86 tuổi đời, 67 năm tuổi Đảng, từng chịu cảnh tù đày trong nhà lao thực dân – đế quốc, ông Nguyễn Duy Nhơn không bao giờ quên được lần vui Tết độc lập trong nhà tù Cam Ranh.

Về xóm Kim Hòa, xã Võ Liệt (Thanh Chương), theo chỉ dẫn, chúng tôi bước qua cánh đồng bắt đầu chín rộ, qua những con đường quanh co và nghe tiếng măng – đô – lin vang vọng từ ngôi nhà ông Nguyễn Duy Nhơn (SN 1931). Trước hiên nhà, ông Nhơn mải mê với cây đàn, những ngón tay già nua vẫn tỏ ra khéo léo và điêu luyện.

Khách bước đến rất gần, những ngón tay của ông mới tạm rời cây đàn và đưa ánh mắt thân thiện: “Những ngày này, tôi như đang sống trong hoài niệm về những năm tháng đã xa, thời còn niên thiếu, rồi tham gia quân ngũ, bị địch bắt giam và vui liên hoan mừng ngày Quốc khánh ngay trong chốn lao tù...”.

tieng dan mang do lin mung tet doc lap trong chon tu nguc
Ông Nguyễn Duy Nhơn tìm niềm vui bên cây đàn măng đô lin. Ảnh: Công Kiên

Ông Nhơn có bố quê ở xã Đồng Văn (Thanh Chương), mẹ quê Quảng Trị, ông sinh ra ở Quy Nhơn và được bố mẹ đặt tên theo tên gọi của vùng đất này. Những ngày tháng tổng khởi nghĩa, cậu thiếu niên theo lớp sơ học yếu lược ấy vẫn để tâm theo dõi những biến cố của thời cuộc đang diễn ra trên đất Quy Nhơn.

Hai người anh sớm đứng vào hàng ngũ cách mạng, bám theo phong trào đấu tranh quần chúng. Chưa hiểu cách mạng là gì nhưng cậu học trò Nguyễn Duy Nhơn vẫn hòa vào dòng người tham gia tranh đấu, nghe diễn thuyết cậu hiểu được một ít rằng từ nay sẽ rũ bỏ kiếp đời nô lệ, đất nước sẽ được tự do, không còn cảnh áp bức, bóc lột.

Tròn 19 tuổi, Nguyễn Duy Nhơn xin nhập ngũ và cùng đơn vị chiến đấu ở vùng rừng núi phía Tây Quảng Trị. Cũng trong năm ấy, ông vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Đầu năm 1952, trong một trận chống càn ở huyện Phong Điền, do lực lượng quá chênh lệnh, đơn vị bị tổn thất nặng, ông bị rơi vào tay giặc.

tieng dan mang do lin mung tet doc lap trong chon tu nguc
tieng dan mang do lin mung tet doc lap trong chon tu nguc
2. Cuốn sổ ghi chép – kỷ vật từ thời bị giam giữ trong nhà tù đế quốc của ông Nguyễn Duy Nhơn. Ảnh: Công Kiên

Địch dùng nhục hình tra tấn nhằm khai thác thông tin nhưng ôngkhông khai báo một lời, chúng đành chuyển ông về nhà giam ở Huế, rồi Đà Nẵng và cuối là Cam Ranh (Khánh Hòa). Trong chốn lao tù, những người lính cộng sản tiếp tục cuộc đấu tranh đòi cải thiện bữa ăn, có thuốc chữa bệnh, được học tập văn hóa và tổ chức vui chơi văn nghệ trong mỗi dịp lễ tết cổ truyền.

“Suốt cuộc đời, tôi không bao giờ quên lần đón Tết Độc lập lần thứ 8 ngay trong nhà tù Cam Ranh. Không mâm cỗ thịnh soạn, cũng chẳng có khẩu hiệu, loa đài nhưng anh em tù binh có một ngày thực sự vui vẻ, người Pháp phải nể phục tinh thần yêu nước của người Việt Nam” – ông Nhơn tâm sự.

