Các vụ sáp nhập và mua lại công ty nước ngoài của giới đầu tư Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng vào năm 2018, bất chấp những nỗ lực hạn chế thoái vốn của Bắc Kinh trong năm nay.

Nhân dân tệ sẽ phải chịu thêm áp lực và bị suy yếu nếu dòng tiền vẫn tiếp tục chảy ra nước ngoài

Tuy nhiên, đây không phải là tin tốt cho mọi ngành kinh doanh của Trung Quốc, thay vào đó hầu hết thỏa thuận sẽ thuộc về các ngành phù hợp với sáng kiến "Vành đai - Con đường", tham vọng lớn của Đại lục nhằm kết nối châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi thông qua một mạng lưới vận tải và hậu cần rộng lớn.

Theo ông Harsha Basnayake, đối tác quản lý dịch vụ tư vấn giao dịch tại châu Á - Thái Bình Dương của công ty kiểm toán EY, các giao dịch nước ngoài của Trung Quốc sẽ có “vai trò quan trọng” trong xu hướng sáp nhập và mua bán (M&A) toàn cầu.

“Chúng tôi hy vọng năm 2018 sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ đối với các thương vụ M&A ở nước ngoài. Trong đó, kế hoạch kinh tế vĩ mô, việc Trung Quốc nâng cao vai trò trung tâm trong các vấn đề toàn cầu, khu vực tư nhân có nguồn tài chính tốt sẽ là những yếu tố thúc đẩy quan trọng”, Colin Banfield, người đứng đầu bộ phận mua bán và sáp nhập tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Citi, nói với CNBC.

Theo Reuters, đầu tháng này Bắc Kinh đã ban hành một loạt hướng dẫn dự thảo mới nhằm giúp việc M&A ra nước ngoài trở nên dễ dàng hơn. Dự thảo này tuân theo các quy định được ban hành hồi tháng 8.2017 với nội dung chỉ ra loại hình đầu tư nào ở nước ngoài sẽ bị cấm, hạn chế hoặc khuyến khích. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng hầu như chỉ có những khoản đầu tư liên quan đến dự án “Con đường tơ lụa mới” mới được hưởng lợi từ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Các lĩnh vực này bao gồm cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, thương mại, văn hóa và hậu cần. Ngoài ra, một vài lĩnh vực khác tuy không nằm trong danh sách khuyến khích, nhưng có khả năng cũng sẽ nhận được sự ủng hộ từ Bắc Kinh như an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, và những đầu tư có thể tạo ra nhiều việc làm hơn ở Trung Quốc.

Song, vẫn có một vài điều nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không mong muốn trong những thương vụ đầu tư nước ngoài của các công ty trong nước. Cụ thể, vài năm trở lại đây, một số công ty Trung Quốc liên tục đổ tiền vào giao dịch “không phù hợp” với mục tiêu kinh tế của chính phủ, từ mua sắm khu nghỉ mát sang trọng cho đến sở hữu các câu lạc bộ bóng đá. Hợp đồng mua bán trong những lĩnh vực này tăng đều đặn từ năm 2009 và đạt mức 200 tỉ USD vào năm 2016. Giới chức Trung Quốc lo rằng nếu dòng tiền vẫn tiếp tục chảy ra nước ngoài, thì nhân dân tệ sẽ phải chịu thêm áp lực và bị suy yếu. Theo các chuyên gia nhận định, hoạt động M&A của các công ty Đại lục tăng vọt còn làm giảm tỷ suất lợi nhuận đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, sau những nỗ lực kìm hãm mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong nước ra nước ngoài của Bắc Kinh, tổng số giao dịch được công bố trong 9 tháng đầu năm 2017 đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị của tất cả các giao dịch trên 5 triệu USD, công bố trong cùng kỳ, cũng giảm hơn 50% so với năm 2016.

TS Lưu Bích Hồ: Việt Nam nói nhiều, chưa làm đã lo...
Smartphone của Samsung, Apple giảm thị phần tại Trung Quốc
\'Tứ giác Kim cương\' gặp nhau, Trung Quốc lập tức lên tiếng

(https://thanhnien.vn/kinh-doanh/tien-co-the-se-chay-ra-khoi-trung-quoc-mot-lan-nua-900222.html)

/ Theo Phương Anh/Thanh niên