Khi smartphone sắp hết pin nhưng bạn không có nguồn sạc, việc tắt kết nối mạng hoặc vô hiệu hóa thông báo sẽ là cách tối ưu nhất. 

Hiện nay, smartphone đã được trang bị dung lượng pin lớn hơn, cho phép người dùng có thể sử dụng hơn một ngày ở tần suất bình thường mà không cần phải sạc lại. Bên cạnh đó, việc pin sạc dự phòng ngày càng rẻ là phụ kiện giúp kéo dài thời gian sử dụng smartphone.

tiet kiem pin khi smartphone sap chet

Tuy vậy, cũng có những trường hợp không có nguồn điện sẵn trong khi máy sắp hết pin, buộc bạn phải dùng đến các thủ thuật tiết kiệm năng lượng. Dưới đây là những cách (có thể tiêu cực) nhưng giúp bạn sử dụng điện thoại thêm một thời gian:

Tắt các kết nối không dây

Kết nối không dây như 3G/4G, Bluetooth, Wi-Fi luôn "ngốn" nhiều năng lượng và nếu không cần thiết, bạn nên tắt nó đi. Việc định vị GPS cũng tương tự và bạn không nên bật nó khi máy sắp cạn năng lượng, hoặc muốn dự trữ năng lượng để dùng lâu hơn.

Hạn chế kiểm tra điện thoại thường xuyên

Một trong những thói quen của con người hiện đại là thường xuyên kiểm tra điện thoại của mình, thậm chí làm điều đó một cách vô thức. Việc bật tắt máy liên tục cũng gây tốn pin nhiều hơn.

Chuyển sang chế độ máy bay

Nếu không cần thiết, chế độ máy bay là một lựa chọn để tiết kiệm pin. Tuy nhiên, nó đồng nghĩa với việc bạn không thể nhận các cuộc gọi hay tin nhắn.

Tận dụng nguồn điện sẵn có

Nếu laptop, đèn pin kèm sạc dự phòng, bình ac-quy... của bạn còn nhiều năng lượng, nó có thể dùng để sạc cho smartphone tạm thời.

Vô hiệu hóa các thông báo

Thông báo từ email, Facebook, Instagram, Messenger... luôn làm tiêu tốn nhiều năng lượng, do đó cần tắt để tiết kiệm pin.

Giảm độ sáng màn hình

Màn hình luôn là bộ phận tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, do đó nên giảm độ sáng để tiết kiệm pin, cũng như hạn chế bật tắt màn hình quá nhiều.

Gửi tin nhắn bằng văn bản thay vì gọi điện

Việc nhắn tin có thể tốn nhiều thời gian hơn nhưng không tiêu tốn năng lượng bằng gọi điện. Bên cạnh đó, nhắn tin cũng giúp truyền thông điệp cụ thể hơn. Tất nhiên, bạn cũng cần biết khi nào nên nhắn tin, khi nào cần gọi điện tùy theo đối tượng mà mình liên lạc.

/ Bảo Lâm/VnExpress