Đó là năm 1953, vào dịp đầu Thu, anh em bàn kế hoạch mừng Tết độc lập, để che mắt bọn quản tù mọi người cùng thống nhất dưới danh nghĩa là tổ chức ngày Rằm tháng Bảy và lễ Vu lan. Mỗi người chuẩn bị một việc, người chế tác nhạc cụ, người dựng phông, người cắt chữ, làm hoa văn trang trí và luyện tập văn nghệ. Riêng ông Nhơn tập trung vào việc chế tác chiếc đàn măng – đô – lin.

Đến ngày đã định, anh em cho người lên mời đại diện nhà tù xuống dự lễ. Tên quan Hai người Pháp xuống và không khỏi ngạc nhiên khi nhìn tấm phông lộng lẫy, những dòng chữ và hoa văn đủ màu sắc được gắn trên phông và trang trí xung quanh lối vào, cả những nhạc cụ tự chế cất lên những giai điệu thiết tha và hùng tráng.

Anh em giải thích rằng tấm phông được may từ những mảnh bạt vứt vung vãi; chữ và hoa văn làm từ bìa các – tông; màu sắc được pha chế từ những viên thuốc chữa bệnh tán nhỏ, hòa với nước lã. Và chiếc đàn măng – đô – lin được làm từ những mảnh gỗ vứt sau vườn, những sợi dây thép vứt cạnh hàng rào; chiếc sáo được làm từ những mảnh sắt tây cuộn lại rồi đục thành từng lỗ thoát hơi.

Nghe vậy, tên sỹ quan người Pháp há hốc mồm tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi về phòng lấy máy ảnh chụp lại những “tác phẩm” được sáng tạo bởi bàn tay những tù binh cộng sản.

tieng dan mang do lin mung tet doc lap trong chon tu nguc
Đoàn đại biểu các tỉnh, Thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh về Cam Ranh thăm trại giam cũ. Ảnh tư liệu

Anh em xếp hàng, hướng về phía Bắc, miệng như cầu khấn nhưng thực chất là hát nhẩm bài “Quốc ca”, cùng chung một suy nghĩ hướng về lá cờ Tổ quốc và quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Người Pháp cũng đoán được mục đích chính của buổi lễ nhưng đành lắc đầu. Tiếng đàn, tiếng sáo và tiếng hát vang lên, tất cả mọi người cùng bắt nhịp, tên quan Hai Pháp đi một vòng bắt tay từng người.

Gần một năm sau, ngày 25/8/1954, theo quy định tại Hiệp định Giơ – ne – vơ, ông Nguyễn Duy Nhơn được Pháp trao trả tại Quy Nhơn, nơi sinh ra và lớn lên. Sau đó, ông theo đơn vị tập kết ra miền Bắc, chuyển ngành rồi về quê hương Thanh Chương lao động sản xuất và tham gia công tác xã hội ở cấp xã.

Kỷ vật duy nhất ông Nhơn còn lưu giữ được trong những năm tháng tù đày là cuốn sổ nhỏ với gần 100 trang, do những người bạn tù ghi lại những dòng cảm xúc. Cuốn sổ nhỏ đã ngả màu, phần lớn trang viết đã nhòe nhưng tình cảm của những tù binh năm xưa dành cho nhau vẫn vẹn nguyên.

Ông Nhơn chia sẻ: “Đã mấy lần tôi trở lại Cam Ranh thăm trại giam cũ, lần nào cũng bồi hồi, xúc động nhớ những đồng đội năm nào. Và nhớ nhất là lần tổ chức vui Tết Độc lập, mừng 8 năm ngày Quốc khánh của đất nước, mới đó mà đã 64 năm đi qua...”.

(http://www.baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201709/tieng-dan-mang-do-lin-mung-tet-doc-lap-trong-chon-tu-nguc-2840096/)

Báo Nghệ An