Việc chiếc MiG-31 mang một quả tên lửa bí ẩn cho thấy Nga dường như đang tái khởi động dự án vũ khí diệt vệ tinh 30P6 "Kontakt".
Chiếc MiG-31 (phía trước) với quả tên lửa bí ẩn dưới bụng. Ảnh: Jet Photos. |
Một tiêm kích đánh chặn MiG-31 hồi giữa tháng 9 hạ cánh xuống sân bay Zhukovsky, ngoại ô thủ đô Moskva của Nga với một quả tên lửa bí ẩn gắn dưới bụng. Giới chuyên gia nhận định đây có thể là mô hình tên lửa 79M6, dự án vũ khí diệt vệ tinh được phát triển từ thời Liên Xô và kết thúc đầu những năm 1990, theo Drive.
Trong bức ảnh được công bố, tiêm kích MiG-31 số hiệu 81 Xanh đang thả càng hạ cánh, trong khi chiếc MiG-35 số hiệu 747 bay sát bên cạnh làm nhiệm vụ theo dõi và ghi hình cuộc thử nghiệm. Quả tên lửa màu đen treo dưới bụng chiếc MiG-31 có hình dáng lạ, không giống những loại vũ khí từng được Nga công bố trước đây, kể cả siêu tên lửa Kh-47M2 "Kinzhal".
Quả tên lửa có kích thước lớn hơn nhiều so với mẫu Kinzhal mới được Nga biên chế, đồng thời có cụm cánh gập ở phía đuôi. Nhiều khả năng đây là tên lửa hai tầng đẩy, có khả năng đưa đầu đạn lên độ cao hàng trăm km để tấn công vệ tinh đối phương.
"Chiếc MiG-31 này mới xuất hiện tại sân bay Zhukovsky từ cách đây một năm. Nó có nhiều điểm khác với phiên bản hiện đại hóa MiG-31BM được Nga biên chế đại trà, cũng như biến thể MiG-31D chuyên dùng cho tên lửa diệt vệ tinh. Mục đích hoạt động và tính năng của 81 Xanh vẫn là một bí ẩn", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận định.
Viện Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga (CAST) nhận định Moskva đang tái khởi động dự án vũ khí diệt vệ tinh 30P6 "Kontakt", được Liên Xô công bố vào cuối thập niên 1980. Tổ hợp vũ khí này gồm tiêm kích MiG-31D, tên lửa tầm xa 79M6 và đài radar dẫn bắn 45Zh6 "Krona" đặt tại bãi thử Sary-Shagan, Kazakhstan.
Hồi năm 2009, cựu tư lệnh không quân Nga Alexander Zelin tuyên bố "hệ thống diệt vệ tinh trên nền tảng tiêm kích MiG-31 sẽ được hồi sinh". Một năm sau, đài cảnh giới và dẫn bắn Krona tại bãi thử Sary-Shagan bắt đầu được hiện đại hóa.
Các cường quốc quân sự trên thế giới đang tăng cường chạy đua vào vũ trụ, khi cả Nga và Trung Quốc đều phát triển các loại vũ khí diệt vệ tinh mới, trong khi Mỹ chuẩn bị thành lập Quân chủng Vũ trụ nhằm tối ưu hóa nguồn lực cho kịch bản chiến tranh trong không gian.
Tiêm kích Nga lắp siêu tên lửa Kinzhal thử nghiệm chiến đấu Không quân Nga triển khai 10 tiêm kích MiG-31K gắn tên lửa Kinzhal cho nhiệm vụ thử nghiệm khả năng tác chiến thực tế. |
Nga thử thành công tên lửa siêu thanh Kinzhal từ máy bay MiG-31 Đây là dòng tên lửa siêu thanh được Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố có thể công phá bất kỳ lá chắn phòng thủ nào. |