Lừa đảo qua mạng là chủ đề “nóng” trong các cuộc trà dư tửu hậu, ở các quán cà phê, trong buổi cơm gia đình… Trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội thì gần như ngày nào cũng có thông tin người bị lừa qua mạng.

Các cơ quan chức năng đã cố gắng đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo bằng mọi hình thức, tới từng khu phố, tới từng hộ gia đình vậy mà lừa qua mạng vẫn cứ diễn ra. Có người bị lừa nhiều lần, có người từng bị mất hàng chục tỷ đồng vậy mà vẫn cứ tiếp tục bị lừa. Vì sao vậy?

Tiền bị lừa qua mạng là “một đi không trở lại” -0

Chủ yếu đánh vào lòng tham

Trong năm 2022, Phòng CSHS, Công an tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận 102 vụ lừa đảo liên quan lĩnh vực công nghệ cao với tổng số tiền thiệt hại lên đến hơn 205 tỷ đồng. Trong đó thủ đoạn chạy đơn hàng hưởng hoa hồng 39 vụ, đầu tư chứng khoán ảo 14 vụ, giả danh công an 34 vụ, nạp tiền hưởng hoa hồng 33 vụ và lừa mượn tiền 2 vụ.

Cán bộ của Phòng CSHS, Công an tỉnh Bình Dương hỏi ông P., một người bị lừa rằng ông có nghe, đọc được thông tin cảnh báo lừa đảo qua mạng của cơ quan Công an trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, phát tờ rơi?. Ông P. thú thật là không. Ông có truy cập internet, có tài khoản facebook nhưng chỉ coi các đoạn video có tính giật gân… chứ chưa từng đọc báo, nghe đài, chưa từng đọc thông tin cảnh báo của cơ quan Công an.

Bà N. cũng vậy, lên mạng xã hội chỉ coi đánh ghen, lột quần áo; livetreams bán hàng, khuyến mãi… và cũng từ đây bà đã gặp “ân nhân” giúp mình “chơi” trên ứng dụng Hawee. Sau khi đăng nhập vào tài khoản trên ứng dụng sẽ có các mã số đơn hàng, một đối tượng xưng là “thầy” hướng dẫn bà N. chọn đơn hàng nào thì bấm xác nhận đơn hàng đó theo số thứ tự từ 0-9. Sau đó người chơi phải nạp số tiền vào tài khoản tương đương với giá trị đơn hàng đó thế là có lãi từ 30-40%.

Lúc đầu nạp thử vài trăm ngàn bà N. nhận được hoa hồng ngay, khi đặt với số tiền cao hơn thì lập tức tài khoản bị “đóng băng” và chúng yêu cầu bà N. đóng tiền “giải băng”. Bà N. nạp nhiều lần tiền lên đến gần 1,6 tỷ đồng mà cũng chẳng thể rút ra. Nghi ngờ mình bị lừa, bà N. dùng 1 điện thoại khác để tải áp Hawee về để “thử nghiệm”. Ban đầu bà chơi vài trăm ngàn thì lập tức “trúng” và được rút tiền nhưng khi bà nạp vào 30 triệu đồng thì tài khoản lại “đóng băng”. Thế là bà lại mất thêm 30 triệu đồng nữa để “mua” một bài học…

Cán bộ điều tra hỏi chị H. sao lại dễ dàng chuyển tiền qua tài khoản cho người chẳng hề quen biết? Bà chẳng do dự nói ngay, mở tài khoản ngân hàng thì có tên tuổi, địa chỉ hẳn hoi, nếu mà lừa đảo thì có chạy đằng trời? Và hầu hết những người bị lừa đều nghĩ như bà H. Họ nói vậy cũng… không sai vì khi họ đi mở tài khoản ngân hàng điều kiện cần phải có đó là CMND hoặc CCCD. Nhưng tất cả đều bị lầm vì chẳng có kẻ lừa nào lại sử dụng tài khoản mang tên tuổi của mình để đi lừa cả…

“Vì sao chị đã bị lừa 1 lần rồi mà không rút kinh nghiệm để tiếp tục bị lừa lần thứ 2?”. Người phụ nữ tên K. thừa nhận vì hai kiểu lừa khác nhau nên chị không lường trước được. Nhưng qua câu chuyện mà chị trình báo cho thấy chị bị mắc bẫy chính là ở lòng tham. Lần đầu chị bị lừa vì muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, còn lần thứ 2 thì chị muốn gỡ lại tiền đã mất lần trước. Chị quen một người đàn ông tự xưng là doanh nhân người Anh qua mạng, họ trao đổi với nhau ngọt lịm như đã từng yêu nhau tha thiết dù chị đã có chồng và hai đứa con. Thấy cá căn câu, đối tượng ngỏ lời tặng chị K. nhiều món quà rất có giá trị. Kẻ lừa thông báo, kiện hàng đã gửi qua đường hàng không nhưng không hề nghe nói năn gì đến chuyện tiền nong như các vụ lừa khác nên chị rất tin tưởng.

