Không chỉ căng sức để phòng chống dịch tả heo châu Phi, cơ quan chức năng còn phải vào cuộc xử lý những hành vi lan truyền thông tin thất thiệt như một sự tiếp tay cho dịch bệnh nguy hiểm này
Theo số liệu mới nhất được công bố, dịch tả heo châu Phi đã lây lan ra tới 221 xã thuộc 52 huyện của 17 tỉnh, thành từ các tỉnh miền Bắc tới Nghệ An. Giới chức và người dân đã phải tiêu hủy gần 23.500 con heo. Cho dù cảnh báo và áp dụng các biện pháp phòng ngừa từ rất sớm, khi dịch tả heo châu Phi phát hiện tại quốc gia láng giềng Trung Quốc vào tháng 8-2018, song dịch bệnh này vẫn xuất hiện tại nước ta. Đáng nói là sau khi phát hiện tại 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình từ trung tuần tháng 2 vừa qua, dịch đã lây lan khá nhanh, ra tới 17 tỉnh, thành chỉ sau 1 tháng.
Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan khiến việc ngăn chặn và khống chế dịch tả heo châu Phi gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhận thức và truyền thông cũng là một nguyên nhân quan trọng đối với công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Trong những biện pháp lớn phòng chống dịch của cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới Chính phủ đều khẳng định vai trò và tầm quan trọng của công tác truyền thông. Truyền thông tốt để có nhận thức và hành động đúng sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh, giúp duy trì sự ổn định của sản xuất và tiêu dùng. Ngược lại, có thể dẫn tới những hệ lụy khó lường.
Những ngày qua đã xuất hiện những trường hợp loan truyền thông tin thất thiệt về dịch tả heo châu Phi buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý. Như trường hợp chủ trang fanpage "Đầm bầu thời trang Mami" thông tin sai về dịch tả heo châu Phi, kêu gọi tẩy chay thịt heo. Chủ trang Facebook Đoàn Cường cũng tung tin thất thiệt về dịch bệnh tại tỉnh biên giới Quảng Ninh; hay các chủ tài khoản Facebook Bảo Trân, Bảo Yến tung tin dịch tả heo lan tới Cà Mau trong khi tại tỉnh cực Nam đất nước này chưa hề có dịch. Đáng tiếc nhất là trường hợp một nữ ca sĩ nổi tiếng cũng "tiếp tay" cho việc loan truyền thông tin thất thiệt liên quan tới dịch bệnh.
Cả nước đang nỗ lực tối đa để sớm ngăn chặn, khống chế thành công dịch tả heo châu Phi. Điều đó rất quan trọng bởi dịch bệnh nguy hiểm không chỉ có thể ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đời sống của hàng triệu người chăn nuôi, kinh doanh mà cả sự ổn định xã hội. Cứ nhìn vào các con số 2 triệu hộ chăn nuôi heo, tổng đàn heo hơn 28 triệu con và thịt heo chiếm tới hơn 70% tổng lượng thịt tiêu dùng là thấy rất rõ điều này.
Chính vì thế, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu chống dịch tả heo châu Phi phải như chống giặc. Dịch bệnh nguy hiểm nếu không được ngăn chặn và khống chế sẽ gây họa chẳng kém nào một thứ "giặc". Thông tin sai lệch, thất thiệt khiến dịch bệnh nguy hiểm lây lan hay gây hoang mang, lo lắng cũng chẳng khác nào một sự tiếp tay cho thứ "giặc" này.
Cục Thú y: \'Dịch tả lợn lan rộng do người dân giết mổ lợn bệnh\' Cục Thú y đưa ra ba nguyên nhân dịch lây lan song nhiều địa phương cho rằng ổ dịch trên địa bàn có thể đến ... |
Tung tin thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi vì… hiếu kỳ! Do thiếu hiểu biết và hiếu kỳ, 2 đối tượng 9X ở Cà Mau đã đăng thông tin thất thiệt về dịch tả lợn châu ... |
Tung tin sai về dịch tả lợn Châu Phi: Sống ảo trả giá bằng tiền thật Hầu hết những người tung tin đồn nhảm trên Faccebook với hy vọng sẽ được nhiều like, nhiều follow đều nhận phải những cái kết ... |