ý tưởng cứ nung nấu trong đầu Trần Đình Hào, mà biên giới không lúc nào không xảy ra sự vụ. Đang mùa xây mốc, cắm thêm mốc phụ và phóng tuyến, cán bộ chiến sĩ của đồn biên phòng ngày nào cũng tất bật từ tinh mơ tới tối khuya.
Trần Đình Hào kể, hồi anh họp ở huyện cùng với lãnh đạo tỉnh Kon Tum và có đại biểu khách mời là lãnh đạo Đảng Nhà nước tới thăm bà con. Có già làng đứng dậy phát biểu thẳng thắn: “xin nhà nước cấp cho Hào 1 cái máy bay trực thăng để bộ đội biên phòng đi tuần tra ở rừng. Không thì lội bộ lên núi vất vả quá, muỗi, vắt nhiều sốt rét miết”. Cả hội nghị cười ồ. Mà người phát biểu thì cứ rơm rớm nước mắt vì “Già thương Hào quá”.
Ở vùng biên hiểm yếu này, sức người là tài sản lớn nhất. Cứ thi gan với rừng như thế.
“Con gái yêu quý. Sau bao ngày bố mẹ vất vả ngược xuôi Nam Bắc, con đã ra đời. Từ biên giới, bố chỉ mong con khỏe mạnh, chóng lớn để bố được yêu thương chăm sóc, dạy dỗ con nên người…”. Thư viết cho con gái mới sinh của Thượng tá Trần Đình Hào |
Nỗi niềm chị Ba Sương "Đại án lập quỹ trái phép” năm nào bùng nổ ở Nông trường Sông Hậu đã khiến cho những ngày nghỉ hưu của chị Ba ... |
Đề xuất giải pháp thu phí ở 2 đầu đường Trường Sơn Theo TS guyễn Hữu Nguyên nếu cứu được đường Trường Sơn thì mới mong giảm tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất |