Nhiều khu rừng nguyên sinh dù nằm sát khu dân cư đông đúc nhưng bao năm qua vẫn còn nguyên vẹn nhờ người dân bảo nhau cùng gìn giữ, trông coi
Nằm ngay thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar - cách TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chưa đầy 15 km nhưng rừng núi Cư H’lăm vẫn giữ được vẻ nguyên sơ nhờ truyền thuyết về mối tình loạn luân đầy ngang trái. Theo tiếng Ê Đê, Cư nghĩa là núi, H’lăm là sự loạn luân, hôn nhân trái đạo đức...
Lời nguyền "nàng loạn luân"
Theo già làng Ama Xý, từ xa xưa, làng Ê Đê ở vùng này có 2 anh em cùng họ là H’Hoan Niê và Y Nhái Niê yêu nhau nhưng gia đình và dân làng ngăn cấm. Một đêm trăng, Y Nhái và H’Hoan lên núi Cư H’lăm ngày nay tâm sự rồi trao thân cho nhau. Sự việc đến tai dân làng và theo luật tục, 2 người phải chịu sự trừng phạt nhưng họ phản đối.
Chàng Y Nhái bỏ làng ra đi, còn nàng H’Hoan ngày ngày lên núi than khóc, nguyện cầu người yêu trở về. Một ngày nọ, toàn thân H’Hoan tan vào dòng nước hòa trong lòng đất. Buôn làng nơi ấy dần sụp xuống, tạo nên hồ Cư H’lăm cạnh núi Cư H’lăm ngày nay. Còn Y Nhái, sau một thời gian biệt xứ đã trở về chốn cũ nhưng chẳng thấy người yêu và buôn làng đâu. Ngày qua ngày, chàng khóc thương người yêu rồi cũng mất đi…
Rừng Cư H’lăm còn rất nhiều cổ thụ, muông thú Ảnh: Bình Nguyên
Khu vực núi Cư H’lăm rộng gần 19 ha, chia làm 5 tầng. Ba tầng trên có nhiều cây lớn, tầng kế là cây bụi và dưới cùng là thảm cỏ. Để lên đến đỉnh núi cao 524 m so với mực nước biển này, chúng tôi phải mất hơn 1 giờ len lỏi trong đám cây rừng chằng chịt. Càng vào sâu, chúng tôi càng ấn tượng bởi khu rừng nguyên sinh này còn rất nhiều đại thụ cao hàng chục mét, gốc 5-6 người ôm không xuể.
Theo kết quả điều tra mới đây của Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar và Khoa Lâm nghiệp Trường ĐH Tây Nguyên, Cư H’lăm có 112 loài cây, trong đó có nhiều gỗ quý và dược liệu. Dù xung quanh là khu dân cư đông đúc nhưng Cư H’lăm vẫn còn nhiều loài thú như: khỉ, trăn, nhím, chồn, nưa, kỳ đà…
Già làng Ama Xý cho rằng rừng núi Cư H’lăm vẫn còn nguyên vẹn, không bị chặt phá chính là nhờ người dân kiêng dè chuyện xưa. "Theo truyền thuyết, về sau, khi đến đây sinh sống, người dân đã đặt tên núi là Cư H’lăm để nhắc nhở, giáo dục con cháu không phạm phải sai lầm, dẫn đến tai họa cho buôn làng. Dân làng tin vào lời nguyền rằng hồn nàng H’Hoan vẫn ngự trị trên núi Cư H’lăm, trở thành nữ chúa rừng xanh, ai chặt cây cối về làm nhà thì trước sau gì cũng gặp tai họa, nhà tự nhiên bốc cháy. Ai có uẩn khúc thì lên núi khấn nguyện sẽ cảm thấy được giải tỏa, thanh thản..." - ông tiết lộ.
Câu chuyện nêu trên được truyền miệng bao đời nay. Nhờ lời nguyền về "nàng loạn luân", đồng bào các dân tộc sinh sống xung quanh khu vực núi Cư H’lăm không bao giờ đến đây khai thác gỗ, săn bắt muông thú hay phá rừng làm rẫy. "Từ yếu tố văn hóa, tâm linh của bà con nên từ trước đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp chặt phá cây rừng nào" - ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, khẳng định.
Năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận Cư H’lăm là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Để phát huy giá trị Cư H’lăm, năm 2013, Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất xây dựng đền Hùng ở núi Cư H’lăm. Đến năm 2014, Đắk Lắk đã đồng ý cho một công ty đầu tư phát triển du lịch tại núi Cư H’lăm. Theo ông Chỉ, quan điểm của UBND huyện Cư M’gar là phát triển du lịch nhưng phải giữ nguyên hiện trạng rừng nguyên sinh.
Ân nhân của dân làng
Tại Quảng Bình, khu rừng nguyên sinh Lòi Chùa rộng khoảng 5 ha nằm ở xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch - chỉ cách TP Đồng Hới chừng 15 km cũng giữ được nét hoang sơ. Từ lâu, dân địa phương tin khu rừng này rất linh thiêng, mang lại bình yên cho cuộc sống của họ nên hết lòng gìn giữ, bảo vệ.
Khi biết chúng tôi có ý định vào rừng Lòi Chùa, nhiều người dân thôn Đông Thành, xã Nam Trạch liền lộ vẻ cảnh giác: "Mấy chú vào đó có chuyện chi?". Biết mục đích của chúng tôi, cụ Võ Thị Hợi dặn dò: "Các cháu đừng mang lửa vào rừng nhé".
Rừng Lòi Chùa ngày càng xanh tốt dù nằm sát khu dân cư Ảnh: Minh Tuấn
Cụ Hợi khoe đã có mấy chục năm gắn bó với rừng Lòi Chùa. Đứng bên bìa rừng, cụ tự hào: "Lòi Chùa nằm cạnh khu dân cư nhưng mấy chục năm qua vẫn nguyên vẹn nhờ người dân đồng lòng trông coi, không cho bất cứ kẻ xấu nào vào chặt phá".
Theo cụ Võ Tuấn Tri, một bậc cao niên khác ở thôn Đông Thành, sở dĩ rừng có tên là Lòi Chùa vì trước đây, khu vực này có một ngôi chùa cổ khá lớn. Trải qua chiến tranh, ngôi chùa bị bom đạn đánh sập, đến giờ chỉ còn lại một số vết tích. "Không biết chùa có từ khi nào nhưng nổi tiếng là linh thiêng, các thế hệ dân làng thường xuyên vào cúng viếng. Khu rừng ở đây cũng trở thành rừng thiêng đối với người dân" - ông Tri cho biết.
Trong ký ức, người dân Nam Trạch không thể nào quên những trận đại hồng thủy trước đây. "Nếu không có rừng Lòi Chùa che chở thì có lẽ cả thôn Đông Thành đã bị lũ cuốn phăng. Đông Thành nằm ở vùng trũng. Mỗi khi gặp lũ lớn, người dân lại đưa tài sản, trâu bò, gia cầm... lên rừng trú ẩn, chờ nước rút mới quay về. Với chúng tôi, rừng Lòi Chùa như ân nhân chở che, cứu sống biết bao thế hệ" - bà Hợi cảm kích.
Ông Võ Văn Thuyên, trưởng thôn Đông Thành, khẳng định: "Rừng Lòi Chùa còn, dân chúng tôi còn. Ý thức như vậy nên bà con luôn dặn nhau phải trông nom, gìn giữ khu rừng thiêng. Không chỉ giữ rừng như giữ tài sản của chính mình, bà con còn làm nhiều cách để rừng ngày càng nhiều cây. Cứ sau Tết nguyên đán hằng năm, làng Đông Thành lại phát động phong trào mỗi nhà trồng một cây để rừng thêm xanh, thu hút đông đảo người dân tự nguyện tham gia".
Chúng ta đang trả giá cho việc phá rừng Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho biết đợt mưa lũ khiến 54 người thiệt mạng ... |
Còn biết bao nhiêu cây kim đang nằm trong bọc “Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được, liệu có tiêu cực trong vấn đề này không?”, Thủ tướng Nguyễn ... |
Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Khai quật tử thi thành công nhờ kế hoạch điệu hổ ly sơn (Kỳ 4) Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ... |
http://nld.com.vn/thoi-su/tiep-suc-rung-thieng-20171020214055727.htm