Một đối tượng nữ, tự xưng là tiếp viên của hãng hàng không thông báo cho chị biết kiện hàng đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng không may bị Hải quan giữ lại, muốn “bôi trơn” thì phải cần ba ngàn USD. Chị muốn lấy kiện hàng ra cần chuyển tiền qua số tài khoản… Bà K. không đồng ý vì đã từng bị lừa chuyển tiền qua tài khoản thì đối tượng đề nghị mang tiền đến sân bay rồi lấy luôn kiện hàng. Bà K. hớn hở mang tiền đến sân bay thì gặp một đối tượng nữ mặc trang phục y như của hãng hàng không, đeo khẩu trang kín mặt, nhận tiền từ tay bà K. rồi hòa vào đám người đông nghẹt ở sân bay, mất hút. Sau một thời gian chờ đợi món hàng, bà K. biết mình đã bị lừa lần 2 nên ngậm ngùi rời sân bay trong buồn bã, tiếc nuối và hối hận.

Mới đây Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm 2022.

Muôn kiểu lừa trên mạng

Trong khi nạn nhân mờ mắt vì lòng tham, nhẹ dạ cả tin, mơ hồ về pháp luật thì tội phạm lừa đảo qua mạng rất chuyên nghiệp, bài bản, tinh vi. Đầu tiên là chúng mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chiếm đoạt của nạn nhân. Các tài khoản này chúng thuê người để mở, mua lại của những người không còn sử dụng và nhiều hình thức khác. Và tất cả những người này đều không biết người mua, người thuê mình là ai. Sau khi nạn nhân chuyển vào tài khoản do kẻ lừa đảo cung cấp, ngay lập tức số tiền này được chia nhỏ chuyển tiếp cho rất nhiều tài khoản khác và cuối cùng tất cả các số tiền này sẽ đến một hoặc nhiều tài khoản ở các sàn giao dịch ngoại tệ ở nước ngoài…Thế cho nên cơ quan chức năng gần như không thể phong tỏa tài khoản ban đầu mà nạn nhân chuyển cho kẻ lừa. Nói vậy để thấy rằng đã bị lừa qua mạng thì không trông mong gì lấy lại tài sản của mình đã mất…

Sau khi chuẩn bị xong khâu tài khoản, việc kế tiếp của kẻ lừa là thu thập thông tin cá nhân với rất nhiều thủ đoạn sử dụng công nghệ cao. Một số thủ đoạn phổ biến: Tạo trang web giả mạo ngân hàng hoặc dịch vụ trực tuyến với mục đích thu thập thông tin cá nhân của người dùng internet; sử dụng trạm phát sóng BTS giả mạo gửi tin nhắn lừa đảo tới người dùng. Nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân; các đối tượng gài bẫy quảng cáo, ứng dụng cho vay. Nạn nhân sau khi cài đặt ứng dụng và cấp quyền cho ứng dụng truy cập điện thoại sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt thông tin cá nhân; các đối tượng gọi điện thông báo khóa dịch vụ viễn thông. Nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ mất thông tin cá nhân…

“Hành trang” chuẩn bị xong xuôi, kẻ lừa đảo (thực chất chỉ là người Việt làm công hoặc bị ép làm việc cho các tay trùm lừa đảo người nước ngoài, “trụ sở” công ty đặt ở nước ngoài) bắt đầu “giăng lưới”, “cắm câu” và có thể bắt được tất cả các loại “cá” lớn, nhỏ. Cao tay hơn là hiện nay chúng còn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh thì nạn nhân có thể nhận biết ra ngay. Bởi thời gian của cuộc gọi này rất ngắn chỉ có vài giây, chất lượng video kém, chập chờn, hình ảnh không trung thực, đồng nhất… Do vậy nếu có người thân, bạn bè gọi điện mượn tiền kiểu này mọi người cần xác thực lại trước khi chuyển khoản.

Các thủ đoạn lừa đảo vẫn hoạt động hàng ngày và gây ra nhiều hậu quả lớn, bức xúc cho xã hội. Để phòng ngừa, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản xã hội. Không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người chưa xác thực. Các cơ quan nhà nước không làm việc với người dân, người vi phạm qua điện thoại, qua mạng xã hội hay yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP. Và điều quan trong hơn là Cơ quan Công an mong muốn mọi người khi tiếp thu, tiếp nhận thông tin cảnh báo của cơ quan chức năng cần chia sẻ cho người thân, bạn bè để cùng cảnh giác. Vì như đã nói ở trên, rất nhiều người bị lừa ít khi nghe đài, đọc báo hay được người khác chia sẻ thông tin cảnh báo.

Hiện tại cơ quan Công an các địa phương trong cả nước đều tiếp nhận khá nhiều vụ trình báo bị lừa qua mạng nhưng rất ít kẻ lừa bị sa lưới. Bởi những kẻ giấu mặt điều hành các đường dây lừa đảo qua mạng hầu hết là ở nước ngoài, khi lừa xong nạn nhân chúng chỉ cần khóa tài khoản thì coi như vô phương tìm kiếm.

 https://cand.com.vn/Cong-nghe/tien-bi-lua-qua-mang-la-mot-di-khong-tro-lai-i700817/

Mã Hải / CAND