Tất cả các khoản tiền thu hồi từ các vụ án đều phải trả lại cho ngân sách, dùng nó vào việc gì là của cơ quan quản lý.
Xây trường học, làm cầu dân sinh
Mới đây, theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, ông Đinh La Thăng bị phạt 18 năm tù do phạm tội cố ý làm trái và phải bồi thường 600 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí.
Trong khi đó, cơ quan điều tra cũng đã thu hồi được 500 tỉ đồng của Phan Sào Nam, cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP VTC Truyền thông trực tuyến (VTC Online) trong vụ án bóc gỡ đường dây đánh bạc xuyên quốc gia vừa qua.
Về việc nên dùng tiền thu hồi từ các vụ án vào việc gì là phù hợp, trao đổi với Đất Việt, Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho biết: "Từ trước đến nay, tiền thu hồi các vụ án vẫn có chủ trương là sẽ trích một phần để lại cho các cơ quan điều tra, đơn vị tiếp tục đấu tranh phá án.
Phần còn lại thì trả về ngân sách vì tiền đó suy cho cùng cũng là tiền ngân sách, tiền của nhà nước, tiền của nhân dân bị chiếm đoạt nên giờ phải trả về đúng vị trí. Và dĩ nhiên tất cả các khoản tiền cũng phải được tiêu dùng một cách công khai, minh bạch, rõ ràng.
Các khoản tiền bồi thường từ các dự án phải trả về cho ngân sách
Cụ thể, như trường hợp ông Đinh La Thăng, tiền được lấy từ các cơ quan cụ thể nên nếu thu hồi lại phải trả về đúng vị trí như Tập đoàn dầu khí. Nhưng suy cho cùng Tập đoàn dầu khí thì cũng là tiền ngân sách quốc gia, tiền nhà nước.
Hoặc cũng có đề xuất đưa số tiền này để xây trường học, làm cầu dân sinh, làm các công trình cho các cháu vùng sâu vùng xa qua suối không sợ lũ, có áo ấm để mặc, có sách vở đến trường, đây cũng là ý kiến hay".
Tuy nhiên, bản thân ông Thuận cũng lo lắng, giờ làm công trình xây dựng nào cũng không rõ ràng, nhiều tiêu cực, tiền thu hồi từ tham nhũng, xong lại đi làm các công trình xuất hiện tham nhũng, như vậy là đồng tiền tham nhũng lại đi vào vết xe đổ lần nữa.
Vì thế, việc chi tiêu ngân sách hay bất kỳ khoản tiền nào cũng phải rõ ràng, làm đúng mục đích, có ý nghĩa, chứ không có tiền hỗ trợ chỗ nào cũng xây tượng đài, trụ sở. Bởi mục đích hiệu quả là đưa đồng tiền về đúng vị trí, nhưng thực tế tiền tuyên bố thu hồi từ các vụ án thì nhiều, nhưng thực tế thu hồi được lại không đáng kể.
Đồng tình quan điểm, PGS. TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lýcho rằng, số tiền được thu hồi chính là tài sản công, tài sản nhà nước, nên việc sử dụng vào mục đích gì cũng do nhà nước quyết định.
Có thể đầu tư, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa khó khăn, hỗ trợ các địa phương còn nghèo đầu tư phát triển, nhưng tất cả còn tùy theo từng giai đoạn, việc gì cần thiết mà sử dụng một cách có hiệu quả nhất thì nên làm.
Thu hồi được bao nhiêu mới quan trọng
PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại thì lại lo ngại không thu hồi được.
"Đơn giản như trường hợp ông Thăng bồi thường 600 tỷ đồng nhưng không có kê biên tài sản, thì lấy gì để bồi thường? Còn ông Phan Sào Nam là vụ án đa cấp, phát hiện tài sản giấu thì phải thu hồi, nhưng thu hồi ra sao thì phải chờ phán xét của tòa án, theo đúng Luật.
Nên việc quan trọng ở đây là có thu hồi được hay không, chứ tiền tham nhũng lấy từ ngân sách thì phải trả ngân sách, lấy của người dân thì trả người dân, tùy theo tính chất vụ án", ông Nam nói thêm.
Về việc này, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng khẳng định đây là khoản thu bù lại cho ngân sách, nên không ai được sử dụng làm gì, không có quyền dùng vào mục đích khác.
Còn việc dùng vào việc gì lại là bài toán phân bổ ngân sách, có thể khoản thu được các nhà quản lý dùng việc này việc khác, nhưng bản chất vẫn là nguồn tiền ngân sách.
Cũng đề cập đến vấn đề thực tế con số thu hồi, theo ông Sơn, án tuyên theo giá trị được xác định về tội danh, phân định theo trách nhiệm, còn khả năng thu hồi được hay không tùy thuộc vào thực tế, tùy theo nhà quản lý ngân sách.
Không thể tịch thu tài sản theo hướng “suy đoán có tội” “Về mặt pháp lý, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng ... |
Giải trình nguồn gốc tài sản: “Người ta nói tài sản do bố để lại” Góp ý vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định băn khoăn: “Người ta ... |